Trước việc liên tiếp các cây phượng bật gốc, đổ trong sân trường, vỉa hè của TP.HCM vài ngày qua, người dân thành phố rất lo ngại đến sự an toàn khi đi ra đường, nhất là mùa mưa bão đã đến gần. Cùng với đó là nỗi lo cây xanh sẽ bị chặt hạ hàng loạt để… phòng xa sẽ khiến tình trạng ô nhiễm đô thị trầm trọng hơn.
Thời tiết thay đổi bất thường, cộng với nhiều nguồn ô nhiễm gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người dân. Trong khi đó, cây xanh được coi như lá phổi xanh làm cho môi trường không khí xanh, sạch.
Đánh giá được tầm quan trọng của cây xanh, nhiều người dân và chuyên gia cho rằng nên có kế hoạch trồng thêm cây xanh, đồng thời phải có đánh giá rõ ràng trước khi muốn chặt bỏ cây.
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, cây xanh trong đô thị có giá trị rất quan trọng. Qua nhiều vụ tai nạn do đổ gốc mà nhiều người dân hay cơ quan, đơn vị quản lý đốn cây nhưng không kiểm tra thì không nên. Trong khi đó, muốn nuôi được cây xanh trong không gian đô thị để tạo bóng mát phải mất rất nhiều thời gian.
Vì vậy, theo ông Dũng, để đảm bảo an toàn, cơ quan quản lý nên có những giải pháp kịp thời trong việc quản lý cây xanh đô thị (cây xanh trên đường phố; cây xanh trong các không gian sử dụng công cộng như công viên, trường học, bệnh viện…), không nên để người dân hay cơ quan, tổ chức tự đốn hạ.
"Việc cần làm của thành phố lúc này là phải rà soát ngay những cây xanh có thân trưởng thành trung bình và cao, tán cây rộng, bộ rễ nông như phượng vĩ, xà cừ… Ngoài ra, cần kiểm tra thân và gốc cây, từ đó có kế hoạch chặt tỉa, thay thế và bảo dưỡng các hố, bệ đất trồng cây để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão", TS Dũng nói.
Theo ông Dũng, việc kiểm tra khung rễ của cây ăn nông hay sâu thì cần kiểm tra danh mục của cây thuộc loại rễ nào, ngoài ra có thể kiểm tra bằng cách khoan thăm dò quanh bộ rễ xem có ảnh hưởng gì không, đồng thời cần gia cố hố và bệ đất trồng cây cho chắc chắn.
Trước đây, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM đã thử nghiệm "siêu âm" để bắt bệnh cây xanh bằng các thiết bị đo vận tốc sóng âm hiện đại. Nếu vận tốc sóng âm giảm năm lần so với vận tốc sóng âm trung bình của cây thì cần phải đốn hạ để đảm bảo an toàn.
Trong giai đoạn thử nghiệm, nhóm nghiên cứu dùng các thiết bị đo vận tốc sóng âm và máy khoan thăm dò khuyết tật để kiểm tra 249 cây xanh trên 15 tuyến đường và một số công viên (gồm 17 chủng loại khác nhau như sao đen, dầu, lim sẹt, me chua, nhạc ngựa, me tây…).
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp cho rằng "máy siêu âm" có thể phát hiện cây bị rỗng ruột nhưng điều đó chưa có nghĩa buộc phải đốn hạ cây ngay. Thực tế cây bị ngã đổ hay không còn phụ thuộc vào bộ rễ, vào tán lá. Vì thế cần phải nghiên cứu, làm rõ thêm về mối quan hệ giữa cây rỗng ruột và nguyên nhân ngã đổ. Qua đó mới đánh giá được hiệu quả của việc dùng máy này. Thêm vào đó, thiết bị này rất đắt tiền, khoảng 1,5 tỷ đồng/máy, đòi hỏi phải có đội ngũ kỹ thuật được đào tạo để sử dụng được thiết bị.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM khẳng định, TP vẫn chưa sử dụng máy siêu âm để bắt bệnh cho cây.
UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 52/2013/QĐ-UBND ngày 25/11/2013 về danh mục các loài cây cấm trồng trên vỉa hè và dải phân cách đường phố trên địa bàn thành phố. Theo đó, có 28 loài cây cấm trồng là các cây có độc tố gây nguy hiểm cho người, những cây ăn quả, các cây có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường như cây trứng cá, lồng mức, đủng đỉnh, bồ kết, trúc đào, dừa, keo lá tràm, gòn, bàng…