Báo Dân Việt đã phản ánh tình trạng một số người lạ mặt, hàng ngày đánh xe con, xe tải và cả ... xe container đến đậu trước cổng ra vào của Công ty cổ phần VRG – Khải Hoàn (liên doanh giữa Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam và Công ty cổ phần Khải Hoàn, tại ấp Cầu Sắt, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương).
Các cá nhân này gây sức ép để đòi vào bằng được công ty để ký hợp đồng mua hàng chục ngàn thùng găng tay y tế (?). Nhiều nhân viên công ty đã khản cổ giải thích rằng, doanh nghiệp không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu mua hàng trên.
Hơn nữa, hàng do VRG-Khải Hoàn sản xuất là chủ yếu để xuất khẩu, theo đơn đặt hàng trước đó của nước ngoài. VRG-Khải Hoàn không cung cấp nhiều cho thị trường trong nước và các hợp đồng đột xuất, vãng lai...
Mặc dù vậy, mỗi ngày vẫn có hàng chục đối tượng, xe hàng tập trung trước cổng Công ty VRG-Khải Hoàn để đòi mua găng tay y tế. Một lãnh đạo Công ty VRG – Khải Hoàn cho biết: "Có hẳn cá nhân cầm cả xấp giấy tờ, xưng danh đại diện theo ủy quyền của một doanh nghiệp ở Hà Nội. Họ đòi mua hàng ngàn thùng găng tay y tế để xuất khẩu ra nước ngoài".
Qua xác minh, PV Dân Việt có được một số văn bản thể hiện Công ty CP Tập đoàn I.P (Hà Nội) ủy quyền cho bà N.T.T.H thay mặt công ty này để ký hợp đồng mua hàng với VRG – Khải Hoàn.
Bà H còn gửi đại diện VRG – Khải Hoàn một văn bản "Cam kết thu xếp tài chính" do một ngân hàng cấp. Theo đó, ngân hàng này cam kết "đồng ý về nguyên tắc" sẽ thu xếp để "cấp cho Công ty CP Tập đoàn I.P khoản tín dụng tối đa 1.000 tỷ đồng" (?!).
Thậm chí, có người còn mang cả "hợp đồng thương mại cung cấp găng tay y tế" giữa bên mua (Công ty CP TM và XNK H.M.A (Bắc Ninh), với bên bán là Công ty CP Tập đoàn V.S (TP.HCM), nhằm ép VRG – Khải Hoàn phải cung cấp găng tay y tế cho họ. Bằng không, thiệt hại hợp đồng với họ là rất lớn...
Bà Huỳnh Mai Khôi – đại diện phát ngôn VRG – Khải Hoàn – nói: "Việc bán hàng hay không là quyền của doanh nghiệp chúng tôi. Không thể có chuyện ép buộc, không dựa trên bất kỳ quy định pháp luật nào cả. Chúng tôi không thể căn cứ vào các giấy tờ chẳng liên quan gì đến chúng tôi, để phải làm việc, ký hợp đồng bán buôn...".
Theo bà Khôi, gần như ngày nào các nhân viên cũng bất đắc dĩ phải tiếp hàng chục khách hàng như trên. Công ty phải tăng cường lực lượng bảo vệ ngày đêm canh gác, mời các đối tượng ra khỏi nhà máy để tránh xung đột.
"Điều lạ kỳ, trước tình trạng mất an ninh – trật tự như trên, diễn ra hàng ngày ở khu vực; nhưng công an, chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp nào giúp đỡ doanh nghiệp vãn hồi trật tự ? Trong khi đó, lãnh đạo VRG – Khải Hoàn cho hay, đã gửi đơn nhờ giúp đỡ, bảo vệ an ninh trật tự tới chính quyền, công an địa phương từ ngày 20/5 vừa qua".
Ông Phạm Ngọc Thành – Tổng giám đốc VRG – Khải Hoàn – cho biết: "Tình hình dịch Covid – 19 bùng phát phức tạp tại các nước châu Âu, Mỹ..., khiến cho nhu cầu sử dụng găng tay y tế tại nhiều quốc gia tăng đột biến. Từ đầu năm 2020 trở lại đây, đơn hàng tới tấp đổ về. VRG-Khải Hoàn gia tăng sản xuất hết công suất của nhà máy là 1,5 tỷ chiếc/năm nhưng vẫn ... "cháy" hàng".
Ngoài ra, do giá găng tay trên thị trường thế giới cũng tăng gấp 2-3 lần, nên rất nhiều tổ chức, cá nhân đã gia tăng mua hàng xuất sang các nước đang bị dịch Covid-19 hoành hành. Đây chính là lý do mà những ngày gần đây, rất nhiều đối tượng ráo riết đến Công ty VRG – Khải Hoàn ở tỉnh Bình Dương đòi mua số lượng găng tay y tế "khủng".