Dân Việt

Bí mật về kho báu trị giá 1 tỷ USD của quân nổi dậy Simba

Đan Kô - theo ANTT, Spelgi 16/05/2020 19:31 GMT+7
Năm 1964, quân nổi dậy ở Congo tháo chạy mang theo nhiều xe tải chở đầy vàng ròng, kim cương và ngà voi với tổng trị giá 1 tỉ USD. Kho báu này mới được tìm thấy và đang là tâm điểm của nhiều cuộc tranh giành khốc liệt.

Từ tháng 1 - 11/1964, đội quân Simba tự xưng là Hội đồng Giải phóng quốc gia dưới sự lãnh đạo của Gaston Soumialot, Christophe Gbenye và Laurent-Désiré Kabila, cũng đã giành quyền kiểm soát được một nửa lãnh thổ Congo, trong đó có 7 thành phố lớn. Trước tình hình đó, phương Tây đã gửi lính dù, máy bay T-28 cùng lính đánh thuê sang để giúp đỡ cho quân đội chính phủ đẩy lùi đội quân Simba. Sau khi thất bại, đội quân Simba vượt biên giới qua Sudan.

Bí mật về kho báu trị giá 1 tỷ USD của quân nổi dậy Simba - Ảnh 1.

Gaston Soumialot, Christophe Gbenye, Laurent-Désiré Kabila và Adrien Kanambe.

Trong khi rút đi, họ đã lấy theo rất nhiều chiến lợi phẩm gồm nhiều vàng thỏi, tiền vàng, kim cương, ngoại tệ (chủ yếu là đồng frăng Bỉ), ngà voi, da báo cùng nhiều kim loại quý khác. Số vàng trên được quân Simba lấy từ các ngân hàng địa phương và đặc biệt từ 2 khu mỏ vàng là Watsa và Kilo Moto. Khi đội quân Simba bại trận tới Juba, thủ phủ của miền Nam Sudan, họ đã được tướng Bechir, Chỉ huy trưởng miền Nam Sudan và sau này làm Tổng thống Sudan, tiếp đón nồng hậu.

Phía chủ nhà sau đó ghi nhận tài sản mang theo của những vị khách, cũng như giúp họ chuyển một số tài sản đó vào Ngân hàng Quốc gia Sudan. Một luật sư người Sudan tên là Anwar Adham đã chứng thực phiên chuyển giao trên. Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Sudan lúc đó là El-Sid El-Fid cũng đã gửi giấy biên nhận tới cho tướng Nicolas Olenga, người dẫn đầu đoàn quân Simba tháo chạy sang Sudan. Tính tổng cộng thì đội quân Simba đã gửi vào Ngân hàng Quốc gia Sudan 36,6 tấn vàng ròng dưới dạng thỏi, 37 kg kim cương và 66 chiếc ngà voi.

Cùng trong thời kỳ này, 9 tấn vàng thỏi khác cũng đã được quân Simba gửi sang Ai Cập.

Những người lãnh đạo của đội quân Simba cũng có những kết cục khác nhau: Pierre Mulele bị ám sát năm 1965 ngay khi ông này tới Kinshasa, thủ đô nước Cộng hòa Dân chủ Congo; tướng Olenga bị ám sát tại Cairo; Laurent-Désiré Kabila, sau một thời gian ngắn lưu tại Cairo, đã thành lập một đội quân du kích gần biên giới Tanzania, rồi bị giết chết hồi tháng 1/2001. Về phần Christophe Gbenye, Chủ tịch Hội đồng Giải phóng quốc gia, do lạnh nhạt với các chiến binh thuộc cấp, cuối cùng đã bị thất sủng và đành nhường chức lại cho Mobutu, rồi trở về Kinshasa cùng một vị lãnh đạo khác của Simba là Gaston Soumialot, trước khi chết tại đây.

Trong số những người lãnh đạo còn sống và có quyền quyết định cao nhất đối với kho báu của đội quân Simba là Gaston Soumialot. Đến năm 2002, Soumialot cảm thấy tuổi tác đã cao và cho rằng đã tới lúc lấy lại kho báu kia để đem về phục vụ cho tổ quốc. Do luôn không tin tưởng vào chính quyền nhà nước, Soumialot cho phép Martin Hoffmann, một người tin cẩn của ông, thành lập Tổ chức vì phát triển y tế và xã hội của nước Cộng hòa Dân chủ Congo đặt trụ sở tại Thụy Sĩ. Bằng cách này, Soumialot sẽ bắt đầu rút tài sản từ Ngân hàng để giúp đưa một số cựu binh Simba hồi hương rồi sau đó triển khai một số chương trình xã hội và giáo dục tại Congo.

Hoffmann cùng người bạn là một luật sư tên Pierre-André Bonvin và Anwar Adham, người chứng kiến việc chuyển giao tài sản trước kia, đến Khartoum, nơi cất giấu kho báu. Tại đây phái đoàn của Hoffmann có thêm Nestor Diambwana, Phó thống đốc Ngân hàng Quốc gia Congo cùng Léonard Beleke, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Kabila. Phái đoàn đã được Tổng thống Bechir cùng thống đốc của Ngân hàng Quốc gia Congo tiếp đón. Trong buổi tiếp xúc, vị thống đốc này nói rằng mọi tài liệu liên quan tới kho báu đã bị mất hoàn toàn trong một vụ cháy. Hoffmann và Pierre-André Bonvin đã sang Ngân hàng Anh quốc, nơi lưu giữ toàn bộ hồ sơ về các vụ giao dịch của tất cả các ngân hàng tại Sudan thời kỳ đó.

Tại đây họ phát hiện rằng Chính phủ Sudan từng bán một số lượng lớn vàng trong kho báu đội quân Simba vào cuối năm 1964 với tổng trị giá 3 triệu frăng Thụy Sĩ. Nói cách khác, chính quyền Sudan lúc bấy giờ đã âm thầm chiếm đoạt kho báu. Hiện nay, trước nhiều bằng chứng thuyết phục, chính quyền Sudan đã thừa nhận số tài sản của đội quân Simba là có thực.

Theo Hoffmann, một ủy ban liên bộ đã được thành lập tại Khartoum nhằm nghiên cứu tìm ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề tế nhị này. Sudan là nước áp dụng luật đạo Hồi (charia), mà theo luật này người nhận giữ tài sản của người khác buộc phải trả lại tài sản ký gửi bất kể thời điểm nào hoặc bồi hoàn bằng hiện vật khác có giá trị tương đương. Ước tính, số tài sản của những chiến binh Simba có giá trị 1 tỉ USD.