TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, bệnh nhân hiện không thể tách rời máy ECMO (hệ thống oxy hóa máu ngoài cơ thể), nên các bác sĩ buộc phải di chuyển bệnh nhân kèm hệ thống máy móc đi theo để chụp CT Scan.
"Hình ảnh CT Scan sẽ giúp đánh giá rõ các tổn thương phổi bệnh nhân", bác sĩ Châu nói. Sau khi có kết quả chụp CT ngày 18/5, Hội đồng Chuyên môn Bộ Y tế sẽ hội chẩn để quyết định phương án điều trị phù hợp.
Theo bác sĩ Châu, bệnh nhân sẽ được chụp CT trong điều kiện chống lây nhiễm chéo tại khu vực chẩn đoán hình ảnh và toàn viện trong quá trình di chuyển.
Đây là lần thứ hai bệnh nhân được chụp CT trong hai tháng điều trị Covid-19. Lần chụp đầu tiên vào hôm 12/5, kết quả cho thấy tình trạng xơ hóa đông đặc toàn bộ hai phổi, chỉ khoảng 10% vùng phổi còn hoạt động, sẽ tử vong nếu rời máy hỗ trợ sự sống. Vì vậy Bộ Y tế chỉ định ghép phổi.
Bệnh nhân phi công người Anh đã 43 ngày phải can thiệp ECMO, hiện tại nằm yên, sử dụng thuốc an thần. Siêu âm phổi phải đông đặc thùy giữa dưới, phổi co nhỏ. Phổi trái đông đặc vùng sau dưới, ít dịch màng phổi.
Bệnh nhân đã có xét nghiệm âm tính Covid-19 liên tục hơn 10 ngày, tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát ở mức "tạm ổn".
Đây là bệnh nhân Covid-19 nặng nhất, diễn biến sức khỏe rất thất thường. Bệnh nhân xác định dương tính ngày 18/3, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu dù mới 43 tuổi và không bệnh nền. Phổi đông đặc, mẫu bệnh phẩm nhiều lần âm tính rồi dương tính trở lại.
Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng "cơn bão cytokine", tức hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Bộ Y tế đã mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị rối loạn đông máu cho bệnh nhân.
Đến nay, đã có gần 50 người đăng ký hiến tạng cho phi công người Anh. Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, có hơn 30 người từ nhiều nơi liên hệ với trung tâm để đăng ký hiến phổi cho phi công người Anh.
Riêng tại đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM), theo TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, khi có thông tin tìm nguồn phổi hiến cho bệnh nhân 91, đã có khoảng 20 người gọi điện thoại hoặc trực tiếp đến đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người với mong muốn được hiến phổi.
Tuy nhiên, theo TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, hiện nay các bác sĩ Việt Nam vẫn ưu tiên cho phương án lấy phổi của người cho chết não, vì phải cần nguyên cả phổi của người hiến mới ghép được cho bệnh nhân nên chỉ có thể nhận phổi hiến từ người cho đã bị chết não.