Trong lịch sử, chặt đầu bị coi là một trong những hình phạt nặng nhất dành cho tội phạm. Do tính chất tàn bạo, hiện nay hình thức xử tử này đã bị bãi bỏ trên toàn thế giới.
Tuy vậy, nhắc tới hình phạt chặt đầu, hầu hết ai trong chúng ta cũng có cảm giác sợ hãi. Song, điều thú vị là các nhà khoa học lại rất quan tâm, ưa thích tìm hiểu vấn đề này. Nguyên nhân là bởi họ muốn tìm hiểu liệu sau khi bị chặt đầu, con người có còn ý thức, nhận thức nữa hay không. Hãy cùng tìm hiểu điều này qua bài viết dưới đây.
Từ những hiện tượng kỳ lạ trong lịch sử…
Nếu đúng theo những suy nghĩ đơn giản thông thường, khi đầu lìa khỏi cổ, não không còn nguồn cung cấp máu, con người sẽ chấm dứt cuộc sống. Khi đó, không cảm xúc, không cảm giác, nhận thức… chúng ta sẽ không còn cảm nhận, ý thức được bất cứ điều gì.
Song, những tài liệu lịch sử lại ghi chép về một vài trường hợp kỳ lạ, đó là những người mà sau khi bị chặt đầu, họ vẫn có thể mở mắt, nổi giận… Câu chuyện này đã truyền cảm hứng cho các nhà khoa học tiếp tục đào sâu nghiên cứu.
Hai trường hợp đầu tiên được ghi nhận có phản ứng sau khi bị chặt đầu là hoàng hậu Anne Boleyn (1501 - 1536) và vua Charles I (1625 - 1649) của Anh. Có thể nói, đây là hai trường hợp khá hi hữu bởi họ bị chặt đầu bởi gươm và rìu chứ không phải bằng máy chém.
Theo nhiều nhà khoa học, trước khi máy chém ra đời, việc xử tử bằng chặt đầu bằng đao, kiếm, rìu thường phải dùng rất nhiều lần chém mới thành công. Và khi đầu chưa lìa hoàn toàn khỏi cổ, việc con người vẫn còn nhận thức là đương nhiên.
Song trường hợp của hoàng hậu Anne Boleyn và vua Charles lại khác. Theo đó, dù đầu lìa khỏi cổ ngay trong lần chém đầu tiên, cả hai vẫn đều có thể cố gắng nói chuyện sau khi bị chặt đầu.
Tới thế kỷ XVIII, khi máy chém được người Pháp phát minh ra và sử dụng phổ biến hậu cách mạng Pháp, tình trạng trên mới được cải thiện. Với trọng lượng thông thường lên tới hơn 80kg và lưỡi dao ở độ cao 4,3m xuống, không một tù nhân nào có thể sống sót khi lưỡi dao máy chém được thả xuống. Nhưng có một điều kỳ lạ, vẫn có những người "sống" sau khi đầu lìa khỏi cổ.
Điển hình là trường hợp của Charlotte Corday – một cô gái nổi tiếng ở Pháp sau cách mạng Pháp. Cô đã bị xử tội chết và hành quyết bởi máy chém năm 1793 với tội danh ám sát nhà lãnh đạo nổi tiếng Jean-Paul Marat.
Tại pháp trường, sau khi lưỡi đao máy chém được thả xuống, một thợ mộc tên Legros vì không kiềm chế được cơn giận đã tiến tới, nhặt đầu Charlotte lên và tát vào má cô. Và thật ngạc nhiên, các nhân chứng khi đó đều kể lại rằng, mặt nữ sát thủ đã nhăn lại, biểu hiện vẻ mặt phẫn nộ với hành động của người thợ mộc.
Năm 1795, theo báo cáo của bác sĩ người Đức Sommering, một nạn nhân bị chặt đầu thậm chí còn nghiến răng khi thấy một bác sĩ dùng ngón tay chọc vào hậu môn mình. Khi đó, nạn nhân này đã "đầu lìa khỏi cổ".
Cuối cùng, nổi tiếng nhất vẫn là trường hợp của tên tội phạm Henri Languille. Sau khi bị xử tử, mắt Henri vẫn mở trừng trừng và gọi tên đao phủ trong suốt 25-30 giây.
…tới giả thuyết khoa học…
Các nhà khoa học đã dành rất nhiều thời gian, công sức nghiên cứu những hiện tượng trên với mong muốn trả lời câu hỏi: "Liệu con người có còn ý thức sau khi bị chặt đầu?" Một nhóm các chuyên gia đã tiến hành một thí nghiệm vào năm 2011 tại ĐH Radboud Nijmegen, Hà Lan để tìm ra câu trả lời.
Theo đó, họ cho gắn vào đầu những con chuột thí nghiệm một máy đo điện não đồ. Sau đó, họ chặt đầu chúng và tiến hành đo sóng não của cái đầu bị rời ra. Kết quả cho thấy, trong vòng khoảng 4 giây, sóng não của chuột vẫn còn tồn tại với tần số 13-100Hz. Tần số này đồng nghĩa chỉ ra rằng, 4 giây trên là 4 giây não chuột vẫn còn ý thức và nhận thức.
Bằng phương pháp ngoại suy, nhóm các chuyên gia trên cho rằng, hiện tượng trên có thể tồn tại ở người. Sau khi đầu bị chặt, trong khoảng thời gian vài giây, não vẫn tiếp tục hoạt động nhờ lượng máu khi đó có sẵn trong đầu. Chỉ tới khi không còn máu tiếp lên não, con người mới thực sự chết, không còn cảm nhận, ý thức được điều gì nữa.