Bạn gái thân của tôi, làm trong ngành bán lẻ vừa quyết định nhập thêm mặt hàng bao cao su của một thương hiệu nổi tiếng về phân phối. Chuẩn bị cho đơn hàng ấy, phía đối tác cử sang một ê-kíp gồm vài anh “đào tạo nội bộ” rất bảnh bao, để thuyết minh về sản phẩm có phần nhạy cảm và tế nhị này.
Bạn và các đồng sự ngồi nghe, ban đầu có đôi chút đỏ mặt ngượng ngùng. Sau đó, thì như bạn thú nhận rằng, đã đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác, vỡ ra nhiều điều về một sản phẩm tưởng đâu quá quen thuộc ấy.
Hóa ra, văn hóa Đông - Tây khác nhau quan điểm về… bao cao su. Nếu ở phương Tây chủ yếu là do người nam chủ động dùng, còn ở phương Đông thì phải có sự đồng thuận của cả hai. Phụ nữ con cháu bà Âu Cơ đều khá e dè khi đến với phương pháp ngừa thai chẳng hề mới mẻ này.
Ngay cả nam giới hầu như cũng không thích khi phải khoác thêm “tấm áo” mà chẳng thể trực tiếp gần gũi nhau như thời hồng hoang được. Chưa kể, thành kiến của đàn ông nếu “bị” đối tác nhắc “bận áo”, thường sẽ là khó chịu…
Có phải không, nữ giới chúng ta nếu thấy nam giới nhiệt tình và chủ động xài áo mưa lại thường lăn tăn: Hắn sợ mình bệnh hay sao ấy nhỉ? Rồi nghĩ ngợi, hờn tủi, trách cứ, hỏi dò các kiểu.
Cánh phụ nữ phương Tây được dạy từ nhỏ phải biết trân trọng bản thân, không vì chuyện tình dục hoặc tình yêu mà phải hy sinh cá nhân. Nếu anh muốn, anh phải lo toan vấn đề ấy cho cả hai người, bằng cách chuẩn bị và sẵn sàng mặc “áo mưa”. Không có lý do gì để thoái thác đâu nhé!
Bao cao su bị khoác lên định kiến là “không tin tưởng nhau, đề phòng nhau, chẳng dám sống hết mình”. Hay giận dỗi “ta vẫn còn có khoảng cách”! Đặc biệt, với những người không trẻ, suy nghĩ ấy càng đóng đinh vào tư tưởng, khiến cho gói comdom bị dành cho cái nhìn kỳ thị, ác cảm.
Chúng ta quá quen với suy nghĩ, trong một mối quan hệ, ngừa thai chủ yếu do phụ nữ quyết định. Điều này đúng phải hơn sáu mươi phần trăm. Ở phương Tây, chuyện phòng bị là việc của anh. Muốn lên giường với phụ nữ thì anh phải biết chu toàn.
Còn ở phương Đông, phụ nữ lấy chính cơ thể của mình ra để chịu trận việc đó: uống thuốc, đặt vòng, tiêm que để phòng tránh chuyện ngoài ý muốn. Nếu một cô gái không biết tự bảo vệ bản thân, khi xảy ra sự cố, chính cô ấy phải gánh lấy hậu quả đôi lúc bẽ bàng.
Nam giới, gặp người tử tế biết chuyện thì đỡ, trúng phải kẻ Sở Khanh xấu tính thì hậu của thiên đường lắm lúc ê chề đau đớn, không phải chỉ trong dịp ấy, mà di chứng có khi kéo dài suốt quãng đời phía sau của một người đàn bà lỡ lầm…
Đến bao giờ phái đẹp mới thay đổi ý nghĩ về biện pháp ngừa thai? "Đã thấy bất bình đẳng giới cũng như định kiến xã hội áp đặt, mà chúng ta cứ hồn nhiên chấp nhận nhỉ?", bạn tôi bức xức hỏi. Tại sao chị em cứ muốn ôm cái sự nặng nề ấy về phía mình? Lấy cơ thể mình để chịu trách nhiệm cho chuyện chủ động hay bị động sinh nở, cả an toàn tình dục cũng phụ thuộc vào mình…
Chưa kể, nhiều nam giới vẫn cố giữ suy nghĩ là bị giảm mất cảm giác, không thể hiện được bản lĩnh đàn ông trọn vẹn. Rồi vùng vằng khó ở. Ngay cả đàn bà cũng thấy như có một cái gì đó ngăn cách lứa đôi khi bị bao cao su xen vào cuộc vui của mình.
Cánh đàn bà ít khi hiểu rằng, ông chồng nào chịu bận “áo mưa” là biết thương vợ, đồng chia sớt vấn đề kế hoạch hóa gia đình. Đấy chính là một nam giới có tự trọng và đáng quý, khá hiếm hoi trong một xã hội mà người ta còn đặt nặng nhiều thứ lên vai phụ nữ. Chứ không phải, chồng mà tự dưng giở quẻ đòi xài bao cao su, là nhận ngay nghi vấn từ vợ: "Hẳn chồng đã vụng trộm đâu đó nên giờ sợ lây lan đây mà!".
Chừng nào đàn bà bỏ được thói quen nói “không” với bao cao su, đừng ôm đồm lấy việc ngừa thai cho riêng mình, thì mới mong giải phóng cuộc sống khỏi các vấn đề phiền toái mà tận hưởng chuyện ấy được.