Vụ việc ông Lương Hữu Phước nhảy lầu tử vong để kêu oan đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Như Dân Việt đã thông tin, sáng ngày 29/5, tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ", Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bình Phước đã tuyên y án sơ thẩm đối với bị cáo Lương Hữu Phước (SN 1965, trú phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), với mức án 3 năm tù giam.
Sau khi nghe tòa tuyên án xong, ông Phước rời khỏi tòa án. Tuy nhiên, vào buổi chiều cùng ngày, ông Phước đột ngột trở lại trụ sở TAND tỉnh Bình Phước, lên lầu 2 và nhảy xuống đất tử vong.
Tòa, viện cấp cao rút hồ sơ lên xem xét
TAND Tối cao đã yêu cầu VKSND tỉnh Bình Phước báo cáo toàn bộ vụ án liên quan đến ông Lương Hữu Phước (55 tuổi, ngụ TP Đồng Xoài).
Liên quan đến vụ án này, VKSND Cấp cao tại TP HCM cũng đã rút hồ sơ lên xem xét, kể cả những đơn kêu oan của ông Lương Hữu Phước và đơn kêu oan của người vợ sau khi chồng qua đời.
Theo lãnh đạo VKSND Cấp cao tại TP HCM, nếu thấy bản án phúc thẩm lần 2 của TAND tỉnh Bình Phước có vấn đề thì cơ quan này sẽ kháng nghị giám đốc thẩm bản án để xem xét theo đúng quy trình, quy định của pháp luật hiện hành.
Nhiều tình tiết chưa rõ ràng
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư Tp Hà Nội cho biết, theo kiến nghị của người bào chữa, nội dung kêu oan của ông Phước và thái độ của ông Phước sau khi tuyên án phúc thẩm thì Tòa án nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao cần phải xem xét lại vụ án này một cách thấu đáo.
Nói về vụ án vị luật sư cho biết, trong vụ tai nạn giao thông, việc ông Quý thiệt mạng là hậu quả nghiêm trọng. Bởi vậy, nếu cơ quan tố tụng có căn cứ cho thấy Lâm Tươi hoặc ông Phước có lỗi thiếu chú ý quan sát hoặc không làm chủ tốc độ thì người có lỗi gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp có lỗi hỗn hợp (cả hại người điều khiển phương tiện giao thông đều có lỗi dẫn đến hậu quả vụ tai nạn) gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể khởi tố hình sự cả hai người điều khiển phương tiện giao thông theo nguyên tắc: Cứ có lỗi trong quá trình tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì người có lỗi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Trong vụ án này điều bất ngờ là Lâm Tươi vi phạm nồng độ cồn, không có giấy phép lái xe, là người được xác định đã tông xe vào xe của ông Phước dẫn đến hậu quả ông Quý (người ngồi trên xe của ông Phước) tử vong, ông Phước bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu nhưng Lâm Tươi chỉ bị xử phạt hành chính với số tiền 4.500.000 đồng còn ông Phước lại bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải chịu hình phạt rất nghiêm khắc đến 03 năm tù.
Chính điều này đã khiến ông Phước bức xúc và dẫn đến hành động tự tử để phản đối nội dung của bản án.
Theo nội dung các bản án, kết luận điều tra, cáo trạng và diễn biến tại phiên tòa, quan điểm của người bào chữa và nội dung kêu oan của ông Phước cho thấy vụ án này có nhiều nội dung cần làm rõ như sơ đồ hiện trường có rõ ràng hay không; các dấu vết thu thập được trên hiện trường thể hiện lỗi, hành vi của hại bên như thế nào; lời khai của người làm chứng để xác định điểm va chạm, việc bật đèn tín hiệu, khả năng quan sát, tốc độ....
Việc bị cáo có bật đèn cảnh báo khi sang đường hay không thông qua việc kiểm tra xe, lời khai bị cáo và người làm chứng; xác định bị cáo có nồng độ cồn là đúng thủ tục hay chưa; tốc độ của xe máy do Lâm Tươi điều khiển như thế nào khi bánh xe của Lâm Tươi biến dạng hoàn toàn, ông Phước cho rằng Lâm Tươi khai tốc độ 60km/h, trong khi đoạn đường nội thị pháp luật quy định không quá 40km/h; khoảng cách giữa hai xe khi ông Phước chuyển làn là bao xa?...
Chính bản án phúc thẩm lần thứ nhất cũng đã chỉ ra nhiều sai sót vi phạm về thủ tục tố tụng, chưa đủ căn cứ để buộc tội đối với bị cáo nên đã hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại", luật sư Cương phân tích.
Cũng theo vị luật sư, diễn biến của phiên tòa và nội dung kêu oan thì quá trình điều tra lại không bổ sung được những chứng cứ buộc tội nhưng tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm vẫn kết tội bị cáo và không xử lý người tông xe vào bị cáo.
Sơ đồ hiện trường vụ án để xác định khoảng cách giữa hai xe trước khi xe của ông Phước chuyển làn là rất quan trọng. Khoảng cách của hai xe sẽ xác định được khả năng quan sát của Lâm Tươi, với khoảng cách đó thì Lâm Tươi có đủ thời gian để xử lý tình huống hay không, tốc độ của Lâm Tươi như thế nào đối với khu vực đó?
Theo nội dung vụ án thì Lâm Tươi đang có nồng độ cồn cao, lại không có bằng lái xe, vậy Lâm Tươi có đủ tỉnh táo, có hiểu biết về luật giao thông đường bộ và có đủ kỹ năng để xử lý tình huống này hay không?
Theo luật sư Cường, còn rất nhiều câu hỏi đặt ra trong vụ án này chưa được các cấp xét xử giải quyết thấu đáo.
"Vấn đề này bản án sơ thẩm và phúc thẩm lần hai đều chưa rõ, gây tranh cãi tuy nhiên tòa án vẫn kết luận ông Phước có lỗi và kết tội đối với ông Phước, chỉ phạt hành chính đối với Lâm Tươi là chưa thỏa đáng.
Một tình tiết cũng quan trọng là cơ quan tố tụng xác định khi di chuyển sang đường thì ông Quý đã vươn người chồm lên tay lái của ông Phước khiến xe của ông Phước bị đổ, xác định ông Quý có lỗi một phần nhưng do ông Quý đã tử vong nên không xử lý", vị luật sư phân tích.
Theo ông Cường, nếu đây là kết luận chính thức của cơ quan tố tụng thì lỗi gây ra vụ tai nạn là ông Quý chứ không phải ông Phước, với tình huống như vậy thì ông Phước hoàn toàn không có lỗi.
Việc ông Quý làm đổ xe dẫn đến việc di chuyển của chiếc xe này không thực hiện được nữa, là nguyên nhân từ phía ông Quý chứ không phải ông Phước.
Trong khi đó, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Lê Bá Thường (đoàn Luật sư TP.HCM), cũng cho rằng tuy ông Lương Hữu Phước đã chết nhưng theo quy định của pháp luật tố tụng, việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào.
Luật sư Thường cho biết: Thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm là Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
"Khi TAND cấp cao, VKSND cấp cao xem xét lại vụ án này theo thủ tục giám đốc thẩm, cần phải thực hiện một cách thấu tình đạt lý, để cho ông Phước ra đi thanh thản và dư luận xã hội thấy được sự công tâm, khách quan và thỏa đáng của các cơ quan tố tụng.
Đồng thời, nếu có căn cứ cho thấy vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm hoặc bị oan sai thì cần hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại", luật sư Thường nói.
Theo luật sư Thường, trong vụ án này đang có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Ông phân tích: Như chúng ta biết cả ông Phước và Lâm Tươi đều có lỗi là có nồng độ cồn quá mức cho phép, riêng Tươi còn không có giấy phép lái xe.
Ông Phước bị tòa xử với mức án 3 năm tù giam.
Trong khi đó, Lâm Tươi chưa có giấy phép lái xe, có nồng độ cồn trong hơi thở quá mức cho phép lúc xảy ra tai nạn làm chết ông Quý. Tuy nhiên, Tươi lại được xác định với tư cách "người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan" trong vụ án gây chết người và chỉ bị xử phạt hành chính 4,5 triệu đồng.
Lâm Tươi không có giấy phép, lại có cồn trong người mà cơ quan điều tra không khởi tố bị can với người này, là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.