Sáng 21/5, bên hành lang Quốc hội, trả lời câu hỏi của PV liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, ĐBQH Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, một số ĐBQH đang có kiến nghị với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc tiến hành giám sát đối với vụ án này. Việc này phải theo trình tự và các quy định của pháp luật, xem xét dựa trên tình hình thực tế.
"Theo tôi biết, về trình tự, thủ tục thì khi ĐBQH đã có ý kiến bằng văn bản, Tổng Thư ký Quốc hội phải có động tác giao các cơ quan liên quan có thẩm quyền và cơ quan phụ trách lĩnh vực đó là Uỷ ban Tư pháp tham mưu, có căn cứ trả lời đại biểu. Việc có thực hiện giám sát hay không giám sát,… các nội dung này được thực hiện theo các quy định của luật pháp" – ông Xuyền nói.
Trước đó, tại buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, trả lời câu hỏi của PV liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng thông tin: liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải những ngày qua, báo chí, mạng xã hội đã nêu nhiều thông tin, bình luận trái chiều về phiên xử.
Đồng thời, một số ĐBQH cũng đã gửi văn bản kiến nghị về phiên xử giám đốc thẩm tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, các đại biểu bày tỏ không tán đồng với quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao bác kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao, giữ nguyên bản án tử hình đã tuyên đối với Hồ Duy Hải về tội "giết người", "cướp tài sản".
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là một trong những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài nhiều năm. Ngay trong nhiệm kỳ XIII, Quốc hội đã thành lập đoàn giám sát của Quốc hội để giám sát, xem xét, tránh trường hợp án oan sai.
Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm Trưởng đoàn, bà Lê Thị Nga - khi đó là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp làm Phó Trưởng đoàn cùng các đồng chí trong Ủy ban Tư pháp tham gia. Đoàn giám sát sau đó đã báo cáo Quốc hội nhiều nội dung cụ thể về vụ án này, từ đó khởi động quá trình xem xét lại vụ án, cho đến khi có phiên tòa giám đốc thẩm vừa qua" – ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, song song với việc này, gia đình bị án Hồ Duy Hải cũng liên tục khiếu nại, kêu oan, dư luận trong nước và quốc tế cũng quan tâm đến vụ án này.
"Trước tình hình như vậy, để xem xét toàn diện, khách quan vụ án này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao các cơ quan chuyên môn của Quốc hội nghiên cứu đề xuất hướng xử lý theo đúng quy định của pháp luật" - ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Liên quan đến vụ Hồ Duy Hải, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện đã gửi kiến nghị tới Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, dư luận cho rằng phán quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC đã vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội và đã dựa trên tư duy, quan niệm mang tính buộc tội, vấn đề "cấm kỵ" trong lĩnh vực hình sự. Mặc dù công nhận nhiều sai sót mang tính mấu chốt trong quá trình điều tra, nhưng lại cho rằng sai sót đó "không ảnh hưởng đến bản chất vụ án".
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng không có quy định nào cho phép Hội đồng thẩm phán TANDTC phán quyết về việc kháng nghị của VKSND Tối cao đúng hay không đúng pháp luật.
Từ các phân tích, lập luận đó, ông Nhưỡng kiến nghị Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo các cơ quan hữu quan báo cáo rõ về vụ án này. Đồng thời, kiến nghị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Chánh án TAND tối cao, viện trưởng VKSND tối cao có báo cáo riêng vụ Hồ Duy Hải tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.
Vị đại biểu này cũng đề nghị tổ chức thực hiện giám sát tối cao của Quốc hội hoặc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các vụ án do Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm gây bức xúc dư luận, trong đó có vụ án Hồ Duy Hải.
Được biết, ĐBQH Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng đã gửi kiến nghị Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát hoạt động của TANDTC trong phiên tòa giám đốc thẩm "vụ án Hồ Duy Hải".
Trong bản kiến nghị, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng phiên giám đốc thẩm có dấu hiệu vi phạm quy định về yêu cầu đảm bảo tính vô tư, khách quan của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, quy định tại các điều 21, 49, 53 của Bộ luật tố tụng hình sự, khi người từng quyết định không chấp nhận kháng nghị nay lại làm chủ tọa phiên tòa.
Cùng với đó, theo ông Vân, là dấu hiệu vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13 của Bộ luật tố tụng hình sự và Điều 15 của bộ luật này về xác định sự thật vụ án.