Dân Việt

Tỉnh Bình Thuận kiểm tra vụ đốt phá thảm xanh trên núi Voi

Việt Sáng 21/05/2020 18:18 GMT+7
Ngày 21/5, theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận, Chi cục đã cùng cơ quan chức năng huyện Hàm Tân tổ chức kiểm tra hiện trường vụ đốt phá cây xanh tự nhiên trên núi Voi. Sự vụ mà báo Dân Việt đã đưa tin vào ngày 14/5.

Cùng kiểm tra hiện trường với Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận còn có Hạt kiểm lâm huyện Hàm Tân, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hàm Tân, UBND thị trấn Tân Nghĩa.

Địa hình núi Voi có độ dốc cao khiến đoàn kiểm tra gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển. Đoàn cắt tuyến băng dốc đá cao để đi xuyên qua khu vực bị đốt phá.

Tại đây, các kiểm lâm viên dùng máy định vị đo vị trí tại điểm đầu từ chân núi và điểm cuối trên đỉnh theo hướng Tây - Đông, định vị điểm cuối về hướng Nam của diện tích bị tác động.

Tỉnh Bình Thuận kiểm tra vụ đốt phá thảm xanh trên núi Voi - Ảnh 1.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận kiểm tra diện tích cây rừng bị hủy hoại. Ảnh: Việt Sáng

Đồng thời, đoàn ước tính chiều dài điểm cuối về hướng Bắc. Qua đối chiếu tọa độ định vị với bản đồ số hóa địa chính, tổ công tác xác định diện tích bị tác động rộng hơn 4,8ha.

Quan sát hiện trường, cơ quan chức năng xác định trên diện tích này có nhiều cây thân gỗ đường kính từ 13-25cm bị cưa hạ, hiện còn nằm tại gốc. Mặt cắt gốc còn mới, có vết tích cưa máy, cưa tay và dụng cụ thủ công. Thời gian cưa hạ từ đầu tháng 1 đến nay. Các loài chiếm đa số là cây tạo, gồm: Cóc, lòng mức, vong đồng, cà na, lòng mức, bằng lăng, trường…

Ngoài ra, cũng trên khu bị đốt cháy này còn có một phần diện tích cây lồ ô bị chặt bằng dụng cụ thủ công. Một phần bị đốt cháy phần gốc, số lồ ô bị khô còn nằm tại hiện trường. Trong diện tích 4,8ha bị tác động, có khoảng 2/3 diện tích bị đốt cháy. Do địa hình phức tạp, tổ công tác không đo tính chính xác được khối lượng bị thiệt hại.

Tỉnh Bình Thuận kiểm tra vụ đốt phá thảm xanh trên núi Voi - Ảnh 2.

Một thân cây gỗ đã bị cưa hạ. Ảnh: Việt Sáng

Tổ công tác còn phát hiện trên một số thân cây theo hướng từ chân núi lên có dấu sơn đỏ ghi ký hiệu H và dấu mũi tên. Chữ H là chữ cái đầu tên của một chủ lán trại ở dưới chân núi, nơi thời gian vừa qua có nhiều người lạ đến tá túc. Trên một tảng đá lớn còn ghi chữ: "Đất có chủ".

Qua kiểm tra thực tế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận nhận định các hoạt động cưa đốt cây cối tự nhiên trên núi Voi là để chiếm đất. Ngoài ra, cây cối tự nhiên trên núi là tài sản của Nhà nước, do đó hành vi phá hoại cần được điều tra, xử lý nghiêm minh.

"Thảm cây và tre lồ ô bị đốt phá trên núi Voi có nguồn gốc là cây rừng tự nhiên. Đây là tài sản của Nhà nước. Do vậy, để đủ sức răn đe và ngăn chặn tình trạng này, sau cuộc kiểm tra, chúng tôi sẽ đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Hàm Tân yêu cầu Công an huyện vào cuộc điều tra, khởi tố vụ án này, xử lý nghiêm đối tượng cầm đầu", ông Huỳnh Hiếu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận nói.

Tỉnh Bình Thuận kiểm tra vụ đốt phá thảm xanh trên núi Voi - Ảnh 3.

Đoàn kiểm tra vụ đốt cháy thảm xanh trên núi Voi. Ảnh: Việt Sáng

Núi Voi, còn gọi là núi Nhọn, trước đây là tiểu khu 391B thuộc Lâm trường Hàm Tân. Năm 2011, UBND tỉnh Bình Thuận đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng. Năm 2014, đất núi và thảm thực vật có nguồn gốc rừng tự nhiên này được giao cho UBND thị trấn Tân Nghĩa quản lý.

Tuy nhiên, do thiếu sự quan tâm quản lý của chính quyền địa phương, hoạt động đốt phá cây cối trên núi với ý định chiếm đất diễn ra trong thời gian dài mà không được ngăn chặn.

Theo đề nghị của đoàn kiểm tra, trong thời gian chờ cơ quan chức năng củng cố hồ sơ xử lý vụ việc, UBND thị trấn Tân Nghĩa phải tổ chức lực lượng bảo vệ hiện trường, ngăn không cho các đối tượng tiếp tục đốt phá núi Voi với bất cứ hình thức nào, đồng thời xác minh các hoạt động của nhóm người lạ tạm trú trong lán trại dưới chân núi suốt thời gian qua.