Hơn 6000 ngôi mộ cổ có niên đại từ thời Chiến Quốc (475 – 221 Trước công nguyên), nhà Tần (221 – 207 Trước công nguyên), nhà Hán (202 Trước công nguyên – 220 Sau công nguyên), nhà Minh (1368 – 1644) và nhà Thanh (1636 – 1912), được phát hiện ở phía tây nam thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Theo các nhà chức trách địa phương, nhóm khảo cổ tìm thấy hàng nghìn ngôi mộ chứa hài cốt trong lúc chuẩn bị xây công viên công nghệ tại đây.
Trước đó, cánh đồng rộng khoảng 10 km2 được phân bổ để xây dựng công viên công nghệ. Dự án này bắt đầu vào tháng 3/2015. Tuy nhiên, nhóm khảo cổ lại bất ngờ tìm thấy mộ cổ chứa hài cốt.
Sau 5 năm làm việc khai quật trong khu vực, các nhà khảo cổ học đã phát hiện hơn 6000 ngôi mộ thuộc nhiều triều đại khác nhau trong suốt 2000 năm, từ thời Chiến Quốc tới thời nhà Thanh.
Trong số đó, một ngôi mộ có niên đại từ thời cuối nhà Hán được bảo quản đặc biệt tốt, mang số hiệu M94. Ngôi mộ này chứa 86 món đồ chôn cất, hàng trăm đồng xu. Do không có tài liệu ghi chép lại, nên nhóm khảo cổ hiện chưa thể nhận dạng chủ nhân của những ngôi mộ.
Hầu hết các ngôi mộ được chạm khắc vào vách đá nhỏ hoặc được xây dựng từ gạch, chứa hàng chục ngàn mảnh gốm sứ, đồ tạo tác bằng đá.
Bên cạnh mộ cổ, cả nhóm cũng khai quật được hơn 10.000 cổ vật, trong đó bao gồm những món đồ bằng gốm sứ, đồ đồng, ngọc bích và thủy tinh. Ngoài ra còn có các di tích văn hóa như con dao bằng đồng mạ vàng, tượng Phật, các pho tượng nhỏ…
Nếu xét theo quy mô thiết kế bên trong, nhóm xác định ngôi mộ có thể thuộc về quý tộc. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại vẫn còn rất nhiều bí ẩn từ khu vực khai quật này cần được tìm hiểu, khám phá và giải mã.
Nếu những câu hỏi được giải đáp rất có thể sẽ hé lộ về lịch sử, đời sống văn hóa tại vùng này.
Theo ông Zuo Zhiqiang, một nhà nghiên cứu đến từ Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học Thành Đô, việc khám phá sẽ giúp xây dựng tài liệu về các hành vi, nghi lễ, khái niệm lăng mộ vào cuối triều đại nhà Hán cũng như thời Tam Quốc.