Dân Việt

Đọc sách cùng bạn: Nàng Tây Thi Hà Nội

Phạm Xuân Nguyên 02/06/2020 08:00 GMT+7
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay ta không đọc truyện đọc thơ mà đọc một cuốn sách khảo cứu có tên "Chuyện quanh quanh Dâm Đàm" của tác giả Nguyễn Ngọc Tiến. Đây là sách thuộc tủ sách "Hà Nội trong mắt một người" của Nhà xuất bản Trẻ.
Đọc sách cùng bạn: Nàng Tây Thi Hà Nội - Ảnh 1.

Bạn đừng thấy tên sách có chữ "Dâm" mà nghĩ "chuyện Dâm Đàm" là nói chuyện quan hệ trai gái. "Đàm" ( ) đây nghĩa là "hồ đầm" chứ không phải "đàm" (譚) trong "nói năng, đàm phán". "Dâm" (霪) đây là mưa nhiều sương lắm chứ không phải "dâm" (淫) là quan hệ dục tính khác giới. "Dâm Đàm" là hồ mù sương. Và đó là một trong nhiều tên gọi của Hồ Tây ở thủ đô Hà Nội, bên cạnh những cái tên khác như Lãng Bạc, Kim Ngưu, Tây Hồ. 

Như vậy, viết cuốn "Chuyện quanh quanh Dâm Đàm" tác giả Nguyễn Ngọc Tiến muốn kể ta nghe những chuyện quanh quanh Hồ Tây, mà cũng chỉ là chuyện về những địa danh sát hồ mà thôi. Chuyện xưa tích cũ khảo trong lịch sử, truyền thuyết. Chuyện nay việc mới được chứng kiến và được thông tin. Tác giả viết xen kẽ, pha trộn cả hai khiến người đọc xong sách thấy ngậm ngùi trước sự hưng phế, bể dâu của cảnh vật và con người trong biến thiên thời gian.

Hà Nội phiên tự chữ Hán ra có thể hiểu là vùng đất trong sông. Sông Hồng - con sông Mẹ, sông Cái của nước Việt đã bồi đắp nên chốn thiêng sông núi này để làm nơi đế đô nghìn đời. Do biến thiên dòng chảy của con sông nên Hà Nội có rất nhiều hồ, trong đó Hồ Tây thuộc loại thắng cảnh đệ nhất của đất kinh kỳ, một vùng trời nước bao la huyền bí chứa trong mình biết bao sự tích, huyền tích, biết bao con người và sự kiện lịch sử, biết bao di tích di chỉ văn hóa. Đến Hà Nội ai chẳng một lần dạo bước Hồ Tây mà lòng u hoài bao chuyện cũ. Nhiều người đã viết sách về con hồ này ở thủ đô mà chuyện vẫn chưa vơi để cảm khái cho người dạo bước cứ như mặt sóng dập dờn vỗ từ xa xưa đến hiện tại. 

Cuốn sách của Nguyễn Ngọc Tiến nối tiếp mạch viết ấy. Tám phần của cuốn sách là tám chặng tác giả dẫn ta quanh quanh những địa danh ven hồ ôn lại chuyện xưa tích cũ, nói lại chuyện nay, bàn chuyện mai. Này sâm cầm và chuyện "Đít Lý Râu đầu Án Cộng" là sao. Này từ Sở thủy phi cơ đến hãng phim truyện Việt Nam là thế nào. Này vì sao "nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ" trong câu ca dao nổi tiếng nay đã tắt lịm và cái địa danh đó cũng không còn, để chỉ còn là nỗi hoài niệm u sầu cho khách vãn cảnh. Này đến khách sạn năm sao Sheraton bây giờ có ai biết đó vốn từng là biệt thự của dị nhân Dufresme. Này dấu ấn Chăm bên Hồ Tây là gì và có ai biết khu vực trường Chu Văn An hiện nay xưa vốn là viện Châu Lâm cho các tù binh Chăm đến khai báo. Này… nhiều lắm, trên bốn trăm trang sách tác giả cứ nhẩn nha thong dong dắt ta đi chỉ chỗ này, ghé chỗ kia và kể chuyện, đôi khi là có bình phẩm, nhận xét đôi ba câu. 

Như khi nói chuyện mất cái tên Yên Thái ông viết: "Hà Nội đã nhiều lần đổi tên phố. Và tên phố ngày hôm nay có nhiều chuyện để bàn. Tên đất tên làng không chỉ để gọi mà nó còn là di sản. Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã xứng đáng là những di sản văn hóa của Thăng Long – Hà Nội vậy mà nỡ xóa nó đi. Ngày nay nhiều người thuộc câu ca dao nhưng không biết Yên Thái ở đâu, người Hà Nội cũ liệu có đau lòng?" (tr. 240). Tôi muốn nói với tác giả là không chỉ người Hà Nội cũ mà cả người Việt ở khắp nơi trong nước về thủ đô cũng nhiều lần xót xa, buồn bã khi thấy "dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo / nền cũ lâu đài bóng tịch dương" (Bà Huyện Thanh Quan) trước cơn chạy đua hiện đại bằng mọi giá.

Tôi từ một tỉnh miền Trung ra thủ đô học tập và sống ở đó đã gần nửa thế kỷ, tưởng cũng đã cho mình là biết Hà Nội, nhưng chỉ riêng một góc Hồ Tây thôi mà đọc cuốn sách của Nguyễn Ngọc Tiến đã thấy là cái biết của mình chưa đủ. Ví như phố Thuỵ Khuê tôi đi lại bao lần, ở số 12 trước đây có một khu tập thể của Bộ Giáo dục, trong đó có nhà của người cậu ruột tôi đã qua lại nhiều thời sinh viên, nhưng tôi không hề biết còn có những số nhà khác trên con phố trước mang tên Thuỵ Chương một làng nổi tiếng về rượu còn lưu trong câu ca "Làng Võng bán lợn bán gà / Làng Thụy nấu rượu la cà cả đêm". Tiếc ở đây có tượng ông Phật say nay không biết lưu lạc nơi đâu. Đó là số nhà 86 của một ngôi biệt thự cũ, hay số nhà 460 có một ngôi nhà thờ nhỏ đạo Thiên Chúa. 

Đặc biệt số nhà 124 có đền thờ Cố Lê là vị đại thần Lê Quýnh theo vua Lê Chiêu Thống chạy sang đất Bắc nhưng không chịu cải mình theo lề lối phong tục xứ người ăn mặc theo kiểu Mãn Thanh, nêu cao một khí tiết người Nam. Tác giả dẫn lời học giả Hoàng Xuân Hãn nói về giá trị của ngôi đền này là ở chỗ: "Ngày nay cũng như ngày xưa, dân ta đã tỏ cái khí tiết bất khuất đối với mọi lý tưởng vì nước, vì dân, vì tinh thần, vì tư tưởng. Sự Lê Quýnh không chịu cắt tóc, đành chịu ngục tù, thật ra là việc mọn, nhưng nó tỏ rõ tinh thần dân ta đời đời không chịu khuất phục, không chịu mất dân tộc tính. Vậy đó là một giai thoại nên ghi và đáng được nhắc lại" (tr. 172). Việc Nguyễn Ngọc Tiến nói lại chuyện này khi quanh quanh Dâm Đàm cũng là có ý nghĩa cho hôm nay. Vậy mà cái đền thờ tự người tiết tháo như thế hơn sáu mươi năm qua đã bị biến thành một cơ sở may mặc và đến nay vẫn chưa được khôi phục dù dân đã kêu và chính quyền đã có quyết định.

Ví như tôi cũng như nhiều người lâu nay đã thuộc lòng cuộc đời và sáng tác của Bà Huyện Thanh Quan, nhất là bài thơ nổi tiếng của bà "Qua đèo Ngang". Nhưng thật bất ngờ Nguyễn Ngọc Tiến lại dẫn dắt đến bài thơ Đèo Ngang của một tác giả khuyết danh được nêu ra trong một cuốn sách in năm 1925 để neo một câu hỏi có phải nữ sĩ người chốn Tây Hồ đã nhuận sắc lại bài thơ đó. Thú thực tôi rất hoang mang chuyện này.

Ví như té ra quanh Hồ Tây cũng có một chùa Bà Đanh, chứ không phải chùa có tên gọi này chỉ có ở Hà Nam. Cũng như là có hai đền Voi Phục, một ở Thủ Lệ và một ở Thuỵ Khuê. Và tại sao lại gọi nó là đền "ông bảo" và "trời ơi" thì cứ phải đọc vào sách mới rõ.

Ví như Lý Văn Phức, người làng Hồ Khẩu, tác giả của các sáng tác "Tây hành thi ký", "Nhị thập tứ hiếu diễn ca", các dịch tác "Tây sương", "Nhị độ mai diễn ca" đã từng ra Hoàng Sa. Và Ba Giai – nhân vật đã đi vào văn chương dân gian cùng Tú Xuất, không hẳn là kẻ càn quấy, mà là tác giả của "Hà Thành chính khí ca" ca ngợi những nghĩa sĩ đã bỏ mình vì vận nước trong những ngày đầu chống quân xâm lược Pháp.

Chuyện xưa là vậy. Chuyện nay thì tác giả kể chuyện nhà thơ Phùng Quán sống dựa vào hồ "cá trộm, rượu chịu, văn chui". Chuyện dự án lấy nước sông Hồng thay nước Hồ Tây và vụ cá chết trắng mặt hồ một dạo. Chuyện vụ án"Làng kiến trúc phong cảnh Võng Thị" để dở dang đau khổ một dự án tốt đẹp. Chuyện khách sạn Thắng Lợi một món quà của nước bạn Cu Ba từ 1975. Ngẫm xưa nghĩ nay, người đọc chia cùng tác giả những ngổn ngang thế sự cuộc sống.

CHUYỆN QUANH QUANH DÂM ĐÀM

Tác giả: Nguyễn Ngọc Tiến

Nhà xuất bản Trẻ, 2019

Số trang: 409

Số lượng: 2.000

Giá bán: 125.000đ

Viết về những chuyện quanh quanh Hồ Tây, tác giả dẫn nhiều thơ phú xưa nay. Chẳng hạn bài phú "Tụng Tây hồ" của Nguyễn Huy Lượng thời Tây Sơn, đó chẳng những là một tác phẩm văn chương cực hay mà còn là một tư liệu lịch sử văn hóa quý giá, đã được Nguyễn Ngọc Tiến dẫn ra toàn bài và còn nhiều lần nhắc lại, trích dẫn làm cứ liệu. Ông dẫn ra bài đó để nói về lịch sử Tây Hồ bằng thơ là phải lắm. 

Nhưng tôi vẫn thấy tiếc khi ông không nhắc đến chùm 8 bài chơi hồ của một danh sĩ đất Thăng Long khác là Cao Bá Quát – "Du Tây Hồ bát tuyệt". Ví Hồ Tây đẹp như nàng Tây Thi thì chỉ có ông này là một. Đây là bài thứ hai trong tám bài đó: "Điên đảo xuân tâm bất tự trì, / Tây Hồ chân cá tự Tây Thi. / Doanh doanh thuý đại ba bình hậu, / Khúc khúc quần yêu thảo lục thì" (Lòng xuân ghìm giữ khôn đang / Hồ Tây kia đúng một nàng Tây Thi / Sóng êm - đầy đặn nét mi /Giải là bay: cỏ đang thì mướt xanh – bản dịch của Ngô Linh Ngọc). Hoặc như khi nói về sen Hồ Tây giá ông nhắc tới 5 bài thơ "Mộng đắc thái liên" của Nguyễn Du hồi tưởng thời trẻ hái sen ở Hồ Tây rất tình tứ: "Kim thần khứ thái liên, / Nãi ước đông lân nữ. / Bất tri lai bất tri, / Cách hoa văn tiếu ngữ" (Sáng nay đi hái sen. / Hẹn láng giềng đi với. / Nàng đến tự bao giờ? / Cách hoa nghe cười nói - bài 3, bản dịch của Phạm Trọng Chánh). Nhưng đấy chỉ là sự mong ước của người đọc, biết đâu có dịp bổ sung tái bản, tác giả sẽ có thơ thêm vào cho lung linh Hồ Tây hơn. Cũng như mong ở lần in sau tác giả sẽ sửa chữa lại một vài sai sót về tư liệu trích dẫn, chính tả.

Nguyễn Ngọc Tiến học trường Sân khấu – Điện ảnh rồi ra làm báo. Ông yêu Hà Nội và muốn đem cái lòng yêu này đến với mọi người bằng cách tìm hiểu và viết về bề sâu của mảnh đất ngàn năm văn vật để tôn vinh và giữ gìn nó. Cuốn "Chuyện quanh quanh Dâm Đàm" là sách mới nhất của ông sau các cuốn cùng loại như "5678 bước chân quanh Hồ Gươm", "Đi dọc Hà Nội", "Đi ngang Hà Nội", "Đi xuyên Hà Nội". Và chắc chắn ông chưa dừng lại vì như ông nói "rất cần thiết xây dựng một bảo tàng lịch sử, văn hóa" về Hồ Tây nói riêng và Hà Nội nói chung, không chỉ trưng bày vật chất mà còn lưu giữ tinh thần, một công việc ông rất muốn được đóng góp phần của mình.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.