Sinh năm 1970 tại Huế, tuổi thơ của Lợi kết bạn với trái bóng từ rất sớm. Tình yêu sân cỏ được gieo mầm và lớn dần lên trong Lợi theo những cú dượt bóng với bạn bè cùng trang lứa trên sân tập Trần Phú (Bình Thạnh) hay những buổi "bám đuôi" người anh trai Hồ Văn Tam, cũng là một cựu cầu thủ của Cảng Sài Gòn, đi tập hoặc thi đấu.
Mê bóng đá từ nhỏ, ao ước trở thành một cầu thủ, nhưng những bước đầu tiên chập chững vào nghiệp bóng, giấc mơ ngọt ngào của cậu bé Lợi tưởng chừng như đã vỡ vụn trước thực tế nghiệt ngã. Năm 17 tuổi, Lợi thi tuyển vào lớp năng khiếu bóng đá TP HCM và… bị loại ngay từ "vòng gửi xe" vì thể hình quá nhỏ bé.
Không bỏ cuộc, Lợi nhờ anh trai xin vào đội Cảng Sài Gòn làm "tạp vụ" nhặt bóng, xách giầy cho các bậc cầu thủ đàn anh… Thế rồi trời cũng không phụ người có lòng. Sau 2 năm ròng rã "học việc" không lương, Hồ Văn Lợi cũng tìm thấy cơ hội tại mùa bóng 1990-1991. Mùa đó, Cảng Sài Gòn thiếu hụt nhân sự trầm trọng và phải đối diện với nguy cơ rớt hạng, Văn Lợi được tung vào sân trong trận gặp Thể Công ở Hải Phòng. May mắn đã mỉm cười: Lợi ghi bàn thắng đầu đời, gỡ hòa 1-1 cho Cảng đúng vào phút 89. "Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in bàn thắng đó bởi nó góp một phần giúp Cảng trụ hạng và tôi trở thành thành viên chính thức của đội. Hồi đó, trở thành cầu thủ của Cảng đâu có dễ...", Lợi từng tâm sự như vậy với báo giới về những ngày đầu gian khó của mình.
Dưới màu áo của Cảng, Lợi "chín" dần qua từng mùa bóng và trở thành một "quái kiệt" trong "đoàn quân" của HLV Tam Lang. Với thể hình "khiêm tốn" mà mỗi khi cởi áo ra ăn mừng bàn thắng trông giống như một cậu bé mới lớn, Lợi không có tố chất thiên bẩm hứa hẹn thành ngôi sao sân cỏ. Ấy vậy mà, cầu thủ có chiều cao chỉ nhỉnh hơn 1m60 một chút này lại trở thành "sát thủ cầu môn" trong vai trò của một tiền vệ.
Mùa giải 2001-2002, Văn Lợi đăng quang danh hiệu Vua phá lưới với 9 bàn thắng, góp một phần không nhỏ đưa Cảng Sài Gòn bước lên ngôi vô địch. Nhìn lại cả 5 mùa chuyên nghiệp đã qua, cầu thủ có cái biệt danh ngồ ngộ "Tiếu già" này là một trong hai cầu thủ Việt có được cái vinh dự "làm vua" giữa thời lạm phát các chân sút ngoại.
Ngược lại, ở cấp độ đội tuyển quốc gia, thì dường như Hồ Văn Lợi không có "duyên phận". Ba lần cùng Cảng Sài Gòn vô địch ở giải vô địch quốc gia (1994 - 1997 - 2002), 2 lần đoạt Cup quốc gia (1992 và 2000), nhưng chưa một lần giấc mơ khoác áo đội tuyển quốc gia chơi ở SEA Games hay Tiger Cup của Lợi trở thành hiện thực. 3 lần được gọi vào đội dự tuyển dưới thời của HLV Murphy, A.Riedl và Calisto thì cả 3 lần tiền vệ có lối chơi sáng tạo này đều phải ở nhà vào phút cuối. Có lẽ thể hình quá thấp bé lại một lần nữa "hại" Lợi trước "thước ngắm" của các HLV ngoại chăng? Mặt khác, Lợi cũng "sinh bất phùng thời" vì thời điểm ở đỉnh cao phong độ của anh cũng là lúc lớp "cầu thủ vàng" Hồng Sơn, Quang Hà, Việt Hoàng, Huỳnh Đức, Sỹ Hùng… tỏa sáng rực rỡ ở đội tuyển quốc gia.
Lận đận đường đời
Mùa bóng 2003 là mùa đen tối nhất của Cảng nói chung và của Lợi nói riêng ở sân chơi V-League. Cảng Sài Gòn xuống hạng và chuyển phiên hiệu thành “hỗn hợp” Thép-Cảng. Đồng đội cùng trang lứa lớp treo giầy giải nghệ, lớp trôi dạt tứ xứ, người cha tinh thần Tam Lang cũng ra đi, Hồ Văn Lợi đã định "gác kiếm" về với gia đình mở quán nhậu để kiếm đường sinh nhai ngoài bóng đá.
Thêm một "tin dữ" khác đến với Lợi cũng trong năm 2003 từ cái bản "danh sách đen" bấy lâu vẫn ám ảnh làng bóng. Chẳng hiểu bằng cách nào mà một số cái tên cầu thủ trong bản danh sách VĐV, HLV, chỉ đạo viên nghi ngờ dính líu tiêu cực mà cơ quan điều tra gửi cho LĐBĐVN tham khảo, vốn được các quan chức Liên đoàn "bảo mật" kỹ lưỡng, lại lọt lên… mặt báo, trong đó có tên Hồ Văn Lợi.
Có một giai thoại kể rằng, khi đọc báo thấy tên mình, Lợi cũng đã ngỡ ngàng, điện thoại cho một phóng viên thể thao chỉ để hỏi một câu duy nhất: "Em "dính" thật không anh?". Chuyện đó không có hồi kết đúng hay sai, chỉ biết Lợi đã làm đơn xin nghỉ và quán ăn của "Tiếu già" Hồ Văn Lợi cũng đã mở cửa đón khách. Thế nhưng, rồi không cưỡng được lời "cầu cứu" của BHL Thép-Cảng, Lợi "tái xuất giang hồ" để cùng các đồng đội giải cứu đội bóng lên hạng ở mùa bóng 2004. Thêm một mùa 2005 giúp đội trụ hạng, mùa này, Lợi cũng tính "cày" nốt rồi xin nghỉ đi làm HLV hoặc quay trở lại đời tìm "đường binh" khác giúp gia đình.
Vào 15 giải VĐQG 2006, Lợi còn ghi bàn cho Thép-Cảng trong cuộc đối đầu với Bình Dương. Vậy mà, cú đốt lưới "Chelsea Việt Nam" ở phút 79 đó lại là bàn thắng cuối cùng của cầu thủ này trước khi gia nhập "đội bóng" T16 để trả giá cho những sai lầm của quá khứ, liên quan tới vụ mua chức vô địch của SLNA. Từ "danh sách đen" đến "tiền đen", những cơn mộng mị không lành ám ảnh cuộc đời đá bóng của Lợi để rồi cuối con đường ác mộng trở thành sự thực. Một danh thủ không có thảm đỏ đón chân vào đời, và thay cho hoa hồng là song sắt trại giam...