Ngày 27/5, phóng viên Danviet có mặt tại cây cầu sắt có tuổi đời 118 năm.
Bên trong, đứng trên những nhịp cầu còn lại, có thể thấy các sà lan chở cát, tàu thuyền lưu thông qua cầu (nơi nhịp cầu đã được tháo dỡ) một cách rất dễ dàng, thông thoáng.
Bà Trần Thị Xuân (55 tuổi) ở trọ khu nhà bên chân cầu Bình Lợi phía quận Thủ Đức, cho biết: "Từ ngày cây cầu được tháo đoạn giữa tàu thuyền chạy qua lại không còn ùn ứ như trước. Trước kia, mỗi khi nước lên, các sà lan chở cát đều qua lại không được, phải neo đậu chờ nước xuống. Nay thì hết rồi, họ chạy thoải mái!".
Một chiếc sà làn có trọng tải lớn đang chạy qua khu vực cầu Bình Lợi – video: Quang Phương
Cầu sắt Bình Lợi cũ là cây cầu đường sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên được xây dựng năm 1902. Cầu dài 276m, gồm 6 nhịp với độ tĩnh không thông thuyền là 1,8m nên có nhịp cầu quay ở phía bờ quận Thủ Đức cho tàu thuyền qua lại.
Giữa tháng 9/2019, khi cây cầu sắt Bình Lợi mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng đến ngày 8/5/2020, Công ty CP Đầu tư xây dựng, dịch vụ, thương mại Sông Lô (nhà thầu thi công) bắt đầu tháo dỡ cầu sắt Bình Lợi cũ. Theo Ban quản lý dự án 7, Bộ GTVT đã thống nhất với UBND TP.HCM giữ lại hai nhịp cầu sắt cũ và tháp canh cầu bên phía bờ quận Thủ Đức để bảo tồn nguyên trạng.
Việc tháo dỡ cầu sắt Bình Lợi cũ đã tạo điều kiện thuận lợi để TP.HCM kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ bằng nhiều loại phương tiện vận tải thủy có trọng tải lớn.
Dưới đây là hình ảnh về phần còn lại của cầu sắt Bình Lợi cũ và tàu thuyền qua lại dễ dàng trên sông Sài Gòn đoạn qua cầu Bình Lợi.