Dân Việt

Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn Công ước xóa bỏ lao động cưỡng bức

Hoàng Thành 20/05/2020 17:37 GMT+7
Chiều 20/5, tại phiên họp Quốc hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thừa ủy quyền Chủ tịch nước trình bày tờ trình Quốc hội phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức là một trong 8 Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và được ILO thông qua ngày 25/6/1957. Công ước số 105 là Công ước cùng cặp với Công ước số 29 trong nhóm tiêu chuẩn quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức (Việt Nam đã gia nhập Công ước số 29 năm 2007).

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định, với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương nhất quán về hội nhập kinh tế quốc tế và sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật thời gian qua, việc xem xét gia nhập Công ước số 105 tại thời điểm hiện nay là chín muồi và hết sức cần thiết.

Bên cạnh sự cần thiết gia nhập Công ước số 105 thì việc gia nhập Công ước số 105 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội, khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)  và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO.

Chủ tịch nước trình QH phê chuẩn Công ước xóa bỏ lao động cưỡng bức - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thừa ủy quyền Chủ tịch nước trình bày tờ trình Quốc hội phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Đồng thời, trong thời gian qua, hệ thống pháp luật Việt Nam đang từng bước được hoàn thiện, góp phần tăng cường và củng cố cơ sở pháp lý để bảo đảm hoàn toàn xóa bỏ lao động cưỡng bức tại Việt Nam. Do đó, việc xem xét quyết định gia nhập Công ước số 105 tại thời điểm này là chín muồi và cần thiết.

Sau khi Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình, thừa Ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo thuyết minh, Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng, việc gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội.

Cụ thể, tiêu chuẩn lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức quy định trong Công ước số 105 được quốc tế coi là một trong những tiêu chuẩn lao động cơ bản, thể hiện giá trị tiến bộ của nhân loại về lao động vì lao động cưỡng bức tước đi quyền tự do và phẩm giá của người lao động.

Trong hệ thống luật pháp Việt Nam, lao động cưỡng bức bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức và có những chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hành vi này và đã được quy định trong Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động…

Cùng với đó, trong thời gian qua, nước ta cũng đã từng bước nội luật hóa các tiêu chuẩn quốc tế về lao động bảo đảm sự tương thích với Công ước số 105.

Bộ trưởng LĐTBXH khẳng định, việc gia nhập Công ước số 105 sẽ thúc đẩy việc thực hiện tốt hơn trên thực tế quy định nhất quán của Nhà nước ta là xóa bỏ lao động cưỡng bức, đảm bảo quyền con người, quyền công dân.

"Việc gia nhập Công ước số 105 đồng thời là để thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên của ILO. Theo Tuyên bố năm 1998 của ILO, các quốc gia thành viên của ILO dù đã gia nhập hay chưa gia nhập 08 công ước cơ bản của ILO, trong đó có Công ước số 105 thì vẫn có nghĩa vụ thực hiện những tiêu chuẩn lao động quốc tế được quy định trong các công ước này" ông Đào Ngọc Dung nói.

Để thực hiện Công ước 105, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, qua rà soát cho thấy các quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phù hợp với các quy định của Công ước số 105.

"Vì vậy, Chính phủ không có đề xuất, kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Công ước này sau khi được Quốc hội quyết định gia nhập", ông Đào Ngọc Dung cho hay.

Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước số 105 của ILO, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, việc gia nhập Công ước số 105 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội.

Đồng thời, khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định CPTTP, EVFTA, và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng cho hay, căn cứ Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo thuyết minh của Chính phủ, ý kiến thẩm tra, Ủy ban Đối ngoại nhất trí trình Quốc hội xem xét, quyết định gia nhập Công ước số 105 của ILO về Xóa bỏ lao động cưỡng bức tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. 

Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức có 10 Điều. Nội dung Công ước tập trung từ Điều 1 đến Điều 2; từ Điều 3 đến Điều 10 là những quy định về thủ tục.

Việc kiến nghị Quốc hội phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức sẽ là một bước tiến tích cực sau khi Việt Nam gia nhập Công ước số 29 về lao động cưỡng bức, 1930 của ILO cũng như các Hiệp định tự do thể hệ mới mà Việt Nam đã tham gia.

Ngoài ra, việc phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức cũng sẽ giúp Việt Nam nâng cao vai trò, vị thế của mình trên trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh năm nay Việt Nam đồng thời đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch ASEAN và cũng là năm Chủ tịch AIPA.