Ông Nguyễn Văn Đoàn, sinh năm 1947 tại Ninh Bình. Năm 1965 ông được phục vụ trong ngành Công an, được kết nạp Đảng, công tác tại Đội 1, Cục 22 Bộ Công an - đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ, bác Tôn Đức Thắng và Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
"May mắn…"
Trong câu chuyện kể, ông Nguyễn Văn Đoàn xúc động cho biết, những tháng năm cùng đồng đội được phục vụ, bảo vệ Bác Hồ là những trang đẹp nhất, may mắn và hạnh phúc nhất trong cuộc đời ông.
"Nhớ lại buổi đầu được nhận nhiệm vụ, tôi cùng đồng đội được đồng chí Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác) và ông Hoàng Hữu Kháng (Cục trưởng Cục 22, Bộ Công an) ân cần căn dặn nhiều điều và nhấn mạnh nhiệm vụ rất đặc biệt, trực tiếp bảo vệ Bác Hồ, rất vinh dự nhưng cũng rất khó khăn, đòi hỏi trách nhiệm cao. Chúng tôi luôn tâm niệm phải làm thật tốt, không được có sai sót, dù là nhỏ và nhất là không để Bác phiền lòng. Là chiến sỹ mới, chúng tôi thật sự lo lắng, song bằng cả niềm vui, tự hào và tinh thần trách nhiệm, chúng tôi đã cố gắng nhanh chóng thuần thục công việc chuyên môn, được lãnh đạo yên tâm, sớm hôm gần gũi làm nhiệm vụ bảo vệ Người" – ông Đoàn kể.
Tiếp mạch câu chuyện, người cận vệ của Bác Hồ bày tỏ, những chuyến được theo Bác Hồ đi công tác, ông Đoàn cảm nhận được tình cảm, nhân cách cao đẹp, cuộc đời giản dị của vị lãnh tụ đã dành trọn cuộc đời vì nước, vì dân. "Tôi còn nhớ, ngày 27/4/1969, Bác đi bầu cử HĐND khu phố Ba Đình (Hà Nội) tại địa điểm bầu cử nhà thuyền Hồ Tây. Hôm đó, sau khi bỏ phiếu bầu, Người ân cần thăm hỏi người dân tại điểm bầu cử rồi dành thời gian đi thăm cán bộ, chiến sỹ đồng bào. Trên mỗi con phố đi qua đến đâu cũng thấy không khí tưng bừng, phấn khởi của nhân dân, tiếng trống, tiếng loa cờ hoa rợp phố, càng làm cho Người thấy vui mừng...." - người cận vệ của Bác Hồ hồi tưởng.
Ông Đoàn kể một chuyến đi khác ông được theo Bác Hồ tham dự Hội nghị mít tinh trọng thể chào mừng sự ra đời của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam được tổ chức tháng 6/1969.
"Hôm ấy, khi xe tới hội trường Ba Đình, Bác nhanh chóng xuống xe, đi thẳng vào hội trường, ít ai biết rằng thời điểm đó các thầy thuốc đã lo lắng cho sức khỏe của Người vì khi ở nhà Bác đi lại đã có phần khó khăn, nhưng Người đã cố gắng đến dự và Bác không muốn mọi người lo lắng về sức khỏe của Bác. Bao lâu ấp ủ ước mong được vào thăm miền Nam, thăm đồng bào, đồng chí, nay trước sự kiện quan trọng này càng làm cho Người thêm phấn khởi trước bước phát triển mới của cách mạng miền Nam, vì miền Nam luôn ở trong trái tim Bác".
Vẫn theo lời người cận vệ của Bác Hồ, những tháng ngày gần cuối đời của Người, dù sức khỏe yếu nhưng Bác vẫn cố gắng làm việc. Sự kiện khác khiến ông không thể nào quên là chuyến công tác cuối cùng của Người. Đó là ngày 12/8/1969, khi biết tin có đoàn công tác ở xa về, mặc dù không được khỏe nhưng 3 giờ chiều Người vẫn đến khu biệt thự Hồ Tây để thăm hỏi, động viên và nghe đoàn công tác báo cáo tình hình.
"Đó là tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của Bác dành cho những người đi xa về. Không ai nghĩ rằng, chỉ 5 ngày sau, từ đêm 17/8 trở đi sức khỏe của Bác suy giảm nghiêm trọng. Nhưng không vì thế mà Người nghỉ ngơi. Bác vẫn quan tâm đến tình hình chiến sự, việc phòng, chống lũ lụt, bảo vệ đê điều, chăm lo cuộc sống người dân... Rồi Người không quên nhắc việc bắn pháo hoa cho nhân dân vui dịp Tết Độc lập. Đặc biệt, trong những ngày đau yếu cuối đời, tấm lòng của Người vẫn luôn hướng về đồng bào, chiến sỹ miền Nam..." – giọng ông Đoàn bắt đầu trầm xuống.
Bên Bác như những người con hiếu thảo
Suốt 3 năm (1966-1969), ông Nguyễn Văn Đoàn cùng đồng đội ngày ngày túc trực 24/24 giờ bên Bác, thời gian tuy không dài nhưng cũng đủ để hiểu rõ được Người đã gắng hết sức để cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo nhân dân ta chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Mặc dù công việc bề bộn, nhưng Người vẫn dành thời gian quan tâm, hỏi thăm đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sỹ cảnh vệ và nhân viên phục vụ. Đối với những người đã từng được phục vụ Bác như tôi còn đọng lại biết bao câu chuyện xúc động về Bác mà không thể kể hết...
"Chúng tôi như những người con hiếu thảo vô cùng lo lắng khi sức khỏe của Bác mỗi lúc một thuyên giảm. Cùng với việc tận tụy phục vụ, chăm sóc Bác, mọi biểu hiện khác thường về sức khỏe của Người cũng được chúng tôi ghi chép tỉ mỉ, kịp thời báo cáo với lãnh đạo và các bác sỹ để ứng xử hiệu quả.
Suốt những ngày Bác mệt nặng, Trung ương Đảng, Chính phủ, các thầy thuốc Việt Nam và nước bạn tập trung cứu chữa cho Người. Trong những giờ phút đó, tôi cũng được phép túc trực bên giường bệnh để chăm sóc Người. Được bên Bác trong hoàn cảnh như vậy, chúng tôi càng thấu hiểu tấm lòng của các đồng chí lãnh đạo là làm sao mỗi lúc Người thiếp đi và khi tỉnh dậy, Bác đều nhìn thấy những khuôn mặt thân quen vẫn hàng ngày ở bên mình...
Và sáng ngày 2/9/1969, Bác đã đi xa, đó là lần cuối cùng tôi được ở bên Bác Hồ. Giờ phút này, tôi vẫn nhớ như in thời khắc lịch sử đó với bao nỗi nhớ và tình cảm dành cho Bác" – ông Đoàn sụt sùi.
Học Bác không kể tuổi tác và thời gian
Ba năm sau ngày Bác Hồ mất, đơn vị ông Đoàn được Chủ tịch nước tặng Bằng khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đoàn kết, tận tụy phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Thời gian sau đó, ông lại được cấp trên giao nhiệm vụ phục vụ Bác Tôn Đức Thắng; sau đó được phân công làm Giám đốc Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Năm 1996, ông được điều động về công tác tại Bộ Văn hóa - Thông tin, lần lượt đảm nhiệm nhiều chức vụ cho đến khi nghỉ hưu.
Ông Đoàn chia sẻ: "Với tôi, những năm tháng được sống bên cạnh phục vụ, bảo vệ Bác Hồ luôn là ký ức đẹp không thể nào quên. Tròn 3 năm tôi được sống cạnh và làm cảnh vệ cho Bác là quãng thời gian tôi học tập được ở Bác phong cách làm việc khoa học, đức tính giản dị, tiết kiệm, chịu khó, kiên trì, khiêm tốn và tấm gương hy sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Người từng căn dặn đơn vị cảnh vệ cần phải học tập cho tốt, giữ kỷ luật cho nghiêm. Lúc có địch coi như không có địch, lúc không có địch coi như có địch. Phải dũng cảm, bình tĩnh, không lúng túng, không vội vàng khi có sự việc xảy ra; rèn luyện kỹ năng, kỹ thuật hoàn hảo, "lai vô ảnh, khứ vô hình" (đến và đi không để lại gì)".
Đối với ông, những lời của Người thực sự là những giáo huấn sâu sắc của Bác đối với những người cảnh vệ. "Tôi luôn cố gắng phấn đấu thực hiện tốt lời Bác dạy. Hơn nữa, là một trong số ít người may mắn được lựa chọn vào làm cảnh vệ cho Bác Hồ, tôi luôn tự nhủ mình phải không ngừng rèn luyện, xứng đáng với sự tin cậy của cấp trên, xứng đáng với Bác và xứng đáng với truyền thống của những người con cố đô nghìn năm văn hiến"- ông Đoàn nói và tâm niệm một điều rằng bản thân khi còn công tác hay nghỉ hưu, luôn lấy tấm gương cao đẹp, suốt đời hy sinh, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của Bác Hồ để học tập, phấn đấu, rèn luyện, gắng sức hoàn thành mọi nhiệm vụ công tác.
"Tôi luôn tâm niệm, học tập và noi theo tấm gương của Bác Hồ thì không kể thời gian, không kể tuổi tác và coi đó vừa là nhu cầu tự thân, vừa là mục đích, niềm vui trong cuộc sống" - ông Nguyễn Văn Đoàn kết lại câu chuyện.