Một số hình ảnh của bộ phim "Nhìn ra biển cả" do diễn viên Minh Đức thủ vai Nguyễn Tất Thành
Bằng lối diễn sâu lắng, tình cảm, Minh Đức đã có màn hóa thân khá thành công trong hình tượng nhân vật Nguyễn Tất Thành với niềm trăn trở về vận mệnh dân tộc Việt Nam, từ đó thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước.
"Nhìn ra biển cả" - bộ phim mà bạn vinh dự được đóng vai Bác Hồ - ra đời cách nay đúng 10 năm. Vậy bạn còn nhớ cảm xúc khi được mời đảm nhận vai diễn vị lãnh tụ được nhân dân Việt Nam yêu mến, ngưỡng mộ không?
- Cảm xúc khi Đức nhận vai diễn này vẫn y nguyên như 10 năm, hồi hộp, vui mừng nhưng cũng rất lo lắng. Bởi đây là một vai diễn điện ảnh đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất và là một vai về người anh hùng cả dân tộc kính phục. Vai diễn này lấy của Đức rất nhiều thứ: Mồ hôi, nước mắt và cả máu.
Nhân vật Đức hoá thân là chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, khi đó chưa phải là một vị lãnh tụ nhưng lòng yêu nước thì vô cùng mãnh liệt. Hoà vào tuổi thanh xuân là những hoài bão, ước mơ, tình yêu dang dở. Để vào vai này, Đức cố gắng hết mình thể hiện bản thân là một chàng thanh niên vì yêu nước dám đứng lên làm tất cả chứ không cố gồng ép mình thành một vị lãnh tụ.
Bạn đã làm gì để chuẩn bị cho vai diễn này?
- Khi nhận kịch bản "Nhìn ra biển cả", Đức đã mất ăn mất ngủ 3 ngày trời. Bởi đây là một tác phẩm nghệ thuật nói về một vị anh hùng của cả dân tộc, nên cần tìm hiểu thật kĩ về chân dung của nhân vật. Đọc và hiểu kịch bản là một chuyện, song song đó Đức phải nghiên cứu nhiều tài liệu cả trong và ngoài nước để hiểu thêm về tính cách và nội tâm của nhân vật. Cũng may nhân vật Đức thể hiện là một người thanh niên đang trên ghế nhà trường với lòng yêu nước nồng nàn. Đạo diễn Vũ Châu cũng yêu cầu Đức chỉ cần hoá thân đúng với tiêu chí là một chàng thanh niên như vậy, không cần phải cố gắng biến mình thành một hình tượng.
Kỷ niệm đáng nhớ với bạn khi đảm nhận vai Bác Hồ thời trẻ trong "Nhìn ra biển cả" là gì?
- Câu hỏi đầu Đức có nhắc về máu, và máu chính là kỉ niệm đáng nhớ nhất mà Đức tham gia bộ phim "Nhìn ra biển cả". Khi xem phim bạn sẽ thấy cảnh Đức đẩy nhân vật đi biểu tình và bị bắn. Dù có đẩy mạnh hay nhẹ hay đẩy nghệ thuật cũng bị ngã xuống đường. Mà cảnh đường ngày xưa thì đất đá, vật sắc nhọn rất nhiều, diễn đi diễn lại cũng 5 lần và lần nào Đức cũng chảy cả máu tay và chân. Để có được thước phim đẹp, Đức sẵn sàng hy sinh mặc dù tối về đau vô cùng. Đã nhận vai diễn này, Đức chấp nhận tất cả để hoàn thành tốt nhất có thể.
Những trải nghiệm trong lần đóng vai Bác Hồ trong bộ phim này có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của bạn, với tư cách là một người trẻ sinh ra và lớn lên trong thời bình hay không?
- Với những trải nghiệm này, Đức nghĩ bản thân sẽ hiểu hơn về lòng yêu nước, sự nhiệt huyết, dũng cảm của những ông bà, cô bác ngày xưa. Để có được hoà bình như ngày hôm nay là cả một quá trình đấu tranh hết sức khốc liệt của biết bao con người. Chính vì vậy, Đức và tất cả những con người của hiện tại phải trân trọng và giữ gìn truyền thống yêu nước.
Còn về cuộc sống chắc chắn có ảnh hưởng rồi. Phải mất mấy tháng Đức mới thoát được vai diễn này để trở về cuộc sống bình thường.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một danh nhân văn hóa kiệt xuất, tư liệu về Người khá dày dặn. Nhưng bạn không phải chỉ tái hiện những điều về Bác có trong sách vở mà còn phải chuyển tải thần thái, khí chất của người sao cho "đời" nhất trên màn ảnh. Bạn có coi đó là áp lực không? Làm thế nào để bạn vượt qua áp lực đó?
- Như Đức đã nói ở trên, do nhân vật không phải là lúc Bác trở thành lãnh tụ, mà chỉ là một chàng thanh niên tuổi đôi mươi, nên Đức không phải cố gồng mình biến thành Bác. Đức hoá thân sao cho giống với người thanh niên yêu nước ra làm sao, sẽ xử lý, hành động như thế nào. Với Đức, áp lực là mình phải tập ăn nói một cách văn vẻ hơn, đi đứng đúng kiểu truyền thống xưa và hơn hết học nội tâm đúng với tiêu chí của đạo diễn, biên kịch đưa ra. Làm sao truyền tải được thần của một người thanh niên trẻ nhưng lòng yêu nước thương dân thì vô cùng lớn và mãnh liệt.
Và để vượt qua được những áp lực đó, Đức ép mình vào một khuôn khổ trước khi bấm máy bộ phim, cách đi cách đứng, rồi nói chuyện, học diễn chiều sâu bằng ánh mắt, nội tâm sao cho tốt nhất.
Ở Việt Nam, phim về Bác Hồ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cá nhân bạn, ở góc độ khán giả trẻ, bạn có cho rằng cần phải có nhiều hơn các tác phẩm điện ảnh, sân khấu về Bác hay không?
- Đức nghĩ rằng nên có nhiều tác phẩm về Bác và các vị anh hùng dân tộc hơn nữa. Để lớp sau còn hiểu về cội nguồn cũng như truyền thống của ông cha ta.
Xin cảm ơn bạn và chúc bạn thành công trong sự nghiệp của mình!