Cần nhắc lại chi tiết ở vòng đấu cuối giải vô địch bóng đá quốc gia năm 2000 - 2001, đội Sông Lam Nghệ An (SLNA) đang thua Nam Định 1 điểm. Điều kiện cần và đủ để thầy trò HLV Nguyễn Thành Vinh có thể lên ngôi là Nam Định không thắng được Cảng Sài Gòn (CSG) trên sân Thống Nhất, đồng thời trên sân nhà, SLNA bắt buộc phải thắng đội Công an TP.HCM.
65 triệu đồng “tạ ơn”
Để điều này có thể xảy ra, phía SLNA chủ trương chơi 2 kèo. Đầu tiên là Hữu Thắng vào TP.HCM để “chích” nhóm của Trương Tấn Hải và các trụ cột của CSG, cùng lúc ở quê nhà, lãnh đạo đội bóng và một số tay chân thân tín khác của Hữu Thắng cũng tiếp đãi nồng hậu đại diện còn lại của bóng đá TP.HCM (cũng đã đủ điểm trụ hạng). Kết quả đúng như mong muốn của phía SLNA khi CSG quật ngã Nam Định 5-0 và SLNA cũng thắng sát nút Công an TP.HCM 4-3 để giang tay nhận chiếc cúp chuyên nghiệp đầu tiên từ Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) và nhà tài trợ Strata.
Phải nói trận cầu ngày 27/5/2001 trên sân Vinh là “màn kịch” dàn xếp khá tinh vi vì vào cuộc hai đội đá rất thật và làm cho bốn phía khán đài nóng lên, cả cầu trường như sôi sục với những pha phối hợp ghi bàn rất mẫu mực và đẹp mắt. Trưởng ban tổ chức giải Ngô Tư Hà khi đó còn nói: “Nếu chỉ xét thuần túy chuyên môn thì đây là trận đấu hay, kịch tính và sôi nổi với nhiều pha bóng đẹp”.
Nhưng đó chỉ là bề nổi vì phía Công an TP.HCM dù không chủ trương “buông” lộ liễu nhưng cũng không có động lực để quyết đấu nên với họ thắng, hòa hay thua gì cũng như nhau. Mà một khi SLNA đang cần thắng thì quy luật của bóng đá Việt Nam “tôi giúp anh trước để sau này anh giúp lại” rất dễ xuất hiện. Trong suy nghĩ của nhiều cầu thủ đội Công an TP.HCM khi đó là vậy nên chỉ cần một pha bóng sơ hở đúng lúc và được dàn dựng khéo léo thôi thì mọi chuyện đã khác.
Ngay sau trận đấu này, 2 cầu thủ của đội SLNA là Nguyễn Phi Hùng và Ngô Quang Trường được “lệnh” của đàn anh Hữu Thắng đã cầm 65 triệu đồng đến gặp tiền vệ Bùi Sỹ Thành của đội Công an TP.HCM và bảo đây là chút quà của anh em xứ Nghệ gửi đội bóng, “cám ơn” về trận đấu buổi chiều và nhờ chuyển cho trưởng đoàn khi đó là ông Hoàng Trọng Thanh. Nhận tiền nhưng Sỹ Thành không đưa ngay cho “sếp” mà tổ chức ăn nhậu với một số cầu thủ trong đội hết 5 triệu đồng. Sau đó cầu thủ này mới đến gặp ông Thanh để chuyển tiền. Khi biết số tiền này của SLNA gửi cho mình, ông Hoàng Trọng Thanh yêu cầu Sỹ Thành gom lại 5 triệu đồng đã lỡ tiêu xài để trả lại. Theo lời kể của ông Thanh thì ít ngày sau, ông đã đích thân gửi lại cho phía SLNA đúng 65 triệu đồng này.
Thế nhưng tại cơ quan điều tra, HLV kiêm thủ quỹ đội SLNA Nguyễn Xuân Vinh, người bị khởi tố về tội danh tham ô lại cho biết ông không hề nhận lại số tiền đó từ phía đội Công an TP.HCM. Vậy nó chạy đi đâu? Tìm ra câu trả lời này đến nay vẫn là bí ẩn.
Dàn xếp tỷ số là chủ trương của lãnh đạo
Sau khi bị cơ quan điều tra triệu tập lấy lời khai và sau đó bị bắt tạm giam, cựu cầu thủ SLNA Nguyễn Hữu Thắng ban đầu rất ngoan cố không thành khẩn khai báo mà chỉ quanh co chối tội.
Thậm chí có lúc cựu tuyển thủ quốc gia này còn không muốn hợp tác để làm sáng tỏ việc đưa đội CSG 300 triệu đồng và đội Công an TP.HCM 65 triệu đồng là xuất phát từ đâu. Tuy nhiên, sau đó Hữu Thắng đã thừa nhận việc mình cầm tiền để thực hiện phi vụ với CSG cũng như việc chỉ đạo “bồi dưỡng” cho đội Công an TP.HCM đều có chủ trương và mệnh lệnh của lãnh đạo bóng đá Nghệ An, chứ không phải tự ý làm. Lãnh đạo thời điểm đó có ảnh hưởng và tiếng nói trọng lượng với đội bóng SLNA chính là hai ông Nguyễn Hoàng Thụ, Giám đốc Sở TDTT tỉnh Nghệ An và ông Nguyễn Hồng Thanh, Giám đốc điều hành đoàn bóng đá SLNA.
Theo lời khai của ông Nguyễn Thành Vinh, HLV trưởng đội SLNA thì trước lượt đấu cuối cùng của giải vô địch bóng đá chuyên nghiệp 2000 - 2001, ông Nguyễn Hoàng Thụ, Giám đốc Sở TDTT có triệu tập một cuộc họp bất thường với các ông Nguyễn Hồng Thanh và Nguyễn Thành Vinh. Tại cuộc họp này, ông Thụ đã có trao đổi với ông Thanh và ông Vinh làm thế nào để SLNA phải vô địch và “vang danh” bóng đá xứ Nghệ trong những năm đầu của thiên niên kỷ mới và cũng chào mừng ngành TDTT Nghệ An đón nhận huân chương lao động. Mọi phương án đã được vạch ra và ông Thụ giao cho ông Vinh phải tập trung tốt tinh thần cho đội bóng, đảm bảo vững vàng về chuyên môn. Còn ông Thanh với cương vị giám đốc, chủ tài khoản, lo tiền nong cho mọi chuyện và sẵn sàng cho lễ đăng quang trên sân nhà.
Dù ông Thụ sau này cho rằng mình chỉ thể hiện mong muốn của lãnh đạo và người dân Nghệ An với việc giành chức vô địch chứ không hề yêu cầu phải dùng tiền “mua” cầu thủ này, “lót tay” cho nhân vật khác, nhưng ông Nguyễn Hồng Thanh thì quả quyết nếu không có chuyện “sếp” bật đèn xanh, cho phép những khoản chi ngoài luồng trừ vào tiền thưởng 1 tỉ đồng cho ngôi vô địch thì làm gì có chuyện SLNA ngang nhiên dùng số tiền lớn vào thời điểm đó để mua độ.
Nhưng cho dù là chủ trương của lãnh đạo nào thì SLNA cũng cho thấy sự bê bối trong một thời gian dài khi từ HLV đến những người quản lý đội đều có những động cơ không trong sáng, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm mất uy tín và niềm tin của chính cái tên từng là niềm tự hào của người hâm mộ không phải chỉ ở Nghệ An mà còn cả nước.