Dân Việt

Mỹ có nên “dè chừng” oanh tạc cơ mới này của Trung Quốc?

Đức Công 04/06/2020 19:00 GMT+7
Dù máy bay ném bom H-20 của Trung Quốc vẫn còn là một ẩn số, vẫn có những lí do khiến các nhà phát triển vũ khí Mỹ nên cẩn trọng với chiếc oanh tạc cơ này.
Mỹ có nên “dè chừng” oanh tạc cơ mới này của Trung Quốc? - Ảnh 1.

H-20 theo tưởng tượng của một họa sĩ (Ảnh: Weibo)

Trung Quốc dường như đang chuẩn bị để công bố chiếc oanh tạc cơ tàng hình H-20 của nước này. Theo nguồn tin từ The New Zealand Herald, H-20 sẽ ra mắt công chúng tại triển lãm hàng không Zhuhai năm nay. Song, việc này còn tùy thuộc vào diễn biến dịch Covid-19.

Theo các đánh giá, H-20 có tiềm năng trở thành một mối nguy cho nước Mỹ. Báo cáo của New Zealand cho hay, oanh tạc cơ H-20 với tốc độ siêu âm thanh sẽ giúp phạm vi tấn công của Trung Quốc tăng gấp đôi. Điều này đồng nghĩa với việc H-20 có thể bay qua cả chuỗi đảo thứ nhất.

Nếu oanh tạc cơ của Trung Quốc thực sự làm được điều này, Philippines, Nhật Bản, biển Đông, Hawaii, Úc và thậm chí một phần lãnh thổ nước Mỹ đều sẽ bị đe dọa.

Thú vị hơn, dù chưa có nhiều thông tin về H-20, sự tồn tại của vũ khí này đã được ghi nhận trong các báo cáo năm 2018 và 2019 của Lầu Năm Góc. Theo báo cáo năm 2019, oanh tạc cơ mới này của Trung Quốc có phạm vi hoạt động tối thiểu là 8500 km. Nó có thể sử dụng cả vũ khí thông thường lẫn vũ khí hạt nhân.

Phạm vi hoạt động 8500 km của H-20 chưa phải đối thủ với con số 10700 km của oanh tạc cơ Mỹ B-2. Tuy nhiên, báo cáo của Lầu Năm Góc chỉ ra mối lo ngại về việc Trung Quốc có thể đang phát triển một loại oanh tạc cơ có khả năng tiếp nhiên liệu trên không.

Một máy bay tiếp nhiên liệu như vậy sẽ giúp tầm tấn công của Trung Quốc vượt qua cả chuỗi đảo thứ hai. Nó sẽ thay đổi đáng kể cán cân sức mạnh, trở thành kình địch của B-2 (vốn được biết đến với khả năng bay liên tục trong 44 tiếng).

Theo một phát ngôn năm 2016 của nguyên Tư lệnh Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, tướng Mã Hiểu Thiên, H-20 sẽ được tích hợp công nghệ thế hệ thứ 5 tân tiến nhất. Điều này là có cơ sở khi mà các mẫu tiêm kích J-20 và J-31 của Trung Quốc đều sử dụng công nghệ này.

National Interest cho biết thêm, H-20 có thiết kế bên ngoài giống một máy bay tàng hình. Nó có động cơ được giấu kín, phần cánh và thân không có vạch phân định rõ ràng, không có các cấu trúc thẳng đứng, ống dẫn khí cho động cơ nằm dưới thân máy bay.

H-20 cũng được cho là có trọng lượng cất cánh tối đa 200 tấn và trọng tải 45 tấn. Oanh tạc cơ này sẽ có khả năng phá hủy nhiều mục tiêu lớn nhờ được trang bị 4 tên lửa hành trình tàng hình siêu thanh.

Theo quan sát của Lầu Năm Góc, H-20 có thể sẽ có phần khung giống với oanh tạc cơ B-2 và máy bay không người lái X-47B.

Thông tin về lễ ra mắt H-20 xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung đang gia tăng vì dịch Covid-19. Tờ Business Insider dẫn lời một nguồn tin: "Nếu như Trung Quốc chỉ đơn thuần muốn bảo vệ lãnh thổ, tại sao nước này lại cần đến máy bay có khả năng sử dụng cả vũ khí hạt nhân?"

Mọi tính năng và đặc điểm thiết kế của H-20 đến thời điểm này vẫn chỉ là dự đoán. Dù vậy, nếu oanh tạc cơ này thực sự có tầm hoạt động vượt qua cả các chuỗi đảo, Mỹ nên nghiêm túc đề phòng chiếc máy bay này.