An ninh khu vực Tòa án quân sự Thủ đô (nơi diễn ra phiên tòa) được siết chặt. Những ai được vào phiên tòa đều phải qua sự kiểm tra chặt chẽ. Các phóng viên báo chí được theo dõi qua màn hình ti vi.
Tại phần thủ tục phiên tòa, Hội đồng xét xử cho biết, các bị cáo Nguyễn Văn Hiến, Bùi Như Thiềm, Bùi Văn Nga, do sức khỏe yếu, mắc nhiều bệnh tật nên được ngồi khai báo.
Đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiến, trong phần kiểm tra căn cước, Hội đồng xét xử đã hỏi bị cáo, trước khi phiên tòa diễn ra, bị cáo đã từng bị kỷ luật gì chưa? Bị cáo Hiến nói: Trước khi vụ việc này ông chưa bị xử lý kỷ luật gì.
Chủ tọa đã đọc lại quyết định của Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân đối với bị cáo Hiến và hỏi lại có đúng không.
Bị cáo Hiến trả lời, ông nói lại trước khi vụ việc này xảy ông chưa bị kỷ luật gì. Cách đây 4 ngày, tại Hội nghị Trung ương 12, Ban Chấp hành Trung ương đã thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Hiến bằng hình khai trừ khỏi Đảng. Trước nữa ông Hiến bị Bộ Chính trị thi hành kỷ luật bằng hình cách các chức vụ trong Đảng gồm: Uỷ viên Đảng uỷ Quân sự Trung ương nhiệm kỳ 2005 - 2010; Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Quân chủng Hải quân nhiệm kỳ 2005 - 2010 (gồm Phó Bí thư Đảng uỷ, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ và Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Quân chủng Hải quân nhiệm kỳ 2005 - 2010); sau đó Thủ tướng Chính phủ đã thi hành kỷ luật hành chính với ông Nguyễn Văn Hiến bằng hình thức xóa tư cách nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân.
Ông Nguyễn Văn Hiến hiện đang sinh sống tại quận Đống Đa, Hà Nội. Trong quá trình khởi tố, truy tố và xét xử, ông được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú (tại ngoại).
Sau phần thủ tục phiên tòa, 9 giờ 30 phút, phiên xử bước sang phần xét hỏi, đại diện Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương công bố bản cáo trạng dài 35 trang.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát quân sự Trung ương, các khu đất số 2, số 7 – 9, số 9 – 11 đường Tôn Đức Thắng (TP.HCM) vốn là đất quốc phòng nhưng các bị cáo thuộc Quân chủng Hải quân (QCHQ) và Công ty Hải Thành (thuộc QCHQ) đã chuyển đổi sang đất kinh tế trong 49 năm không đúng quy định.
Cụ thể, tại khu đất số 2 rộng 1.215m2, các bị cáo Nguyễn Văn Hiến, Bùi Như Thiềm đã đồng ý cho Công ty Hải Thành mang đi góp vốn cùng Công ty Cảnh Hưng để xây cao ốc. Các bên thỏa thuận, Hải Thành góp vốn bằng khu đất số 2 (thời hạn 49 năm); Cảnh Hưng trả cho Hải Thành một khoản thu không phụ thuộc kết quả kinh doanh. Số này tăng dần từ 55.000 USD trong năm đầu lên tới 478.000 USD vào năm thứ 49.
Để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, năm 2007, bị cáo Đoàn Mạnh Thảo đã trình văn bản cho ông Nguyễn Văn Hiến, lúc đó là Tư lệnh QCHQ ký, gửi UBND TP.HCM với nội dung: "Việc nộp số tiền chuyển quyền sử dụng khu đất số 2 trị giá 187 tỷ đồng là khó khăn với kinh phí của Bộ tư lệnh Hải quân và Công ty Hải Thành. Đề nghị UBND TP.HCM cho ghi thu, ghi chi số tiền này vào thẳng tài khoản của QCHQ".
Năm 2008, Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo, lúc đó là Phó Tư lệnh QCHQ còn ký văn bản thể hiện số tiền 187 tỷ đồng nói trên là của Công ty Hải Thành, không phải ngân sách Nhà nước. Trên thực tế, khu đất số 2 hiện nay đã được xây dựng thành tòa nhà 31 tầng và đưa vào sử dụng nhưng Công ty Hải Thành chưa nộp về QCHQ số 187 tỷ đồng tiền sử dụng đất.
QCHQ cũng cho Công ty Hải Thành mang khu đất số 9 – 11 (rộng 2.087m2) đi liên doanh với Công ty Mai Anh để xây dựng một tòa nhà 34 tầng, hoàn thiện năm 2013. Các bên thỏa thuận, Mai Anh trả cho Hải Thành hơn 115.000 USD/năm, trong thời gian 49 năm.
Để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, CQHQ cũng xin TP.HCM cho "ghi thu, ghi chi" thẳng hơn 248 tỷ đồng là tiền giá trị quyền sử dụng đất số 9-11. Thực tế, Công ty Hải Thành cũng chưa nộp số tiền này và thậm chí, Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu xác định: "Không có số tiền nói trên mà chỉ xác định về giá trị quyền sử dụng đất".
Vào năm 2005, Đinh Ngọc Hệ (còn gọi Út "trọc") lập Công y Yên Khánh, cho Vũ Thị Hoan, lúc này đang là sinh viên năm nhất làm giám đốc. Năm 2006, dù Công ty Yên Khánh chưa có hoạt động nhưng Út "trọc" vẫn đề nghị liên doanh với Công ty Hải Thành để xây dựng cao ốc tại khu đất số 7 – 9 Tôn Đức Thắng.
Năm 2009, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị không được góp vốn bằng quyền sử dụng đất nhưng vì bị cáo Nguyễn Văn Hiến thiếu kiểm tra nên Bùi Văn Nga – GĐ Công ty Hải Thành đã ký hợp đồng góp vốn bằng khu đất số 7 – 9 trong 49 năm (TP.HCM xác định quyền sử dụng khu đất này trị giá hơn 503 tỷ đồng).
Năm 2010, khi TP.HCM cấp sổ đỏ khu đất cho Công ty Hải Thành, bị cáo Phạm Văn Diệt (nhân viên của Đinh Ngọc Hệ) đã lấy về rồi chuyển tên chủ sở hữu sang liên doanh là Công ty Yên Khánh Hải Thành và cất giữ sổ đỏ này tại Công ty Yên Khánh.
Đáng chú ý, sau khi có được khu đất, Út trọc đã cho doanh nghiệp khác thuê lại hoặc để người khác làm bãi gửi xe. Đinh Ngọc Hệ cũng chỉ đạo Vũ Thị Hoan mang khu đất đi thế chấp tại ngân hàng BIDV nhằm để BIDV cho các Công ty của mình vay tiền.
Ngân hàng xác định giá trị khu đất là hơn 717 tỷ đồng và trong đó, Công ty Yên Khánh được nhận bảo lãnh 40% giá trị tài sản thế chấp để mua quyền thu phí cao tốc Trung Lương; Công ty CP BOT Việt Trì nhận 10% để xây dựng cầu Việt Trì mới theo hình thức BOT; Công ty TNHH BOT và BT Quốc lộ 20 nhận bảo lãnh 8%...
Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương cho rằng, Út "trọc" đã lợi dụng sự chủ quan, kém hiểu biết pháp luật của một số cán bộ QCHQ và sự buông lỏng quản lý đất đai của TP.HCM để lừa đảo, chiếm đoạt khu đất số 7 – 9.