"Về cơ bản, đi du lịch trong dịp này là rất tốt", chị nói và đề cập tới các chương trình du lịch nội địa được tung ra nhằm hút khách, đang hấp dẫn về cả giá lẫn dịch vụ.
Tới nay, Việt Nam là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á trong nỗ lực hồi sinh du lịch. Đầu tháng 5, Việt Nam đã đánh dấu bước chuyển mình bằng chiến dịch "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", kéo dài tới cuối 2020.
Các hãng hàng không, công ty du lịch và khu nghỉ dưỡng đang giảm giá ở mức 50% trở lên, với mong muốn lấp đầy công suất phòng khách sạn và nhà hàng, trong khi chuyến bay quốc tế vẫn đang bị cấm.
Chính quyền địa phương đã giảm giá vé tham quan, thậm chí miễn phí, vào các điểm du lịch nổi tiếng, như Hạ Long. "Với dân số hơn 97 triệu người, tỉ lệ trung lưu ngày càng tăng, Việt Nam sở hữu tiềm năng thị trường du lịch nội địa rất lớn", ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, nói với Straits Times. Ông khẳng định, du lịch trong nước sẽ giúp du khách quốc tế tự tin hơn khi trở lại Việt Nam.
Nhiều du khách trong nước đang săn lùng các tour giảm giá, để bù đắp cho những tuần ở nhà khi Việt Nam thực hiện cách ly xã hội. Đà Lạt, nằm ở cao nguyên, là điểm đến phổ biến và gần TP.HCM, trở nên nhộn nhịp hơn vào cuối tuần, khi những người dân thành thị như bà Từ Hồng An đang đổ xô về đây.
"Ngay khi hết cách ly xã hội, tôi lập tức nghĩ mình nên đi chơi đâu đó", bà An, nhà tư vấn bất động sản, bày tỏ. Trên chuyến bay chật cứng từ TP.HCM đi Đà Lạt, mọi người không quên các biện pháp phòng dịch, khi đều đeo khẩu trang. Cả máy bay cũng yên tĩnh, hầu như không có tiếng chuyện trò, bà An kể.
Hơn một tháng qua, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào trong cộng đồng. Cùng trong khu vực, Thái Lan vẫn còn xuất hiện các ca nhiễm mới. Cuộc sống về đêm nổi tiếng của Thái Lan cũng bị ngưng trệ từ giữa tháng 3. Các chuyến xe buýt và hàng không đều phải thực hiện giãn cách xã hội khi nước này nới lỏng phong tỏa. Thế nhưng, hiện nay Việt Nam đã mở cửa khách sạn, nhà hàng, tiệm massage và không yêu cầu các phương tiện giao thông công cộng, kể cả máy bay, thực hiện giãn cách xã hội.
Du lịch đóng góp gần 12% GDP của Việt Nam. Tiến sĩ Nuno Ribeiro, giảng viên cao cấp về du lịch của Đại học RMIT, cho biết: "Có khoảng 85 triệu lượt khách nội địa trong tổng số 103 triệu lượt khách du lịch tại Việt Nam vào năm ngoái.Ngành du lịch Việt Nam hồi phục có thể giúp các nước láng giềng thu hút khách từ quốc gia này, theo tiến sĩ Ribeiro.
Nhưng các công ty du lịch cho rằng họ sẽ phải thực hiện những điều chỉnh dài hạn nếu du lịch quốc tế không khôi phục vào năm tới. "Du lịch nội địa chưa phát huy hết tiềm năng", ông Vũ Đình Quân, Tổng giám đốc Bến Thành Tourist, nhận định.
Nếu không có vaccine vào quý đầu năm 2021, ngành du lịch Việt Nam sẽ phải thích nghi để phục vụ khách nội địa, và các nhà điều hành tour sẽ phải học cách sống sót với tỉ suất lợi nhuận thấp hơn đối với dòng khách này, theo ông Quân. "Nhìn chung, sẽ có nhiều khó khăn ở phía trước nhưng du lịch Việt Nam sẽ vẫn tồn tại", ông nói.
Còn chị Đông Phương thì cho rằng: "Tôi thích giảm giá nhưng tôi có thể thấy những khó khăn thực sự của các nhà hàng và khách sạn hiện nay. Chúng tôi cần du khách quốc tế quay trở lại và thúc đẩy hồi phục nền kinh tế".
Nhật báo tiếng Anh SCMP của Hong Kong cũng có bài viết về nỗ lực phục hồi du lịch của Việt Nam. Báo này phản ánh, tại Phú Quốc, tấm áp phích cảnh báo khách du lịch cần đề phòng Covid-19 trở nên bạc màu dưới ánh nắng hè. Cạnh đó, dòng du khách nội địa đang đổ về đảo tắm biển.
Trong khi đó, báo UAE Gulf News đưa Việt Nam vào danh sách 10 quốc gia chiến thắng Covid-19 và cho biết, đất nước 97 triệu dân không ghi nhận ca tử vong nào vì nCoV, và tính đến cuối tháng 5 chỉ có 328 trường hợp nhiễm bệnh, dù có đường biên giới dài với Trung Quốc. Đây là cơ sở quan trọng để du lịch Việt Nam sớm phục hồi.
Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tiên bắt đầu phục hồi nền kinh tế từ đầu tháng trước, nhưng lệnh cấm vẫn còn áp dụng với du khách nước ngoài. Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng đang giảm giá để thu hút khách nội địa.
Tại khu nghỉ mát Mango Bay Phú Quốc, nhân viên đeo khẩu trang phục vụ cocktail và vang trắng cho nhóm khách nhỏ, chủ yếu đến từ Hà Nội và TP.HCM. Tổng giám đốc Ronan Le Bihan của khu nghỉ dưỡng cho biết, họ cần thích nghi với thị hiếu của khách trong nước.
"Các doanh nghiệp du lịch chuyên phục vụ khách nước ngoài sẽ gặp khó khăn trong thời gian dài. Chúng tôi cần tập trung vào thị trường nội địa. Nhưng không phải người Việt nào cũng quan tâm đến dịch vụ của chúng tôi", ông nói.
Chiến dịch "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" đặt nước này lên trước các đối thủ trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Philippines, nơi các hạn chế du lịch được gỡ bỏ muộn hơn.
Cũng theo ông Vũ Thế Bình, dự kiến vào giữa tháng 7, ngành du lịch Việt Nam sẽ thực hiện một chương trình khác để quảng bá đến khách quốc tế - tham gia "bong bóng du lịch" với các nước thành công trong chống Covid-19.
Ông Ken Atkinson, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), cho biết các quốc gia đầu tiên Việt Nam nhắm tới có thể là Australia và New Zealand. "Tuy nhiên, do Trung Quốc và Hàn Quốc là hai thị phần khách lớn nhất của chúng tôi, nên quan trọng nhất là mở lại du lịch với hai thị trường này ngay khi an toàn", ông nói.
Du lịch nội địa Việt Nam đang tăng trưởng trở lại và các hãng hàng không trong nước đang dần nâng công suất. Trong khi đó, tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia dự kiến mở cửa khách quốc tế vào tháng 10 và Thái Lan cũng mới mở cửa các khách sạn tại một số địa phương từ 1/6.