Mới đây, trước kỳ họp 9, Quốc hội khoá XIV, cử tri Hà Nội tiếp tục bày tỏ sự quan tâm đặc biệt và cho rằng Dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông và đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội bị đội vốn rất nhiều lần và liên tục lùi thời gian hoàn thành làm giảm hiệu quả đầu tư, gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, xã hội của đất nước.
Theo đó, cử tri TP.Hà Nội cho rằng dự án đã điều chỉnh tăng hơn 200% so với tổng mức đầu tư ban đầu, 8 lần chậm tiến độ so với cam kết, ảnh hưởng đến mục tiêu vận tải hành khách công cộng của Hà Nội, tiềm ẩn sự thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.
Cử tri TP.Hà Nội đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra, kiểm tra xác định rõ nguyên nhân, truy cứu trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể đối với các dự án trên, tránh việc chỉ đổ lỗi cho tập thể và cho nhà thầu.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giải trình về dự án trước Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng trên.
Nhiều nguyên nhân khách quan...
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ GTVT cho biết, việc triển khai thực hiện dự án đã chậm nhiều lần và tổng mức đầu tư đã điều chỉnh tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả chủ quan và khách quan, một số nguyên nhân khác.
Về trách nhiệm của các bên liên quan, Bộ GTVT khẳng định, dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư ngoài trách nhiệm chính thuộc phía Tổng thầu thì Chủ đầu tư (Bộ GTVT), đại diện Chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án Đường sắt) chịu trách nhiệm trong công tác quản lý điều hành dự án.
Ngoài ra, đơn vị tư vấn thiết kế bước lập dự án chịu trách nhiệm về chất lượng lập dự án đầu tư. Chủ đầu tư của phần giải phóng mặt bằng (UBND TP.Hà Nội) chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng. Tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng.
Phía Bộ GTVT còn cho biết, thời gian qua, mặc dù đã quyết liệt chỉ đạo nhưng dự án triển khai còn chậm, đến nay dự án vẫn chưa thể đưa vào khai thác thương mại do còn đang được hoàn thiện đánh giá an toàn hệ thống, hoàn thành xử lý các khiếm khuyết hạng mục thiết bị trước khi bàn giao cho đơn vị quản lý, vận hành khai thác.
"Các khó khăn vướng mắc đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Trung Quốc để hỗ trợ chỉ đạo và có các giải pháp giải quyết nhằm đưa dự án vào vận hành khai thác trong thời gian sớm nhất.
Đồng thời, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt chủ động rà soát các điều khoản trong hợp đồng EPC, xác định rõ trách nhiệm của tổng thầu và các bên liên quan để xử lý, giải quyết các khiếu kiện trong trường hợp cần thiết, phù hợp với điều kiện của hợp đồng EPC" - văn bản trả lời cử tri của Bộ GTVT nêu rõ.
Chưa "hẹn" ngày đưa dự án vào khai thác
Báo cáo gửi tới kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, công tác xây dựng, lắp đặt thiết bị hiện nay đã cơ bản hoàn thành, đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý.
Công tác vận hành thử toàn hệ thống và đánh giá an toàn hệ thống vẫn đang được thực hiện, đồng thời khắc phục một số tồn tại để đảm bảo yêu cầu.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng báo cáo "đang chỉ đạo" xây dựng kế hoạch bàn giao và đưa dự án vào khai thác "trong thời gian sớm nhất" khi đủ điều kiện.
Một trong những lý do mới phát sinh tác động đến dự án được Bộ trưởng GTVT nêu ra là tình hình dịch bệnh Covid-19. Đại dịch toàn cầu này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án.
Đến nay, các nhân sự tổng thầu, tư vấn giám sát, tư vấn đánh giá an toàn hệ thống vẫn chưa thể sang Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án. Bộ đã có văn bản gửi các Bộ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhân sự Trung Quốc sang Việt Nam tiếp tục thực hiện dự án, trên cơ sở đảm bảo tuyệt đối an toàn, tránh lây lan dịch bệnh.