Dân Việt

Truyện dự thi: Bóng đa ven sông

Đỗ Văn Dinh (Lào Cai) 31/05/2020 16:10 GMT+7
Lão đứng trước ban thờ hồi lâu, rì rầm nhỏ to câu chuyện trước vong linh của người quá cố. Hình ảnh người vợ hiền thục đang thấp thoáng trước hương khói.

Ông lão buồn. Nỗi buồn quạnh hiu của người già nên cứ ra ngẩn vào ngơ. Lục sục tìm trong ấm giỏ, lục sục tìm trong cái hộp sắt. Bàn tay gầy gùa lốm đốm chấm đen. Và cũng bàn tay gầy guộc ấy đã bao lần đưa điếu cho khách hút. Một ngày có đến mấy chục bận như vậy. Đã dăm năm rồi.

Bắt đầu từ sự kiện 17 tháng 2 năm ấy, một bước ngoặt trong gia đình. Bước ngoặt trong cuộc đời ông.

Năm ấy, tháng ấy dân tản cư chạy loạn về miền xuôi đông dễ đến mấy nghìn người. Kẻ may thì bồng bế đủ con, đem theo cân gạo, ít tiền. Người khác thì gồng gồng gánh gánh thêm được cái xoong, cái nồi. Bên con, bên xoong nồi cứ toòng teng chạy bộ. Dọc theo con đường sắt mà chạy. Họ chạy đi đâu. Không biết. Không bờ bến, chạy vu vơ. Cứ hướng miền  xuôi mà chạy. Cứ hướng phương nam mà chạy. Và gia đình ông chỉ còn sót lại mình ông và một người con tên là Gái. Vợ ông và đứa con thứ hai bị chết ngay từ loạt đạn đầu bên nhà máy điện.

Và trời xui đất khiến thế nào ông lão chạy cùng với anh cu Nhỡ, quê Đào Thịnh.  Thấy ông hốt hoảng, ánh mắt ngơ ngác, ngác ngơ như người tâm thần, trên tay ôm chầm chập đứa con mười tuổi, anh cám cảnh. Họ chạy loạn cũng như mình bao lăm. Thế là anh cu Nhỡ nhỏ to câu chuyện đưa ông về định cư bên cái bờ sông này.

Truyện dự thi: Bóng đa ven sông - Ảnh 1.

Năm tháng dần trôi. Con sông quê Đào Thịnh đã gắn bó với bao nhiêu kỷ niệm buồn vui. Bà con chòm xóm bên sông thương cảnh đìu hiu, gà trống nuôi con, đã dựng tạm cho ông một cái chòi bên bờ. Cột kèo toàn là tre hóp, mái lợp bằng lá mía. Tiện thể người đóng cân gạo, người cho hộp đường hộp sữa, cái nồi, cái xoong. Ba ngày sau bếp đã lên khói, báo hiệu một cuộc sống mới bắt đầu.

Từ khi có quán cóc, người đi qua, kẻ đi lại bên bờ sông, những lúc đợi đò giang, họ ghé vào túp lều của ông lão. Kẻ xin hút thuốc, người uống chén nước chè. Lão  thấy vui vui. Lão đem chuyện làm quán nước chè bàn với anh cu Nhỡ, được anh đồng tình và cho vay năm chục bạc. Thế là, từ cái túp lều bé nhỏ đã trở thành cộng đồng người  ra ra vào vào khi xế chiều hoặc sáng sớm.

Quán đơn sơ đến mức tềnh toàng. Mái lợp bằng lá mía, bàn là những thanh tre mai xếp xít giống y như là dát giường được nâng đỡ bằng cọc gỗ. Hàng hóa bày biện sơ sài: Vài ba gói kẹo lạc, hai cối thuốc lá cuộn, dăm bó bánh tẻ và bánh gai, một chiếc ấm giỏ. Ông lão ngồi đằng trong với cái điếu cho khách. Lão kiên trì bám trụ cũng như bờ cát bao đời bám lấy dòng sông. Một quán cóc nghèo ấy vậy mà cũng ồn ào, náo nhiệt đủ chuyện đông tây kim cổ ở đời. Khách ngồi đợi chuyến đò ngang cũng vào quán bắn điếu thuốc lào uống chén nước chè, kể vài câu chuyện tầm phào. Và đông vui nhất vẫn là những ngày chợ. Người ở bên kia sông, người bên này đợi. Họ chào hỏi nhau, kéo tay nhau ríu ra ríu rít. Những buổi chiều muộn, vắng khách, quán nằm chơ hơ cùng con thuyền gối bãi. Vài ba thanh niên rảo bước trên cát đi về quán.

Ngày tháng dần trôi, cóp nhặt từng đồng, tần tiện chi tiêu cũng ra tấm ra món. Gái theo học tại trường làng. Gọi là trường cho oai chứ đó là những lớp học dựng cấp tốc trong vườn mía. Và như đã thành công thức, buổi sáng đi học, trưa về Gái con hái rau dại. Khi thì nắm xương cá, lúc lại cần dại, ít thì tàu bay. Buổi chiều đỡ bố đun siêu nước, pha ấm chè, rót nước mời khách. Và cái tuổi xuân tuổi nụ của gái cứ phơi phới. Mấy cậu học sinh cấp ba nhà ở bên kia sông sang bên này học cũng liếc mắt đưa tình miệng xuýt xoa.

Gái sáng dạ. Đọc thông viết thạo, tính toán lưu loát. Có lúc nó thay thầy đi lấy hàng. Hàng lấy tận bên bà Béo. Cứ đến bà Béo mà lấy. Khi thì cối thuốc lá cuộn, dăm cuộn bánh gai, mấy chục phong thuốc lào Tiên Lãng. Được cái, bà cho chịu đến cả tháng. Tháng sau đến ngày mồng năm là thanh toán.

Quán dựa vào gốc đa. Khi đợi đò giang, dân tình ngồi túm năm tụm ba dưới gốc. Rễ đa buông xuống gân guốc. Rễ trông xa như cánh tay lực sĩ nằm nghiêng trên cành buông thõng cánh tay xuống đất. Có đoạn rải mành mành, rễ nhỏ, rễ to quấn quít, thân sù sì, cành lá sum suê. Thăng bằng. Cây đa vững chãi, tạo cảnh quan cho cái quán cóc này. Quán dựa vào cây, như đứa con dựa vào lòng mẹ chờ sự chở che quanh năm, suốt tháng.

Thế rồi, trời cũng thương lão, thương cái quán bên bờ sông. Thời gian trôi nhanh, Gái cũng học sang lớp mười. Từ quán cóc đến trường cấp ba đi bộ cũng vừa vặn ba mươi phút. Lắm lúc, lão ngồi thở dài: Thật cũng may cho mình chứ nếu học xa, không khéo con bé cũng thất học chứ chẳng bỡn.

Anh cu Nhỡ làm nghề đánh cá. Thuyền mủng được ông bác ruột cho mượn những ngày cơ hàn. Nhà cu Nhỡ cách quán độ dăm mươi mét, xuôi về phía nam. Cu Nhỡ đã chuyển nghề. Từ  nghề đánh cá nó chuyển phắt sang nghề sơn tràng. Được dăm bữa, nửa tháng lại chuyển sang nghề khai thác gỗ lũa. Lắm lúc nằm nghĩ: Nghề với nghiệp cứ chuyển tanh tách thế này biết đâu mà lần, không khéo lại đổ bể có ngày. Nhưng lạ chưa, nó lại phất lên. Phất lên trông thấy.

Đó là sự kiện ông chủ tịch tỉnh về thăm làng bên kia sông, quy hoạch lại con đường vành đai cấp tỉnh. Những lúc đợi đò, thấy Nhỡ đang cưa cưa đục đục thân gỗ, chủ tịch lại gần. Một thân gỗ cao đến hai phần ba thân người, chỗ lồi, chỗ lõm, chỗ thấp, chỗ cao, chỗ dang thăng bằng như hình người kéo lưới. Mắt lưới là những sợi cây được bào mòn để lại khoảng trống hình bình hành đều  nhau. Ông nheo mắt, để xa, xoay gần, say sưa hỏi giá:

- Cái cục này anh ra giá bao nhiêu?

Nhỡ dừng tờ giấy ráp:

- Ông trả một câu cho con vui xem sao?

Vẫn giọng sang sảng, ông chủ tịch thận trọng:

- Của là của anh, anh bán, tôi mua. Mà đã bán, anh phải ra giá, ngã giá, chứ biết đâu mà tôi trả.

Nhỡ lại cầm tờ giấy ráp đánh tiếp:

- Ông trên tỉnh sành chơi. Ông ra một câu, con ra một câu rồi cưa đôi. Hai bên thỏa thuận là xong.

Chủ tịch cười:

- Cái anh này cũng vui tính đáo để? Thôi thế này: Tôi ra trước hay anh ra trước. Thế này nhé: Đằng nào cũng vậy, tôi trả anh hai mươi triệu. Hai mươi  triệu cả cái cục kia nữa. Nhưng anh phải khuân lên xe cho tôi với. Có được không?

Nhỡ dừng tay:

- Ông cho thêm một tý nữa? Con kéo cục này từ giữa sông về đấy. Mà phải thuê thợ lặn, thuê thuyền máy mới kéo được về. Chứ có đơn văn giản đâu.

Thuyền đã cập bến, thư ký che ô, tay xách cặp thúc giục:

- Thôi, đi anh. Khi về tính toán cũng không muộn.

Nhưng tính đã quyết thì phải dứt điểm. Chủ tịch cho một lời cuối:

- Thôi, cho thêm một triệu. Một triệu bù vào công lênh thuyền bè, thuê mướn. Thuận buồm xuôi gió, dứt điểm thì lúc về cho lên xe. Bằng không thì chấm hết.

Nhỡ dạ một câu.

Chiều hôm ấy, cây lũa được đưa về tỉnh bằng chiếc xe Gat. Hôm đó có sự chứng kiến của cha con lão bán hàng nước.

Gái lớn lên, càng lớn càng xinh. Nước da trắng ngà. Mấy anh bên kia sông học cùng cấp ba rủ Gái sang xóm bên. Nhiều lần còn đem cho Gái quả bưởi ngọt hay nắm hoa cải vàng. Dần dà hóa quen. Và như suy tính, như dự báo, một lần sau bữa cơm chiều, ông gọi Gái và khuyên nhủ:

- Con đã lớn rồi? Tuổi con, con tự quyết định?

Gái không nói gì. Cứ nhìn ông trân trân:

- Thầy nói gì con không hiểu?

- Thầy nói là nói cái này. Con sáng dạ, học hành là tốt. Thầy cũng mở mày mở mặt với bàn dân thiên hạ. Nhưng con tốt nghiệp, đi học tiếp, thầy nuôi sao nổi con. Lấy đâu ra tiền trọ, tiền học phí, tiền giấy bút hả con. Nhà ông Cử bên kia sông có anh Minh làm nghề sơn tràng cũng quý con, cũng ưa con. Hay là con thương bố làm dâu nhà người. Bố già, bố quy tiên thì cũng mát mày mát mặt.

Gái không nói gì và chạy vào trong bếp giọt ngắn vắn dài.

Ông lại gọi ra:

- Thầy nói là nói thế ấy. Chứ  thầy không bắt con phải chiều. Đời con, con liệu là chính.

Lúc này, Gái mới lên tiếng:

- Con còn tý tuổi, chưa báo đáp gì. Hay để thư thư có được không thầy?

Ông lão không nói gì. Cứ thở dài.

Truyện dự thi: Bóng đa ven sông - Ảnh 2.

Lớn lên, Gái giúp phụ bố bán chè xanh. Khi lại lấy hàng. Thêm cặp đi lấy củi cùng chúng bạn. Những lúc rảnh rỗi, Gái sang bên kia sông. Gái thích chui luồn vào những rạch mía.

Gái hay mặc áo hoa, cổ cánh sen. Cứ sáng sáng Gái đi gánh nước tại cái giếng trong làng, nơi xa xa bờ sông. Buổi chiều, Gái đi lấy củi, nhiều lúc Gái lại thay bố bán hàng. Lớn lên, Gái ít ngồi quán. Bởi để tránh những câu bông đùa của bạn bè cùng trạc. Gái còn tránh mặt những chàng trai hay có tật ngồi lỳ. Biết vậy, ông lão cũng mừng con mình đã lớn, không hổ thẹn trước vong linh mẹ nó. Những lúc Gái lầm lỳ, ít nói là lão lại đứng trước ban thờ. Hình như lúc ấy lão thấy mình có tội thì phải. Lại vẫn câu thầm thì: Bà nó ơi… Hình như buồn hay vui là ông hay đứng trước ban thờ để giãi bày, để trò chuyện.

Gái đỗ đại học. Cả làng vui. Một xóm nhỏ bên bờ sông lại có cô học trò thi đỗ. Cả làng lấy đó làm hãnh diện, làm thước đo. Nhưng đợt ấy, Gái lại buồn. Gái hay nhìn ra xa, nhìn ra cả bên  kia bờ sông. Hình như có điều gì Gái muốn tâm sự thì phải.

Chỉ có ông lão biết. Lão bán hết đồ đạc sắm sanh. Cái gì dễ bán là bán. Cái gì  trao trác thành tiền là bán. Nhưng cũng đến ngày thứ ba thì Gái nói với ông thế này:

- Thầy à, thầy chẳng cần bán gì sất. Con đi học, thầy không lo cả đời cho con  được. Thầy già rồi, không nuôi nổi con bốn năm đại học được đâu.

Lúc đó, ông lão chẳng nói chẳng rằng quệt ngang giọt nước mắt. Chắc ông thương Gái lắm.

Biết chuyện, anh Nhỡ cũng sán lại. Sán lại mà gặng hỏi xem binh tình bên đó thế nào. Rằng có lo cho con  đi học được hay không? Rằng nếu thiếu thiếu tý tiền thì anh cho vay. Gọi là đỡ đần cho nhau chứ lãi với lời gì. Không cần phải suy. Bởi Gái cũng giúp chú nhiều việc. Những lúc rảnh, Gái hay sang nhà. Khi thì đánh  giấy ráp, lúc thì vận chuyển những đầu thừa đuôi thẹo vào bếp. Lại còn mài đục cho anh cu Nhỡ nữa. Tất cả nền kinh tế gia đình anh cu Nhỡ trong chờ ở cây lũa. Tất cả là cũng trông chờ ở cái dòng sông đựng trong mình những cây, những chạc này để mà gọt, mà đẽo, để mà thành hình. Thế đấy.

Ông lão ủ niềm vui hy vọng vào đứa con Gái như giữ lại chứng nhân lịch sử của gia đình chạy loạn. Ông muốn thấy lại gương mặt của con thấp thoáng gương mặt của mẹ nó. Ông muốn được nghe giọng nói của nó. Gì gì đi nữa, con nhà tông không giống lông cũng giống cánh cơ mà. Tất cả niềm tin yêu dồn hết vào Gái con. Và Gái cũng hiểu những nghĩ suy trong con mắt bố. Nó vội vã đi lấy rau dại về. Nó lại tất tưởi  xuống sông gánh nước, tưới tưới tắm tắm vào những buổi chiều. Những ngày chủ nhật, nó sang nhà chú Nhỡ để chơi với lũ trẻ. Và như đã thành thói quen, nó được chú Nhỡ cho sờ vào sản phẩm lũa vừa mới ra đời. Bàn tay con gái dù sao nó cũng nhẹ hơn. Tính nết con gái dù sao cũng thùy mị hơn. Chú Nhỡ thường dạy con chú là vậy. Những lúc ấy Gái như mua được niềm vui trong món đồ vừa mới được gọt giũa xong, chuẩn bị cho khách hàng trên tỉnh về mua. Nhỡ tin tưởng ở khả năng của Gái và nhiều lần đã giao cho nó tự mày mò công việc, tự mài nhẵn và thửa lại một phần sản phẩm.

Thế rồi, một ngày kia, vào buổi chiều mùa đông, nó đang hoàn thiện sản phẩm cặp hươu gỗ cao chừng mét rưỡi để xuất  xưởng cho một đại gia phố trên thì bố nó gọi vọng sang:

- Gái con đâu nhỉ? Về ngay thầy nhờ.

Gái dạ. Thoắt cái nó đã về tới sân. Đợi vãn khách, bố nó kéo lại mà thủ thỉ:

- Con có thương  thầy  không? Theo thầy thì con nên đi học tiếp. Những nợ nần, trang trải rồi thầy khắc lo liệu.

Nó dạ. Bao giờ cũng vậy. Đúng sai nó cũng dạ. Phép tắc là vậy.

Gái vừa đun siêu nước, vừa phụng phịu:

- Con thương thầy lắm. Thương là thương vậy nhưng con không đi được.

Thấy bố nó buồn, đang quay mặt về phía bến, nó giảng giải:

- Thầy đã già rồi. Nhà mình chỉ có mình con. Con đi vắng, ai đỡ đần thầy? Những lúc ốm đau, thầy trông cậy ra sao hà?

Bố nó suy nghĩ thế này thì nó lại lái sang phía khác. Ông thủng thẳng:

- Thầy cũng dành dụm được ít tiền. Thầy đã dự đoán được cái ngày này. Cái ngày mà con khôn lớn, cả làng cả tổng biết con đỗ là mừng. Con đi để cả làng cả xã rạng mày mở mặt với xã khác.

Gái con úp bát, pha trà:

- Con đi, thầy cả đời nợ. Hết cái nợ này gối thêm cái nợ khác. Làm sao con không hiểu được lòng thầy. Sức thầy là vậy, cái nhà này thu nhập chỉ vừa đủ ăn, đủ tiêu, tằn tiện. Hôm qua con còn thấy thầy mượn tiền chú Nhỡ. Chú ấy tốt, nhưng mượn thì dễ, trả thì khó. Thầy còng lưng làm, miệt mài làm cũng không gánh nổi số tiền theo học đâu thầy.

Từ nãy đến giờ, lão vẫn quay sang phía bến sông quê. Bất chợt ông quay sang:

- Con hãy chắp tay trước ban thờ mẹ con Con hãy nói những điều con muốn, xem mẹ con có nghe không?

Nó biết bố nó giận lắm. Cơn bực tức đến đỉnh điểm. Gái tiến lại ban thờ nhưng một mắt vẫn dõi theo ông. Nó đứng lúc lâu, sụt sịt, quệt ngang giọt nước mắt. Hình ảnh mẹ thấp thoáng trước mặt. Mẹ đeo nón cười duyên với nó khi đi chợ về. Một tâm trạng day dứt, biết nói gì đây. Nó mếu máo chắp tay quỳ:

- Con lạy u, ngàn lần con lạy u. Con nghe lời u đã học hành tử tế để không hổ danh thầy con là dân chạy loạn. Nay con thi đậu đại học. U ơi! Nếu u đồng ý con đi, cả đời khổ thầy. Một tháng con tiêu pha trên tỉnh bằng ba tháng thầy con và con ăn ở nhà. Mong u đại xá cho con không đi học nữa. Chỉ một lần này thôi, con hứa sẽ xin việc tại huyện để đỡ đần thầy con. Nhìn bộ dạng thầy con, con không thể dứt áo ra đi được.

Nó chắp tay vái ba lạy và chạy xuống bếp ngồi thụp xuống. Nó khóc trong cả lồng ngực, trong cả cuống họng, hai vai rung lên.

Từ nãy đến giờ, bố nó vẫn ngồi trên phản, tay cầm quạt nan, thở dài.

Hai tháng sau, ở làng bên kia sông, thuyền nan vẫn tấp nập đôi bờ. Người bước xuống thuyền, kẻ lên chuyến đò ngang sang bên này sông. Bóng chiều tà như chiếc trâm cài đầu màu vàng xiên ngang cùng con nước. Và thế rồi, một ngày thứ bảy, Gái còn nhớ rõ có một gia đình sang bên này gặp ông thưa vài câu chuyện. Nhỏ to, thấp thỏm, họ cười cười nói nói. Lúc đó Gái đang gánh nước từ cái giếng làng về. Họ nói gần, nói xa. Thì ra bên kia đặt vấn đề có chỗ đi lại để kết tình thông gia. Năm ấy tháng ấy, Gái đi làm hợp đồng. Xưởng lũa xuất khẩu đã nhận Gái vào làm. Họ nhận vì một  phần nể trọng ông làm đồ lũa tên Nhỡ xin hộ.

Nhưng ông trời chẳng thương cho hoàn cảnh cái gia đình bé nhỏ này. Mùa hạ năm 1985, cơn dông bất chợt đổ bộ lên mảnh đất nơi đầu nguồn. Nước chảy như vỡ bờ. Mưa hết ngày này qua ngày khác. Mưa dầm dề, đến sốt ruột. Bỗng một hôm, trời quang, mây tạnh. Mây vàng xé toạc bầu trời ủ rũ. Nóng nực lại phủ kín mặt đất. Cỏ cây xác xơ, dòng chảy lặng tờ, bờ cát chạy dài nóng bỏng. Từng con thuyền đã dạt vào bờ  để núp dưới bóng cây. Bóng người rảo bước trên bến thưa dần. Rồi, trong đêm tối, bỗng lạnh, đanh, chát chói, một tiếng nổ đoành, hai tiếng nổ đoành như đại bác. Gió xoáy tít thành vòng ổ rơm. Càng rộng, gió giật tung lên không trung những rác rưởi. cây cối ngả nghiêng. Rào rào, ù ù.  Bầu trời lại xám xịt như đêm ba mươi. Một tiếng nổ giòn xé toang, lóe sáng cả một vùng đất bên cây đa bến sông. Đứng từ xa, đã thấy nhà ông lão cháy ngùn ngụt. Cây đa làng toác làm hai. Trong đêm tối nhìn rõ nó thành hình chữ V. Không một tiếng kêu cứu. Cả căn lều im như câm. Sau tiếng nổ, sau cơn mưa xối xả, mọi người mò mẫm đến. Đi đầu là anh cu Nhỡ.

Hai cha con ông lão đâu? Anh Nhỡ rảo bước chạy nhanh. Bên trái nhà là ông lão, sét đánh tím bầm chân bên trái. Còn cô bé Gái đã bị gió lửa xô dạt trên giường đang bốc khói. Mọi người hô hoán vào cứu. Ông lão được đến bệnh viện. Trước khi nằm trên băng ca, ông cố nhoài người ra nói không thành tiếng:

- Con Gái của thầy đâu rồi! Ôi con tôi!

Hai tuần sau vụ kinh hoàng đó, lão đã dần khỏi. Gái con bị ảnh hưởng sét đánh bên cạnh nhưng bị ngất. Ông lão một chân vẫn còn tập tễnh bước thấp bước cao. Còn Gái bị cháy xám một bên má. Gái con nằm bệnh viện điều trị đến hơn một tháng. Và cũng may cho Gái, bệnh viện tỉnh có một đoàn chuyên gia người Đức đến học tập và chia sẻ kinh nghiệm. Những câu chuyện bị điện giật, bị sét đánh đến tay bác sĩ nước ngoài chữa trị đúng phác đồ là nhanh bình phục. Ông trời vẫn còn chút thương tình cảnh cái gia đình bé nhỏ này. Những ngày tiếp theo, ông cùng Gái nghe theo lời ông bác trưởng tộc ở quê cứ nằng nặc yêu cầu trở về sống tại bên nội – quê nhà.

Thời gian lặng lẽ trôi. Đã hai năm rồi, sau tai nạn kinh hoàng xảy ra, ông lão cùng Gái con lên thăm bến sông cũ. Lão ngước mắt nhìn phía cây đa. Giờ đây, nó đã bị chẻ thành hình chữ V. Rễ cây vẫn tua tủa rải mành mành buông đều xuống hai phía, cân đối như cánh của con bướm khổng lồ. Cảnh ấy gợi cho Gái con biết bao câu chuyện buồn vui.

Dân trong làng thấy ông đến mừng mừng tủi tủi giữ ông ở lại. Cả hai hàn huyên câu chuyện, kể lể sự tình. Họ biết ông lão được bà con chòm xóm bên nội giữ ở lại quê. Ông được ở nhà người bác ruột. Nhưng theo ông thì từ khi về quê, hồn bay phách lạc, cứ chiều chiều ra ngẩn vào ngơ. Ông vẫn nhớ bến sông Đào Thịnh này. Nơi có cái quán dựng bằng tre. Cái quán đơn sơ nhưng tấm lòng rộng mở. Ông lại nhớ tới cái tai nạn khủng khiếp ngày nào. Lục lọi trong trí nhớ, hình ảnh cái quán cóc bên bờ sông thấp thoáng… in đậm.  Cái thời ấy sao vui vầy là vậy. Bà con bên kia sông khi quá giang lại vào quán của ông để tâm sự. Những chuyện vui, chuyện buồn vẫn được giãi bày.

Ông đứng lặng im trước dòng sông. Gái con đăm đắm nhìn sang bên kia. Giờ đã là tháng ba, hoa cải vàng pha lẫn màu xanh bên kia bờ, quét dọc bờ sông. Cô còn nhớ tới bó hoa cải của một thanh niên bên kia dòng ôm sang tặng ngày nào… Gái con nhìn xuống dòng nước, rồi quay sang chú Nhỡ:

- Chú Nhỡ! Em Bình đã đi đâu rồi?

Nhỡ quay sang:

- Nó giống hệt tính cháu. Thi đậu tốt nghiệp, không đi đâu suốt. Nó sợ bố lặn lội thân cò, thế là chú xin cho nó một công việc tại huyện nhà. Em làm việc tại công ty giống cây trồng, lương ba cọc ba đồng, nhưng cứ thứ bảy lại được về giúp đỡ dăm ba việc, gọi là cho vui cửa vui nhà ấy mà.

Nói rồi, Nhỡ đăm đắm nhìn sang bên kia bờ sông và quay sang ông lão:

- Thôi ông ạ. Giàu thì giàu rồi. Ông về  với chúng tôi đi. Chúng tôi sẽ dựng lại cho ông một cái quán khác. Quán sẽ ở gần nhà tôi, để bà con sớm tối đi về còn về đây hút thuốc, còn tìm đến niềm vui của một bến quê.

Lão không nói gì. Khuôn mặt buồn buồn.

Nhỡ lại quay sang:

- Việc thờ tự ở quê, bên nội ông ấy, đã có bác cả, trưởng dòng họ, ông khỏi phải nghĩ suy. Những ngày giỗ tổ, ông về cùng hương khói. Như vậy cũng là trọn nghĩa, vẹn tình. Ông ở với chúng tôi, chúng tôi mới có câu chuyện chia sẻ. Những cơn bĩ cực, những lúc cam lai, có ông, cái  bến này thêm phần sôi nổi. Chén trà chuyền tay, câu chuyện thêm hâm nóng, cứ vậy ông  nhá.

Nhỡ lại quay sang Gái:

- Gái à! Cái anh bên kia sông hay sang uống nước bên quán cóc ấy, cháu còn nhớ không? Anh ấy vẫn hỏi thăm tới ông và vẫn luôn miệng nhắc tên cô đấy.

Gái con nhìn sang bên kia, cúi xuống mỉm cười. Cô lặng lẽ vẽ lọ lục bình trên cát. Nhìn sang bên bờ bên kia, có bóng ai đang rảo bước. Hình như… Bên kia sông, hoa cải đang trổ hoa vàng vàng. Cái màu hoa đang đón cơn mưa lất phất.

Lại một cái quán mọc trên bến sông Đào Thịnh. Nhưng lần này, quán không ở vị trí cũ. Mặt quán quay xéo góc với cây đa làng. Giờ đây, quán đã là mái nhà của bến sông. Nó giữ lại những kỷ niệm của một bến sông quê.

Truyện dự thi: Bóng đa ven sông - Ảnh 3.