Dân Việt

Diễn biến mới vụ Hồ Duy Hải khi xuất hiện tình tiết mới

Nguyễn Đức 19/05/2020 12:42 GMT+7
Luật sư ủng hộ ý kiến nêu trong báo cáo của Viện kiểm Kiểm sát nhân dân tối cao gửi tới Chủ tịch nước và các cơ quan chức năng. Đồng thời, cho rằng cần phải huỷ án vụ Hồ Duy Hải để điều tra lại.

Ngày 18/5, Viện trưởng Viện KSND tối cao đã gửi báo cáo đến Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải. 

Báo cáo khẳng định, kháng nghị giám đốc thẩm do Viện KSND tối cao ban hành là đúng pháp luật, đúng thẩm quyền, có căn cứ và cần thiết.

Cùng ngày, một số đại biểu Quốc hội có ý kiến, gửi văn bản kiến nghị cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiện, cơ quan này đang giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý theo đúng các quy định của pháp luật đối với các kiến nghị của đại biểu Quốc hội về vụ án.

Liên quan đến nội dung này, luật sư Trần Hồng Phong, người trước đây bào chữa, nay trợ giúp pháp lý cho Hồ Duy Hải cho biết, ông đồng tình, nhất trí, ủng hộ ý kiến nêu trong báo cáo của Viện kiểm soát nhân dân Tối cao gửi tới Chủ tịch nước và các cơ quan chức năng.

Ông Phong cho rằng, trong thời gian tới, khi các cơ quan chức năng vào cuộc xem xét vụ án Hồ Duy Hải sẽ có diễn biến mới và có thể xảy ra hai tình huống.

Diễn biến mới vụ Hồ Duy Hải khi xuất hiện tình tiết mới - Ảnh 1.

Luật sư Trần Hồng Phong, người trước đây bào chữa, nay trợ giúp pháp lý cho Hồ Duy Hải.

Một là, khi không xuất hiện tình tiết mới, cơ quan chuyên môn chỉ nói, bàn về quyết định của giám đốc thẩm trong phiên toà ngày 8/5 vừa qua. Nếu xảy ra trường hợp này thì sẽ không giải quyết được nội dung, mẫu thuẫn, những vấn đề nêu trong kháng nghị.

"Tôi là người trực tiếp tham dự phiên toà và thấy rằng, từ cách điều hành phiên giám đốc thẩm đến nội dung làm việc chưa thực sự khách quan. Những sai phạm về nội dung và tố tụng là "nghiêm trọng" và từ này Viện kiểm sát nhân dân tối cao sử dụng.

Nhưng trong phiên toà ngày 8/5, hội đồng giám đốc thẩm lại chuyển hoá thành từ "nghiêm trọng" thành "sơ suất, sai sót" và cho rằng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án. Như vậy, tôi thấy rằng quyết định của giám đốc thẩm có nhiều vấn đề không bảo đảm tính khách quan, công bằng", luật sư Phong nói.

Vị luật sư trợ giúp pháp lý cho Hồ Duy Hải cho hay, hiện nay những nội dung, mâu thuẫn trong vụ án vẫn chưa giải quyết được trong phiên toà giám đốc thẩm vừa qua.

Vì vậy, theo ông, quyết định đó phải được xem xét lại theo thủ tục đặc biệt, theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Và ở đây, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền yêu cầu xem xét lại vụ án.

Tình huống thứ hai, không loại trừ khả năng vụ án xuất hiện các tình tiết mới theo thủ tục tái thẩm, đây là một thủ tục tố tụng đặc biệt, nhằm xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó.

Diễn biến mới vụ Hồ Duy Hải khi xuất hiện tình tiết mới - Ảnh 2.

Bưu cục Cầu Voi ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Ảnh Đình Việt.

Ông Phong cho biết, tình tiết mới ở đây có thể là kết quả nghiên cứu, hoặc là phát hiện từ hồ sơ vụ án.

Chẳng hạn như tình tiết: Lần đầu tiên chính thức hoá tên Nguyễn Văn Nghị vào hồ sơ vụ án về mặt tố tụng. Cơ quan công an phải làm rõ thông tin về nhân vật Nguyễn Văn Nghị. 

Đây cũng chính là lý do tại sao Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị phải huỷ án điều tra lại, xác minh thông tin về Nguyễn Văn Nghị là như thế nào.

Hoặc tình tiết nghi can gây án thuận tay trái hay tay phải. Cụ thể "sau khi rà soát lại hồ sơ vụ án, gia đình và ông Phong đã phát hiện ra thêm một tình tiết ngoại phạm của Hồ Duy Hải, đó là, thông qua cơ chế hướng vết cắt trên cổ 2 nạn nhân, cho thấy hung thủ sát hại 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi phải là người thuận tay trái. Trong khi đó, Hồ Duy Hải lại thuận tay phải".

"Như vậy, tôi cho rằng, nếu như xuất hiện tình tiết mới và được xem xét theo thủ tục tái thẩm sẽ rất là tốt bởi hiện nay còn nhiều nội dung, mâu thuẫn chưa được giải quyết", luật sư Phong nói thêm.

Ngày 18/5, Viện trưởng Viện KSND tối cao đã gửi báo cáo đến Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội về vụ án Hồ Duy Hải. Báo cáo nêu những vấn đề chưa được làm rõ như:

+Việc mâu thuẫn về việc sử dụng thời gian của Hồ Duy Hải thể hiện Hải không thể có mặt ở bưu điện trước thời điểm nhân chứng Thường đến gọi điện thoại, nội dung này rất quan trọng nên phải hủy án để thực nghiệm điều tra lại.

+ Chưa làm rõ thời điểm chết của 2 nạn nhân để xác định Hồ Duy Hải có phải là hung thủ không, nên cần phải hủy án để trưng cầu giám định thời điểm chết thông qua tài liệu khám nghiệm (thức ăn trong dạ dày và dấu vết hoen tử thi).

+ Chưa làm rõ cơ chế gây ra vết thương trên cơ thể nạn nhân, về con dao mà bị cáo mô tả có khả năng gây ra vết thương đó không.

+Chưa làm rõ được động cơ gây án của đối tượng vì bản án sơ thẩm và phúc thẩm kết luận về động cơ gây án chưa phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án.

+ Bỏ ngoài hồ sơ nhiều tài liệu quan trọng như lời khai ban đầu của bị cáo, lời khai nhân chứng, thu giữ dấu vân tay...

Viện KSND tối cao cho rằng cần hủy án để bổ sung các tài liệu này vào hồ sơ.