Dân Việt

Truyện dự thi: Bức tường rào

Văn Giá 18/05/2020 14:55 GMT+7
Lão Huấn đứng dưới gốc cây sấu nhìn lên. Chao, bao nhiêu là sấu. Năm nay sấu được mùa. Những quả sấu tròn căng, xanh mướt, sáng lên trong tàng lá sẫm già. Cao lắm, thế này thì chịu.

 Lão tính phải nhờ mấy đứa trẻ nó trèo lên bẻ cho một buổi thật lực mới hết. Trước đây, khi chưa có bờ tường rào, ai đi qua cũng trèo lên hái hoặc lấy gậy đập; nhất là đám trẻ trâu, chúng vặt trộm cho đến sạch thì thôi. Mỗi khi thấy động, có tiếng chó sủa, lão Huấn lần sờ ra tới nơi thì chúng cũng đã tẩu thoát tận đẩu đâu rồi.

Lão thẫn thờ lấy máy gọi cho người em trai tên Hành, hiện đang sống với vợ con ngoài phố. Từ đấy về quê, dễ cũng đến năm sáu chục cây. Nhưng quãng đường ngần ấy đối với ôtô thì bõ bèn gì.

"A lô... Chú đấy à? Chú thím sắp xếp hôm nào về được, báo trước, anh nhờ người vặt sấu cho?".

"Ừ, thì tính sớm nhé. Để già quá, nó rụng, với lại làm sấu dầm cũng mất ngon"...

Chả biết hôm nào chú thím ấy mới về? Mỗi lần ra vườn, nhất là phía nửa vườn của Hành, nơi có mấy cây ăn quả lâu niên là lão lại thấy động lòng. Lão hay nhớ về bố mẹ, nhớ về tuổi thơ lấm láp của anh em lão. Thế mà tính từ lúc vợ chồng Hành xây tường rào, bây giờ có dễ đến già năm…

Bức tường rào - Ảnh 1.

*

*           *

Lão Huấn ngồi đối diện với Hành bên bàn nước. Đã ngồi từ bao lâu mà chả thấy ai nói với ai câu nào.

Mãi sau, mới nghe thấy tiếng của Hành:

"Bác đừng nghĩ em chắc lép. Chẳng qua bây giờ anh em mình già rồi. Mà các cháu thì cũng đã lớn. Đời người ta biết thế nào. Ngộ nhỡ sau này anh em mình có ngã ra đấy, chúng nó cũng đỡ phải cãi nhau".

"Thì tùy chú mà, tôi có ý kiến gì đâu".

"Vâng, thế để mai em gọi thợ vào cho nó làm nhé. Mốc giới thì cứ thế bác nhỉ?"

"Thì ngày xưa còn bố, bố bảo thế nào cứ thế mà làm".

Nói đến bố, giọng lão Huấn khê đặc lại. Ông bà cụ sinh ra có hai anh em giai. Bà cụ đã mất từ lâu. Ông cụ mới mất. Vừa mới qua trăm ngày bố mà nó đã giở giói ra làm bờ tường rào. Lão Huấn thấy có gì không phải với vong linh của bố. Ở cái nhà quê nghìn đời nay, khi bố mẹ mất, nếu chưa giỗ đầu, thì mọi công to việc lớn của các con trong nhà là không được động đến. Thí dụ làm nhà dựng cửa, cưới vợ cho con, chuyển mồ chuyển mả… chẳng hạn. Ngày ông cụ còn, không ít lần, trong bữa ăn, cụ thường hay than rằng bố lo nhất khi ta chết đi, các con không giữ được đoàn kết, thì không gì nhục bằng; rằng nhà mình từ xưa tới nay giấy rách giữ lấy lề, không bao giờ được phép họ nhà tôm cứt lộn lên đầu… Mỗi khi nghe thế, Hành lại tếu táo: "Bố cứ lo bò trắng răng. Chúng con đâu đến nỗi nào… Đâu khắc có đó, bố". Có lần ông cụ nói riêng với lão Huấn: "Tao lo là lo cái thằng hai thôi, nếu chẳng may mất anh mất em thì chỉ có là ở nó. Tính nó không được thật thà, ngay thẳng như con. Nó lại hay ngỗ ngược". Huấn nghe bố nói thì biết vậy, chứ cũng chẳng nghĩ xa nghĩ gần. Bây giờ kiến giả nhất phận. Mình có nói, chúng nó lại ghét cho. Thôi thì chú muốn làm gì thì làm.

Lão cứ thấy trong lòng như kiến bò. Nhưng bảo phải đi đâu, làm gì, lão cũng chẳng biết nữa. Lão thở dài, với tay lấy cái điếu cầy để dưới gầm bàn. Lão chậm rãi châm lửa hút, tư lự nhả khói…

Bây giờ bọn trẻ chúng nó nghĩ khác lắm. Chưa kịp nói chuyện cho ra đầu ra đũa, thế mà thằng con giai lão đã bảo: "Bố mẹ cứ để chú ấy xây tường, làm sổ đỏ. Đằng nào chẳng phải làm. Bố tính, chuyện đất cát không chỉ có chú ấy, còn vợ con chú ấy. Mà đất đai, xét về luật là đất chung của các thành viên trong nhà. Khi mua bán, chuyển nhượng là phải có chữ ký của tất cả các thành viên. Ngộ nhỡ sau có chuyện gì, cứ để chú ấy tính thế nào cho nó tiện đường pháp luật. Con là con ủng hộ". Nghe thế, lão gắt nhẹ: "Thì tao có nói gì đâu, mẹ mày cũng thế. Chúng tao chỉ muốn là để sau khi giỗ đầu ông nội xong thì muốn làm gì thì làm, ai nói. Nhưng bây giờ mà làm cứ thấy nó không thuận". Thằng con bảo: "Ối dào, con nghĩ chả sao. Chú ấy thấy không sao là không sao. Kệ chú ấy đi". Lão im, chả muốn nói thêm.

Từ xưa đến nay, cái sở hữu đất đai của người nông dân là bao giờ họ cũng muốn phân minh. Bản tính người ta muốn thế. Muốn giữ trong họ ngoài làng được yên ấm, phân minh là nguyên tắc tối thượng. Vẫn thường nghe nói: "Mời nhau ăn cỗ, đánh nhau chia phần" đấy thôi. Lúc chia phần, từ miếng xôi miếng oản, cỗ thịt đụng, mớ tép nắm rau… cứ là phải đều tăm tắp. Những cái thói cấu véo một tí, xà xẻo một tí là không ai ưa.

Truyện dự thi: Bức tường rào - Ảnh 2.

Bỗng mặt lão ngẩn ra, miệng nhấp nhính như thể chực cười. Thì ra lão nhớ chuyện hồi nhỏ. Ngày đấy, hai nhà ông chú ruột của lão ở liền nhau, vườn vẫn thông sang nhau, chưa có hàng rào. Một chú đi bộ đội. Chú khác là em, đi công nhân. Chú đi công nhân thì thường vài ba tháng mới về một lần. Công nhân thời đó thì cũng chả khá giả gì, nhưng thấy bảo chú được làm cái chức con con gì đấy, nên cũng có chút ưu tiên tem phiếu vải vóc, thực phẩm, xà phòng, mì chính… Thỉnh thoảng, ông chú xoay xở thế nào mà có cả bột mì, bã đậu mang về. Hai bà thím thì đông con, nuôi lũ con đã đủ bơ phờ. Lợn gà, trâu bò, chó mèo của hai nhà vẫn sang nhau. Có lần, luống khoai non mới ra củ bị mấy con lợn háu đói dũi cho tanh bành, bà thím có chú đi bộ đội về, nhìn xót quá, đứng bên sân nhà mình chửi đổng: "Lợn gà thế nào, không nhốt vào, cứ để sang phá hoại thế này thì đ… ai chịu được. Từ nay không nhốt vào, có phen bà mày đánh cho què chân, lúc ấy đừng có trách"… Bà thím có chú đi công nhân nghe tức lắm, cố nhịn. Đến khi thấy bà thím bên kia nói kháy: "Chồng cán bộ sẵn của, không ăn trắng mặc trơn cho nó sướng, mà nuôi lợn nuôi gà làm đ… gì để làm hại người ta", thím có chồng công nhân mới nhảy xếch lên bảo đồ thối mồm, đồ đểu giả, bằng chứng đâu mà bảo lợn nhà tôi sang phá? Bà thím có chồng bộ đội bảo: "Đừng có già mồm. Cần bằng chứng à? Bằng chứng là cục cứt lợn đấy. Cứt lợn của cái nhà cho ăn bằng bột mì bã đậu nó chả thối rinh lên, chứ cứt lợn ăn rau làm gì có mùi ấy. Còn già mồm nữa không?...". Cuộc cãi nhau kéo dài dễ đến nửa tiếng đồng hồ, rồi cả hai bà thím tự chán tự thôi. Lão lại nghĩ đến chuyện hôm nay. Thôi thì, kỳ cùng lý ra thì thằng chú nó rào giậu vào cũng là phải nhẽ. Mặc dù lão vẫn cứ thấy tủi tủi thế nào…

*

*           *

Ngày còn sống, cụ ông có lần bảo: "U chúng mày chẳng may mất sớm. Ta nuôi hai anh em chúng mày. Thằng cả đi bộ đội, thiệt thòi, không được học hành gì, về làm nông dân. Thế cũng là có phần thua thiệt. Còn thằng hai, may mà được học hành tử tế, có công ăn việc làm ổn định. Bố thì nghèo, chả có gì cho các con. Ta tính, vườn tược đất đai tuy không có nhiều, nhưng cũng được hơn mẫu. Ta định chia ra làm 3 phần. Thằng cả con đầu dâu trưởng, phải đảm đương giỗ tết, nên hưởng hai phần. Còn thằng hai thì một phần. Sử dụng thế nào thì tùy, nhưng đừng có bán cho người ngoài là được. Ý bố là thế. Các con nghĩ thế nào?

Lão Huấn chả nghĩ gì. Vốn quen chất phác, lão thấy chuyện ấy rất tự nhiên. Anh cả thì phải lo chuyện hương hỏa tổ tiên, gánh phần giỗ chạp. Tính ra có đến hơn chục cái giỗ lớn bé trong một năm. Mà giỗ chạp cũng phải mời người nọ người kia, chứ lại không ư? Nhất là những người trong họ đứng ra gửi giỗ, không thể không có mặt. Lão được bố chia cho hai phần thì cũng là điều bình thường. Còn chú Hành lấy vợ con, định cư ngoài phố, nhà cửa cũng đã có rồi…

Riêng Hành thấy có gì chưa thông lắm. Đã đành bác cả thì gánh vác trách nhiệm gia đình, lo giỗ lo chạp, nhưng được hơn hẳn một phần, kể ra Hành cũng có tí thiệt. Mà mỗi khi đám giỗ, Hành cũng vẫn góp ít nhiều, chứ có phải kéo cả nhà về ăn không đâu. Nghĩ thế nhưng Hành không dám nói. Hành về bàn với vợ và thằng con giai lớn.

Vợ Hành vốn người ở phố, từ lâu đã tự xác định không nên quan tâm quá kỹ đến chuyện nhà chồng. Được hỏi, chị vợ bảo: "Tùy bố con, anh em nhà anh. Em không tham gia. Đất thì cũng quý đấy, nhưng ở tận xó đây, làm gì với nó bây giờ? Làm nhà để về ở thì không rồi. Bán thì ông đã cấm bán cho người ngoài. Thế thì bán cho ai?". Thằng giai lớn bảo: "Mẹ nghĩ thế đơn giản quá. Đất để đấy là mỗi năm sinh lãi, chả mất đi đâu. Khi nào không thích thì bán. Đất của mình, bán cho ai chả được. Ai cấm được nào? Kể cả ông nhá!". Chị vợ cãi: "Mày nói thế ai nghe, cũng phải nể bác cả chứ, đâu có bán ráo hoảnh được". "Ôi dào, nói chuyện các cụ mệt lắm - thằng con giai tỏ ra khôn lỏi - thôi thì bây giờ bố mẹ cứ cho xây lên cái bờ tường quây lại, rồi tính trồng cây gì thì trồng, không thì cứ để đấy, sẽ có ngày được giá. Đất là vàng đấy ạ". Vợ chồng lão Hành nghe ra cũng là phải…

*

*           *

Việc đầu tiên, trước khi có ý định xây tường quây, Hành gặp bác cả bàn chuyện làm sổ đỏ. Trước đây, đã có lần thằng con giai nhắc, nhưng Hành ngại, cũng vì lười nữa. Bởi thủ tục nhiêu khê lắm. Thời gian thì chẳng có nhiều. Hành chậc lưỡi, kệ. Bây giờ, việc nó đến, làm cái sổ đỏ cho dứt điểm luôn đi. Việc này cũng lại phải thưa chuyện với vợ chồng bác cả. Hôm ấy là trưa Chủ nhật, Hành về quê. Hành dặn trước bác cả nhắc thằng cháu giai con bác ở nhà, đừng đi đâu vắng. Cơm nước xong, Hành mới bảo em muốn làm cái sổ đỏ cho nó xong, nó chỉ như một thủ tục thôi, cũng là tiện về lâu về dài sau này. Nghe xong, bác cả bảo ừ thì chú làm, chứ có gì phải ngại đâu. Bây giờ lên xã, đem theo số sách giấy tờ, bảo người ta về đo đạc, sau đó cấp sổ chứ có khó khăn gì. "Vâng, thì em cứ thưa trước với bác thế". Ngần ngừ lúc, Hành lại bảo: "Cái việc sổ đỏ thì không có gì. Ý em muốn nói lại, nhân cái đà này, em cho xây tường rào lại cho nó gọn ghẽ. Xây xong, thì gửi bác trông nom, bác muốn trồng gì thì trồng. Bao giờ chúng em tính vào việc hẵng hay". Từ nãy tới giờ, bà chị dâu mới cất tiếng: "Tôi nói với chú, có nhà tôi ở đây. Chả biết anh em chú nghĩ thế nào, chứ bố mình vừa mất xong, mới có mấy tháng, mà đã giở giói ra xây xây cất cất, người ngoài người ta cười cho; ai không biết lại cho là có chuyện tranh chấp gì. Tôi thấy để sau khi giỗ đầu bố xong, chú có xây xướng gì thì đã làm sao". Hành đáp: "Bảo sao thì cũng chả làm sao. Nhưng bác nói thế cũng có phần có lý. Em sẽ bảo nhà em với cháu, thôi thì để lùi sau chút cũng được. Từ nay đến lúc giỗ bố cũng chỉ già nửa năm nữa chứ mấy". Lão Huấn nghe thế, cũng gật gù: "Ừ, nhà tôi nó nói thế cũng là phải". Hành cướp lời: "Riêng cái việc làm sổ đỏ thì em cứ tiến hành trước vậy"…

Khi trở về, Hành đem chuyện nói với vợ con. Thằng con giai lớn nó bảo bố dở quá, đã tính là làm luôn. Nhà còn bao việc. Đằng nào chả xây. Xây trước xây sau vẫn là xây. Thôi, không phải nghe các bác ấy. Bố về cho xây luôn. Xây xong rồi làm sổ đỏ một thể. Rồi còn phải lo việc khác. Chứ cứ suốt ngày lo cái sổ đỏ, cái bờ tường rào đến phát bận cả người. Được cái đứa vợ nó cũng hùa vào: "Thì thứ Bảy, Chủ nhật tới, anh đưa ông về mà triển khai làm luôn, chứ chờ ông thì biết đến bao giờ". Thằng con giai nghe vợ nói, mặt khoặm lại. Tính nó từ xưa tới nay vẫn thế, lười chảy thây, chả muốn động chân động tay vào việc gì.

Hành nghĩ, con nó nói cũng là phải. Xây xướng thế nào, nó đâu cần biết. Nó như là khoán cho bố nó. Nó chi tiền, bố chỉ việc trông coi. Cứ thế mà làm. Không tính lại nữa. Nó bảo vậy.

*

*           *

Cái hôm Hành cho khởi công xây tường rào, bà chị dâu tức lắm. Hành đưa cho bà ít tiền, bảo đi chợ về làm giúp bữa cơm trưa cả nhà cùng ăn. Bà chị dâu mặt lầm lầm, miễn cưỡng cầm. Phận dâu nhà này chỉ biết phục tùng, chứ chẳng mấy khi dám lên tiếng. Đã nói rồi, nó chả nghe thì thôi. Họ hàng, thiên hạ cười thì cười nó chứ cười gì mình. Nó mang tiếng người có học, ăn cơm thiên hạ thế mà cạn nghĩ.

Lão Huấn đi thẩn thơ trong vườn. Phía bên này là phần vườn nhà Hành. Chỉ sau vài hôm nữa thôi là riêng rẽ vườn ai nhà nấy. Bao nhiêu cây trái có từ thời ông cụ trồng, nay đã cao lớn. Trong số những cây bưởi, cây ổi, cây mít, có cây sấu rất to. Lão còn nhớ như in, hôm trồng cây sấu, hai anh em lão đang còn bé, theo bố ra vườn. Bố bảo: "Bố trồng cho Huấn cây sấu, trồng cho Hành cây mít để lớn lên mỗi khi ăn quả, nhớ bố nhớ u nhé". Huấn không nói gì. Hành đành hanh bảo: "Con thích cây sấu cơ, ứ thèm mít. Cho anh Huấn cây mít bố nhé". Bố giải thích qua quýt rằng Huấn làm anh, nên cây sấu phải là của anh, bởi vì nó to hơn cây mít. Nghe thế, Hành lăn ra đất giãy giụa, khóc lóc. Bố đành làm hòa hai anh em: "Ừ thì đổi, thằng anh cây mít, thằng em cây sấu". Bây giờ cả hai cây đều to gộc. Cây mít này thuộc loại mít mật, không ngon. Cây sấu thì sau ba bốn năm đã trổ mã, sai quả. Giờ thì to như cái cột nhà, xum xuê cành lá, xanh mướt quanh năm. Có hôm một mình làm vườn, lão Huấn lẩn thẩn nghĩ, thì ra con người ta có phận. Lão lớn lên đi bộ đội, suốt sáu năm, cực khổ trăm bề, hòn tên mũi đạn, may mà còn giữ được cái gáo trở về, làm một anh nông dân thứ thiệt. Cái năm lão xuất ngũ, cả nước đói. Ông cụ bảo: "Bố vẫn rắp tâm cho cả hai anh em ăn học, khi nào không học lên được nữa thì thôi. Nhưng thằng cả bây giờ ra quân cũng lỡ làng rồi, còn thằng hai thì cố mà học hành, chả được hai thì cũng phải có một thằng đại học, chứ chả lẽ cả hai chúng mày theo đít con trâu cả đời à. Cho nên thằng Hành cố mà học. Bố không học thay được, chứ chịu khổ thì bố quen rồi. Bây giờ có thằng cả đỡ đần nữa, bố cũng chẳng lo. Đồng đất này, cứ chịu khó, vẫn đủ cái ăn. Cố mà học cho bằng anh bằng em, con nhé. Cả làng này, chưa có đứa nào đỗ đại học. Nếu mà mày đỗ thì bố mổ bò khao cả họ. Con nhớ đấy". Từ bấy, lão Huấn phụ bố lo cho em cái ăn cái học, rồi chăm sóc bố lúc về già. Thằng em được cái cũng sáng dạ, học đại học, rồi lấy vợ, đẻ con ngoài phố, được một thằng con giai. Cũng tựa như hai cái cây kia, lão chỉ như cây mít còi cọc, ít quả, chả mấy được ai để ý. Còn cây sấu thì cao vút, tươi tốt, nhìn từ xa ai cũng thấy. Mỗi lần vào mùa mít, Hành về, vợ lão bổ mít cho ăn, Hành cắn vài miếng, vừa nhai nhồm nhoàm vừa chê: "Giống mít ngày xưa bố lấy ở đâu về trồng mà nhạt hoen hoét nhỉ". Nghe thế, lão chỉ gượng cười.

Đúng là mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Chỉ chưa đầy nửa tháng, một bức tường gạch bề thế đã xong, cao mét tám, trên cùng là một lớp mảnh chai, bao quanh khu vườn của Hành, chu vi dễ gần hai trăm mét, có cổng sắt bịt kín bằng tôn. Từ ngoài nhìn vào, cây sấu nằm gần bức tường nom như bị thấp hơn. Cây mít thì lút hẳn, chỉ còn nhìn thấy mấy cành đỉnh ngọn. Trước khi trở lại phố, Hành đưa cho lão Huấn chiếc chìa khóa bảo: "Bác ở nhà thỉnh thoảng trông nom vườn cho em. Bao nhiêu hoa quả, bác tự quản lý. Sau này em tính phá hết, rồi thả một vườn keo, chỉ sáu năm là thu hoạch, chứ để nó phí".

*

*            *

Vợ chồng lão Huấn hặm hụi nhặt sấu. Trên cây là hai đứa con giai giỏi trèo, đều là con cháu trong họ cả. Vợ Huấn bảo: "Chúng mày lên hái hết cho bà, rồi tao cho ít tiền mà mua sách". Nói là nói thế thôi, chứ chúng nó là những đứa ngoan, không cho gì chúng cũng chả dám đòi. Với lại bà cũng đã có nhời nhờ bố mẹ chúng rồi.

Cái giống sấu rất giòn cành, y như giống nhãn. Các cháu phải cẩn thận kẻo ngã nhé. Những chỗ đầu cành thì lấy sào mà đập. Không được thì thôi, đừng có cố trèo ra, ngộ nhỡ... Bà luôn mồm dặn thế.

Bỗng tiếng rắc. Tiếng lá ràn rạt. Tiếng kêu thất thanh. Vợ lão Huấn hét lên. Lão Huấn bủn rủn chân tay. Một thằng đang bám cành sấu trên cao hét vọng xuống: "Thằng Quý bị ngã rồi ông ơi". "Đâu?". "Ở phía ngoài bờ tường kia kìa". Lão vội chạy vòng xuống cổng rồi mới ngược lên chỗ thằng bé ngã. Bà vợ Huấn rên rẩm chạy theo. Thằng bé bị lật một mảng da đầu, toe toét máu. Mặt nó tím dại. Thấy bà vợ Huấn khóc, nó lại nhoẻn cười. Lão Huấn gào lên gọi mấy người hàng xóm sang. Thì ra, khi thằng bé ngã lao xuống đúng đống gạch vỡ còn sót lại dưới chân bức tường mới xây.

May mà thằng bé bị khâu sáu mũi, cho thuốc tiêm thuốc uống, yên rồi. Vừa thấy chồng về, bà vợ bảo: "Rõ khổ. Họa đâu tự dưng mang đến. Tôi đã bảo, vợ chồng nó báu gì mấy chục cân sấu đâu mà phải hầu nó. Chỗ ấy có được ba trăm không? Chả đủ một lần vợ nó đánh móng chân. Nó thích nó đã về. Đằng này gọi đứt lưỡi ra nó có về đâu. Từ nay, sấu có chín rụng, cũng mặc xác nó, ông đừng có ôm rơm nặng bụng, rồi có khi khốn vào thân...".

Lão Huấn chẳng dám nói gì. Lúc sau lão bảo: "Thôi vẫn còn may. Chứ hôm nay nó lòi ruột ra đấy thì không biết rồi thế nào. Thôi thì tối nay, bà đi cùng với tôi đến nhà thằng bé, có nhời với bố mẹ nó, rồi còn tiền nong thuốc thang nữa chứ, tính sau".

Nói xong, lão trộm nghĩ, chắc là có vía bố vía u lão đỡ cho chứ không thì khốn. Lão lật đật đi lấy mấy chén nước rồi vào ban thờ thắp cho bố u lão mấy nén hương. Hú vía...

Hà Nội mùa Covid-19.

Truyện dự thi: Bức tường rào - Ảnh 3.