Dân Việt

Phú Thọ: Vì sao nhiều hộ dân mắc kẹt giữa “ốc đảo” ở KCN Cẩm Khê?

Ngô Hùng - Việt Hoàng 25/05/2020 05:19 GMT+7
Nhiều hộ dân đang mắc kẹt giữa “ốc đảo” ở KCN Cẩm Khê do Công ty Cổ phần xây dựng Đức Anh (Công ty Đức Anh) làm chủ đầu tư. Lúa chết, ao không thể thả cá, nước ngập vào nhà khiến các gia đình phải sơ tán mỗi khi có mưa. Đâu là nguyên nhân?

Đứng bên căn nhà lụp xụp, nồng nặc mùi hôi thối do nước lưu cữu lâu ngày và phân vịt, ông Nguyễn Văn Giáp (TT.Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê) nói như khóc: "Các anh nhìn thì biết, giờ gia đình tôi có khác gì "ốc đảo" giữa KCN Cẩm Khê này không?

4 năm rồi, các đơn vị đã nhiều lần đến kiểm đếm nhưng chưa bồi thường cho gia đình, chưa bố trí được chỗ tái định cư. Sống ở đây, nắng thì mùi hôi thối nồng nặc, mưa thì ngập đến lưng nhà. Ao không thể thả cá, ruộng lúa không thể canh tác khi nước ngập sâu".

Phú Thọ: Vì sao nhiều hộ dân bị mắc kẹt tại “ốc đảo” giữa KCN Cẩm Khê - Ảnh 1.

Gia đình ông Nguyễn Văn Giáp đang phải sống khổ trong "ốc đảo" giữa KCN Cẩm Khê

Cũng theo ông Giáp, việc san lấp mặt bằng của KCN Cẩm Khê khiến đất cát đổ hết sang ao, chuồng của người dân. Sau mỗi cơn mưa, bùn đất trôi hết xuống ao, nước tràn đến tận sân nhà. Ngan, vịt phải đóng chuồng, chuyển lên nhà trên sống cùng người dân.

"Sống ở đây khổ cực lắm, cứ mưa là bùn đất bên KCN Cẩm Khê tràn sang ao làm nước dềnh lên đến phòng khách, nhà có đàn lợn con mới sinh thì 6 con bị trượt chân rơi xuống ao chết. 

Mùi hôi nồng nặc bốc lên vì bùn đất của KCN và nước thải ứ đọng khiến đời sống của người dân bị đảo lộn, nhiều nhà còn phải gửi con cháu đi chỗ khác ở", bà Nguyễn Thị Bình (TT.Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê) bức xúc.

Phú Thọ: Vì sao nhiều hộ dân bị mắc kẹt tại “ốc đảo” giữa KCN Cẩm Khê - Ảnh 2.

Đất bị xô sạt xuống ao...

Ngoài hộ gia đình ông Giáp, bà Bình đang phải ở trong "ốc đảo" giữa KCN Cẩm Khê còn có hộ gia đình ông Nguyễn Trường Chinh và ông Trần Văn Chương cũng trong tình trạng tương tự.

Theo những người dân này, họ đang rất mong muốn được bồi thường GPMB và bố trí khu tái định cư. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì, cho đến nay, mọi việc mới chỉ dừng lại ở việc kiểm đếm. Người dân liên tục làm đơn gửi lên chính quyền xã trong 4 năm nhưng đều không được xử lý.

"Chúng tôi sống giữa "ốc đảo" bao quanh là KCN Cẩm Khê với đại công trường đang thi công, xe trọng tải lớn chạy suốt ngày đêm cày xới con đường trước nhà, bụi mù mịt. Nhà tôi và 3 hộ khác phải cho con, cháu di tản ra nơi khác từ hơn năm nay rồi, ngày nào cũng hàng lớp bụi bay vào nhà rồi mùi hôi thối, chưa chết đói đã chết vì viêm phổi", ông Nguyễn Trường Chinh chia sẻ.

Cũng theo người dân, mọi người rất ủng hộ việc xây dựng KCN Cẩm Khê, nhưng suốt 4 năm nay, đất đai của họ không thể canh tác, nuôi trồng, kinh tế ngày càng khó khăn. Người dân cũng không có ý kiến, đòi hỏi yêu sách giữ đất, chỉ cần sớm được ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.

Phú Thọ: Vì sao nhiều hộ dân bị mắc kẹt tại “ốc đảo” giữa KCN Cẩm Khê - Ảnh 3.

... cây ăn quả thì chết khô héo

Trao đổi với Dân Việt, ông Trần Danh Ca - Chủ tịch UBND Thị trấn Cẩm Khê cho biết, việc diện tích đất ao cá, cấy lúa của người dân bị ảnh hưởng, cũng như việc đền bù GPMB và sắp xếp đất tái định cư cho người dân, UBND thị trấn Cẩm Khê đã có rất nhiều báo cáo lên các cơ quan cấp trên để giải quyết.

Đối với việc ngập úng, do trong quá trình thi công, Công ty Đức Anh không đảm bảo biện pháp thi công khiến đất đá bị xô sạt xuống diện tích đất lúa, ao cá của người dân.

"Cụ thể, diện tích đất lúa ở khu Chùa Bộ và khu Quang Trung, thị trấn Cẩm Khê khoảng 10.000m2 và diện tích ao thả cá là hơn 3.000m2", ông Ca cho biết.

Phú Thọ: Vì sao nhiều hộ dân bị mắc kẹt tại “ốc đảo” giữa KCN Cẩm Khê - Ảnh 4.

Hiện người dân mong muốn sớm được đền bù GPMB và chuyển ra khu tái định cư để ổn định cuộc sống

Còn đối với việc đền bù GPMB và tái định cư, theo ông Ca, thị trấn đã phối hợp với Phòng TNMT, Ban bồi thường GPMB của huyện Cẩm Khê làm việc với 4 hộ dân. Trong đó, 1 hộ đã đồng ý nhận, còn 3 hộ chưa đồng ý.

"Lý do 3 hộ chưa đồng ý là vì trước đó có 8 hộ trong diện GPMB để làm đường vào KCN Cẩm Khê được áp dụng theo quy định của tỉnh là suất cao nhất 400m2. Đến nay sát nhập của 4 địa phương vào thành thị trấn thì suất đất tái định cư chưa có hướng dẫn của tỉnh nên tạm giao là 200m2

Vừa rồi chúng tôi vận động người dân nhận đất tái định cư tạm giao theo hiện trạng là 200m2 để làm nhà, sớm ổn định cuộc sống nhưng các hộ không đồng tình", ông Ca cho biết thêm.

Cũng theo ông Ca, tuy KCN thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm và nâng cao đời sống cho người dân nhưng khi thực hiện, Công ty Đức Anh phải đảm bảo biện pháp thi công trong quá trình xây dựng. 

Các cơ quan chức năng cần chỉ đạo Công ty Đức Anh đảm bảo biện pháp thi công, tránh việc gây ảnh hưởng đến người dân.

"Lợi ích nhà nước, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích của người dân phải song song, không thể để lợi ích của doanh nghiệp mà ảnh hưởng đến lợi ích của người dân", ông Ca bày tỏ.

Còn theo ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Đức Anh, phía công ty chưa nhận được bất kỳ đơn thư nào của người dân hay hội đồng đền bù. Bên công ty thực hiện việc đền bù luôn theo đúng quy định, các hộ dân này trước sau cũng được đền bù, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê cho biết, ông đã nắm được sự việc và sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm giải quyết để cuộc sống của người dân được ổn định.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.