Mô hình trồng củ mài của gia đình anh Hoàng thực hiện từ tháng 2 năm 2019 sau khi được sự giúp đỡ của các chuyên gia Viện Dược liệu Hà Nội và Công ty Cổ phần Dược Trường Thọ về khảo sát và đánh giá điều kiện thổ nhưỡng.
Là cây bản địa, nên kỹ thuật trồng cây hoài sơn khá đơn giản, chăm sóc dễ dàng, nhân công ít, vốn đầu tư thấp nhưng lại cho thu nhập cao hơn so với trồng mía, dứa…
Đặc biệt, trong suốt quá trình sinh trưởng của cây hoài sơn, gia đình anh không phải sử dụng bất kỳ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, củ hoài sơn do gia đình anh trồng đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, hàm lượng các chất allatoin và diosgenin có tác dụng làm lành vết thương, chống viêm và tổng hợp nội tiết tố cao.
Do đó, toàn bộ sản phẩm củ hoài sơn (củ mài) sau khi thu hoạch và sơ chế đã được Công ty Dược Trường Thọ bao tiêu.
Ước tính trên diện tích 2 ha trồng cây hoài sơn này, với mức giá bán củ hoài sơn là 50 nghìn đồng/kg, gia đình anh Hoàng thu về gần một tỷ đồng. Hiện gia đình anh tiếp tục đầu tư vốn mở rộng diện tích trồng cây hoài sơn lên 5 ha.
Từ hiệu quả mô hình của gia đình anh Lê Khả Hoàng, có thể thấy việc trồng cây hoài sơn đang mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp tại Thạch Thành.