Nghe tên triển lãm, có vẻ chỉ là một cuộc chơi của các cựu sinh viên K21 sau 20 năm ra trường, chắc sẽ chẳng có gì đặc biệt. Vậy mà khi bước vào phòng triển lãm, mọi người đều thật sự bất ngờ.
Bất ngờ bởi trên tường treo không chỉ những bức tranh tương đối lớn với đủ thể loại sơn dầu, sơn mài, acrylic, lụa, chì màu, tranh khắc gỗ, khắc thạch cao, tranh cổ động, biểu trưng logo, bút sắt, phù điêu gỗ… mà còn treo cả những tấm áo dài thướt tha. Bên dưới nền nhà là trưng bày từng cụm tác phẩm điêu khắc gồm tượng chân dung thạch cao, tượng gỗ, sắt, composit, gốm. Lại còn cả tác phẩm điêu khắc trên đá casldol với "Tam anh chiến Lữ Bố" (40x80cm), trên sò hóa thạch với "Gia đình Gà" của Đào Quốc Tuấn…
Đặc biệt, một góc trưng bày những mẫu thiết kế áo dài trên chất liệu lụa tơ tằm dệt thủ công của nghệ nhân Vạn Phúc kết hợp thêu tay truyền thống với chủ đề Hồn Việt, được lấy ý tưởng từ họa tiết hoa văn cổ Việt Nam đã tạo nên sự sinh động mà ít có phòng tranh nào có được.
Tổng cộng có 16 tác giả tham gia với 66 tác phẩm, đề cập đến đầy đủ các đề tài.
Về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng có "Vượt qua trọng điểm" (sơn mài 90x120cm), "Sau trận đánh" (Gò đồng 60x60cm), "Đóng tàu Cảnh sát biển" (Acrylic 75x90cm) của Vũ Cao Thăng.
Về đề tài xây dựng đất nước có "Đèo đá trắng" (Acrylic 80x80cm), "Một góc Tam Đảo" (Sơn dầu 150x120cm) của Lê Chung (Phú Thọ).
Về quê hương, dân tộc có "Mù Căng Chải" (Acrylic 80×60cm) của nữ tác giả Kim Oanh (Sơn Tây), "Chợ phiên Xín Mần" (Acrylic 70x90cm), "Xuân về trên Mộc Châu" (Sơn dầu 65x80cm) của Vương Anh Dũng. Hay nói về sự sống, sự sinh tồn có "Sự sống" (Phù điêu gỗ 40x40x4 cái) của Vương Anh Dũng, có "Mầm thiện" (chì màu 23x33cm) của Nguyễn Thị Thu Hằng. "Thành phố của ký ức" (Sơn dầu 73x92cm) của Nguyễn Minh Tân.
Ngày 31/5 khai mạc phòng triển lãm, họa sĩ Lê Trí Dũng - Phó chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam, lại là thầy giáo dạy trực tiếp lứa họa sĩ này 20 năm về trước, đã thay mặt Hội đồng nghệ thuật phát biểu và đánh giá: Những tác phẩm được trưng bày ở đây đều có chất lượng khá cao, rất đa dạng, nhiều đề tài, nhiều thể loại: Sơn mài, sơn dầu, thời trang, ảnh, phấn màu, ký họa chân dung, điêu khắc… Điều này chứng tỏ diện hoạt động của các họa sĩ rất phong phú và đều có đóng góp cho đất nước, cho xã hội. Một điểm nữa rất quan trọng là điều đó chứng tỏ, với sự đóng góp của mình, các hoạ sĩ đã làm tròn trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghệ sĩ đối với Tổ quốc".
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn phát biểu chúc mừng triển lãm cũng đánh giá sự nỗ lực của các họa sĩ: "Tôi nghĩ có người vẽ trong sự thầm lặng, có người vẽ trong tác động xã hội mạnh mẽ nên tính cảm xúc, tính ngôn ngữ thể hiện góc độ của mình mới nhất. Bên những tác phẩm đi suốt 20 năm qua thì cũng có những tác phẩm còn nóng ấm hơi thở thời sự như mùa chống dịch Covid. Điều này thật đáng biểu dương và trân trọng. Tôi nghĩ các tác giả này cũng tham gia chống dịch bằng chính những mảng màu đường nét hội họa, bằng tình yêu nghệ thuật của mình. Bởi vậy, tôi cho rằng nhìn từng tác phẩm, chúng ta cũng thấy rõ trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của các nghệ sĩ, họ cũng đã cất lên tiếng nói của mình bằng những ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau".
Triển lãm được diễn ra trong 10 ngày, từ ngày 31/5 đến hết ngày 10/6/2020 tại tầng 2 Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội.