Dân Việt

Truyện dự thi: Sân khấu lúc nửa đêm

Trần Hoài (Nghệ An) 07/06/2020 15:56 GMT+7
Quãng năm nào đó 198x, Hoàng đi xem văn công ở bãi sân Viện điều dưỡng Cửa Tùng. Đó là một đêm trăng mùa hạ.

(Kính tặng ba mạ tôi và các nghệ sĩ dân ca Bình Trị Thiên trong chiến tranh)

Mặt trăng mười sáu vừa lên vàng ruộm phía Đông ngoài biển, có những tiếng sóng rào… rào… vang vọng từ đá Mụ Tạo đến Mũi Si, thì chỉ huy đêm diễn cho mở màn, ba hồi chuông réo rắt vang lên. Màn nhung từ từ kéo ra. Bài trí sân khấu cảnh núi rừng, có những bục gỗ sơn màu xanh để rồi sau đó sẽ có cảnh nữ nhân vật chính đứng lên hát về tình yêu ngợi ca mặt trời đỏ. Hoàng không để ý, và chắc cũng không khán giả nào để ý đến cái mặt trăng thật, vàng ruộm của mùa hè 198x hiện diện trên phông màn sân khấu vẽ bầu trời xanh và các đám mây trắng. Họa sĩ thiết kế cho mặt trăng thật ngoài đời xuất hiện vào đúng một khoảng trống khoét sẵn trên tấm phông vải gió lay nhẹ nhàng, theo ý đồ đạo diễn.

Sân khấu lúc nửa đêm - Ảnh 1.

Vở dân ca kịch Bình Trị Thiên rất dài. Hoàng xem và với trí óc mơ màng tuổi mười lăm không thể nào nắm bắt được, anh ngủ gật lúc nào, nằm toài ra bãi cỏ ngợp mùi phân bò. Một lúc tỉnh dậy, thấy cả bãi trống truênh không còn khán giả. Thế nhưng trên sân khấu vở ca kịch vẫn còn tiếp diễn. Hoàng dụi mắt nhìn, thấy cảnh nữ nhân vật xé toang áo mình, ngực trần, chỉ còn coóc-xê màu trắng, thốt lên "Các người không làm gì được ta đâu!", rồi chạy vào cánh gà.

Đấy là vở kịch "Nửa đêm về sáng", kịch bản Xuân Lư và đạo diễn Xuân Đàm. Hai người này Hoàng biết, là bạn chiến đấu của ba, mạ Hoàng trong chiến tranh. Lúc ấy, mặt trăng vàng ruộm trên sân khấu vẫn y nguyên, rất sáng, Hoàng nhớ thế. Nhưng sau lưng, chếch về Tây Nam đã xuất hiện một mặt trăng khác màu đỏ tươi như máu. Lạ thay, cả sân bãi còn một mình Hoàng là khán giả, mà trên sân khấu vở kịch vẫn tiếp tục, thậm chí, dường như mới bắt đầu. Hoàng nhìn đăm đắm vào mặt trăng vàng trên sân khấu. Trăng thật. Ngoái sau lưng, mặt trăng đỏ. Trăng nào, t…h…ậ…t… k…h…ô…n…g…?...

Nhà Hoàng ở phía Tây, anh càng đi về nhà thì càng rời xa tiếng sóng rào rào dội từ đá Mụ Tạo đến Mũi Si. "Nửa đêm về sáng" tiếp tục trên sân khấu. Ánh trăng đỏ rọi, soi bóng Hoàng đổ trên đường đất, mà cứ mỗi bước nhấc lên khỏi bóng mình, anh để lại một dấu chân đen ngòm, sâu hoắm. Giữa sân, mạ Hoàng đang gói buộc ba lô, mạ khoác lên vai tấm vải dù ngụy trang. Mạ đi mô rứa mạ? Mạ đi địch vận, con ở nhà lo các em thay mạ nghe chưa! Dạ. Nhưng hòa bình rồi, còn địch mô mà đi, mạ? Hòa bình mô mà hòa bình! Hội nghị Pari đang họp, chưa ký. Cấp trên cho mạ biết vùng Cửa Việt, Gio Mai địch nống ra chiếm lại vùng ta giải phóng. Mạ phải đi. Con đeo cái loa này vô giúp mạ!

Hoàng cầm cái loa nhôm nặng trĩu, buộc vào nắp ba lô trên lưng mạ thơm nồng mùi mồ hôi thân thiết. Ngoài ngõ đã nghe tiếng gọi: Chị Nồng ơi, đi thôi! Và một đoàn quân áo xanh bộ đội ngang qua, vũ khí va chạm lách cách. Mạ bước vội ra ngõ, nhập vào đoàn quân đó, đi về phía sông Bến Hải. Hoàng lắng tai nghe, phía đó dội lên tiếng nổ ì oàng. Nghe thoảng thôi vì tiếng sóng biển lan từ đá Mụ Tạo đến Mũi Si rõ dần lên lấn khuất.

Mười lăm ngày sau mạ về, tả tơi. Dù ngụy trang cháy sém một góc. Loa nhôm bị thủng vài chỗ do đạn AR-15 bắn thẳng. Mạ ngồi tựa vào vách đất ngôi nhà tranh của chúng tôi. Răng mạ? Có địch vận được không? Thua con ạ. Trên sông Hiếu, Cửa Việt bộ đội ta tổ chức cắm cọc diệt tàu giặc như trận Bạch Đằng Giang đời nhà Trần. Nhưng thua! Dàn trận đàng hoàng, tổ chức chu đáo, vậy mà vẫn thua. Mạ không hiểu được tại răng lại như rứa?

Thua răng được, mạ? Con học lịch sử, con đọc báo thấy ta thắng mà. Đại úy Trần Văn Thà - chỉ huy Tiểu đoàn bộ binh 47, Trung đoàn 270 phối hợp với du kích, đặc công và các lực lượng tổ chức chiến đấu thắng lợi. Đây này, con đọc mạ nghe: "Ngày y-z-196x, phóng viên hãng tin UPI (Mỹ) viết: Chỉ riêng khúc sông từ Cửa Việt đến Đông Hà dài 13km cũng đủ khủng khiếp cho tàu và xuồng chiến đấu Mỹ. Các tàu của hải quân Mỹ buộc phải chạy thành đoàn với tốc độ một dặm một giờ… Ở đoạn sông này, mìn trôi trên sông, những hàng rào ngăn sông bằng tre, gỗ cài nhiều mìn và hai bên bờ sông ngày ngày đạn đại bác, rốc-két, súng cối bắn liên tiếp vào các đoàn tàu. Một tàu tuần tiễu bị đánh chìm, 8 tàu vạn năng bị đánh hỏng... Chẳng còn biết xoay xở thế nào vì máy bay, đại bác đã ném bom bắn phá nhưng quân cộng sản vẫn ở đây, lực lượng ngày càng tăng và cuộc tiến công của họ ngày càng táo bạo".

Ờ, rứa à, nhưng mà chết nhiều quá, con ạ. Mà này, Hoàng! Dạ. Con có thấy cái mặt trăng dạo ni có chi lạ không? Có mà mạ. Trăng đỏ. Ờ, hay hè, cả đời mạ chưa bao giờ thấy như thế này. Dạ, con cũng thấy rứa. Từ bữa mạ đi chiến dịch đến giờ, ngày nào mặt trăng cũng mọc lên lúc tám giờ rưỡi, đỏ như ri mạ à.

* * *

Mười hai tuổi, Hương mồ côi mạ. Cha bị Pháp bắt đi tù Côn Đảo vì tội làm liên lạc cho Việt Minh. Chỉ còn cô và bầy em trai nhỏ lút chút, cô bồng em út đi khắp làng xin sữa. Em khóc ngằn ngặt, dỗ mãi không nín. Rồi Hương nhìn thấy đám cháy, khói bốc lên, nghi ngại. Dân làng bảo nhà mi cháy rồi tề, Hương! Hương bỏ em trai út bên bụi tre cuối làng, chạy về, kéo hai đứa em trai ngoi ngóp từ trong đống tranh tre sụp đổ ra, nhem nhuốc. Chúng đều bị bỏng ở chân tay. Nhà cháy hết sạch. Hương ứa nước mắt, sực nhớ đứa em út còn nằm bên bụi tre đầu làng. Chạy ra thì em đã chết, mắt nhắm nghiền, kiến đen bu đầy mặt. Hương ôm xác em đi khắp làng, vòng quanh, vòng quanh. Hai đứa em thất thểu theo sau, kêu đói. Ba chị em đặt xác em bên cạnh mộ mạ mới đắp hôm nào. Mạ ơi!

Chôn xác em trai út bên mộ mạ. Một nấm đất nhỏ, lùn thấp. Dân làng chả có ai. Họ sợ liên lụy với nhà nào theo Việt Minh. Khi đó, mặt trăng đỏ mọc lên ở phía Đông làng Cổ Trai, trôi dần sang phía Tây Nam rồi đến phía Tây, lặn. Lập tức, mặt trời đỏ cũng mọc lên chói chang ở phía Đông. Không thể nhìn thẳng vào nó. Chỉ biết ánh sáng rực đỏ chiếu kỹ càng trên từng mô đất, chiếc lá nghĩa địa. Đỏ rực.

Năm tháng qua đi, Hương lớn dần lên, nhan sắc xinh đẹp thừa hưởng từ cha và mạ. Ông bà nội Hương từng lập gánh hát bội, lưu diễn khắp vùng. Cha Hương được ông cho sắp toàn vai kép chính, tiếng hát ấm vang, đôi mắt sáng, dáng cao, nhập vai tướng quân, nghĩa hiệp hay học trò, văn nhân đều rất đạt. Mẹ Hương là cô gái Quảng Nam có thanh sắc, một lần đoàn hát của ông nội dạt vào đó biểu diễn, cô gái xứ Quảng mến tài cha, mê nghiệp hát, xin gia nhập, rồi vừa làm dâu vừa sắm vai đào chính, theo cha về làng Cổ Trai… Không ai biết cha theo Việt Minh từ bao giờ. Mỗi đêm hát trước khi mở tuồng, cha ra đứng nói một lúc về đời dân nô lệ, về tương lai nước Việt Nam độc lập… Vậy là mật thám dõi theo… Cho đến một đêm hát chưa tàn, cha bị người ta bắt đi.

Mạ mất hai năm thì cha đi tù về, mang theo một người đàn bà mặt hoa da phấn nhưng từng cái răng to như bàn cuốc, nói cười giả lả, lùn tịt, cùng hai đứa con gái riêng, cũng xấu như mẹ chúng. Cha dựng lại nhà tranh tre. Nhưng dì ghẻ khắc nghiệt, đánh chửi ba chị em Hương hàng ngày, hàng giờ… Hương đến tuổi dậy thì, mãi vẫn không thấy hành kinh. Đám bạn gái trong làng Cổ Trai nói, Hương, mi chưa bị à? Bị chi? Bị… máu… chảy, đó! Hương ngước nhìn mặt trời đỏ trên cao. Bao nhiêu năm từ khi mạ chết, thỉnh thoảng cô vẫn lén nhìn thẳng lên mặt trời đỏ. Mới đầu thì cô bị chói lắm, nhưng sau quen dần. Cứ mỗi lần bị dì ghẻ chửi bới, nhục mạ mấy chị em, thì cô im lặng, ra đứng giữa sân ngước nhìn mặt trời đỏ. Ánh sáng mặt trời xuyên suốt vào trí não cô, kích thích, lan tỏa…

Năm mười bảy tuổi, Hương vào dân quân xã. Đêm đêm đi trực, tuần tra bên bờ Bắc sông Bến Hải, giới tuyến quân sự tạm thời. Đêm thứ ba đi trực về, cùng đội dân quân ngủ ở nhà kho hợp tác, thì cô bị… chảy máu. Đám bạn gái dân quân xúm vào, bày vẽ cho Hương. Đó, đến rồi đó nghe Hương, mi thành đàn bà rồi đó nghe. Từ bây giờ cẩn thận nghe. Gần đàn ông là có con đó, nhớ nghe! Con à? Trong Hương tái hiện hình ảnh đứa em út nằm chết còng queo bên bụi tre, kiến đen bu đầy mặt. Hương đặt tay lên bụng, cảm nhận cơn đau lâm râm, và thấy âm ấm nơi cửa mình. Biết là máu đang chảy.

Một dạo tình hình giới tuyến yên ổn, đội dân quân nữ ban ngày có tham gia tập quân sự, học tập chính trị, còn đêm được cho ngủ ở nhà. Bữa cơm tối, dì ghẻ dọn cơm ra, Hương thừa biết mấy bát cơm trên cái mâm đồng ở phía dì ghẻ và hai đứa con gái riêng, ở trên toàn sắn lát nhưng dưới là tuyền cơm trắng, còn ba bát cơm phía Hương và hai em trai thì ngược lại, dưới toàn sắn nhưng trên lướt một lượt cơm mỏng. Uất ức dội lên trong lòng Hương, cô xoay cái mâm đồng nửa vòng cho ba bát cơm phía bên kia quay sang đứng trước mặt ba chị em. Cả nhà sững sờ, cha Hương đứng dậy bỏ ra ngoài ngõ, đi mất. Dì ghẻ tru lên, mi mần chi rứa? Con ni láo toét!

Hương đứng ra giữa sân, lúc này tối rồi, ngay lập tức mặt trăng tròn vàng ruộm mười sáu cũng xoay nửa vòng quanh bầu trời đúng như cái mâm đồng đã bị Hương kéo xoay, rồi đứng lại và biến thành mặt trăng đỏ. Như mặt trời! Hương ngắm nhìn mặt trăng ấy, nghĩ rằng nó sẽ mãi mãi như thế thôi. Đỏ rực màu máu, suốt đời. Và từ bữa đó, Hương bị tắt kinh. Tắt mấy năm trời cho đến khi cô vào bộ đội, được tuyển vào đội tuyên truyền văn nghệ xung kích của Trung đoàn 270, thì mới có kinh trở lại.

Đấy cũng là một hôm đặc biệt. Cô được giao sắm vai bà mẹ miền Nam có con trai tập kết ra Bắc. Buổi chia ly diễn ra bên đầu cầu Hiền Lương. Mẹ miền Nam hát điệu Nam Ai: Con đi rồi nhớ trở lại. Chỉ hai năm giữ vẹn câu thề. Qua bên nớ thưa với Bác Hồ. Lòng miền Nam luôn hướng về miền Bắc. Con trai hát: Má ơi ráng giữ lòng tin. Giữa bầy thú dữ, riêng mình mình thôi. Quả lựu đạn con chôn nơi gốc ổi. Khi nào chúng nó đến nơi. Má đào lên… đào lên… đào lên!

Hoàng sắm vai người con trai đó, anh hát đào lên đến ba lần nhưng quên lời mất, cứ đào lên mãi vậy mặc cho dàn nhạc dân tộc đay đi đay lại… Đào lên mà diệt! Có rứa mà cũng quên. Hương suýt bật cười. Và cô thấy âm ấm nơi cửa mình. Máu chảy! Cô mừng rỡ, phải kìm lắm mới không reo lên ngay trên sân khấu mà phía dưới, ngay hàng đầu là Chính ủy Vũ Kỳ Lân, Trung đoàn trưởng Hoàng Đưỡm, và sau đó cơ man nào là bộ đội, dân quân, đang chăm chú, nghiêm túc ngồi xem.

Hoàng phải làm kiểm điểm, tại sao quên lời? Đội văn nghệ xung kích sinh hoạt ba đêm liên tiếp. Một buổi trưa Hương nằm trên võng, trong khu vườn mít sum suê ở Vĩnh Nam, thì Hoàng đến bên, tiếng nói nhẹ như hơi thở: "Hương biết vì sao tôi quên lời không?". Nhác tập chớ gì? Không, là tại vì Hương đó. Sao tại tôi? Tại vì, Hương mặc bà ba, hóa trang tóc bạc, đẹp lắm Hương à. Tôi mải ngắm nhìn nên quên béng lời… Nhưng mà… chả giống gì một bà mẹ cả. Vậy giống ai? Giống nữ thần Hera! Thôi thôi, Hoàng đừng có bịa, tôi làm sao giống nữ thần Hera được. Tôi là chiến sĩ văn nghệ xung kích, tôi đang phấn đấu vào Đảng, Hoàng đừng lừa phỉnh tôi.

Trong ánh trăng đỏ nhuộm sẫm, Hoàng nhìn ra biển Cửa Tùng, cũng là một đại dương nhuốm màu đỏ máu. Sân khấu đã thay cảnh khác, bài trí giản tiện hơn, một căn phòng chan hòa ánh sáng, bộ sa-lông ở góc trái, bên phải là cánh cửa ra vào đặt chếch. Chính giữa phông nền sân khấu là hình vẽ khung cửa sổ có xuyên hoa, mà sau đó, phía xa vẫn hiện lên mặt trăng thật mười sáu vàng rộm ngoài đời. Mặt trăng chiếu ánh sáng thật của nó dàn trải lên bàn kính sa-lông, in rõ từng nét xuyên hoa điệu nghệ. Họa sĩ thật là tài ba, sao có thể thiết kế bối cảnh sân khấu tài tình như thế chứ? Hay là một ngẫu nhiên thôi, đêm diễn trùng vào mười sáu, mới có mặt trăng hiện diện như vậy, như một tiểu tiết của vở kịch?

Đêm đã khuya rồi, Hương! Gần sáng rồi, em hãy đi theo anh! Vô Sài Gòn, rồi sang bên đó, chúng ta sẽ thành người khác. Chả ai biết được chúng ta là ai. Còn ở đây, chiến tranh bao giờ mới kết thúc? Chúng ta cần sống có nhau, chúng ta cần… con cái. Em đẹp lắm, em sinh con cho anh, chúng ta sẽ có những đứa con xinh đẹp. Không, em không thể đi theo anh được. Mà ngược lại, anh phải đi cùng em mới đúng. Chúng ta sẽ trở về bên kia giới tuyến, xin chịu tội, anh ạ. Chúng ta có lỗi. Không, chỉ anh mới có tội thôi, còn em, một điệp báo viên Bắc cộng cài vào… Nhưng em đừng lo, chỉ mình anh biết điều này… Nhưng nếu em không đồng ý, thì ngày mai, chỉ vài giờ nữa thôi, tất cả đều biết, em sẽ bị hành hình. Hương, hãy nghe anh, xe ngoài kia rồi… Nữ thần Hê-ra của anh!

Hương ngồi xuống trên ghế sa-lông. Ánh trăng chiếu qua cửa sổ rơi lên mái tóc cô nhấp nhoáng, nét mặt đẹp, chiếc mũi cao và hàng răng trắng mịn. Đôi môi cô mím chặt. Nhiệm vụ thượng cấp giao cho cô bằng mọi cách tiêu diệt tên chỉ điểm mang bí số J8, ở Gio Linh, Quảng Trị. Mất gần 2 năm, cô được tổ chức bố trí qua Lào, rồi qua Thái Lan, rồi về Sài Gòn, rồi lộn ngược ra vùng giới tuyến khu phi quân sự với vỏ bọc phóng viên hãng tin UPI. J8, tên chiêu hồi, tên chỉ điểm cực kỳ nguy hiểm cần phải tiêu diệt ngay. Hắn nguyên chính trị viên phó Tiểu đoàn 47, trong một trận đánh không chịu nổi hy sinh gian khổ, đã chiêu hồi địch. Hắn đã chỉ điểm các vị trí đóng quân của Trung đoàn 270, vị trí các cơ quan dân chính đảng khu vực Vĩnh Linh đóng ở Bãi Hà, Vĩnh Nam, chỉ điểm hàng chục cơ sở của ta ở Gio Linh, Triệu Phong, Cam Lộ, vị trí các cửa địa đạo, bến vượt bí mật của ta dọc sông Bến Hải từ Cửa Tùng đến thượng nguồn. Điều nguy hiểm nhất, hắn lên đài phát thanh, ra rả tuyên truyền kêu gọi cán binh cộng sản chiêu hồi, đứng về phía quốc gia.

Hôm lang thang ở chợ Đông Hà chụp mấy bức ảnh đoàn chiến xa Mỹ tạm dừng nghỉ trước khi hành quân qua Nam Lào, Hương hỏi mua bà mạ bán bánh mì xíu, nói giọng Sài Gòn: Bao nhiêu một ổ vậy má. Hai mươi đồng bảy, má bán không? Bán mô được, à cô? Ba mươi đồng tư, cô có mua thì tui bán. Đúng ám hiệu. Bà mạ Đông Hà trao cho cô ổ bánh mỳ xíu, cô mang về phòng, mở ra, có tấm ảnh đen trắng: Hoàng! J8 là Hoàng. Hoàng là J8! Quay cuồng trong đầu óc cô.

Truyện dự thi: Sân khấu lúc nửa đêm - Ảnh 2.

* * *

Buổi sáng, mặt trời của mùa hè lên nắng rát. Hoàng lân la cùng các họa sĩ thiết kế tổ chức lại phông màn sân khấu. Đêm diễn còn tiếp tục. "Nửa đêm về sáng", câu chuyện kịch rất dài, chú mày biết không? Họa sĩ Dũng nói với Hoàng thế. Cô Hương phải viết bản kiểm điểm đấy, chú mày biết không? Tại sao thế ạ? Rất đơn giản, tại vì cô ấy mặc coóc-xê! Hehe! Sao vậy ạ? Chú mày không xem kịch à? Cháu ngủ quên mất. Cảnh công chúa đời Trần xé áo chạy ra phản đối vua cha áp đặt tình duyên, lộ ra phải là ngực trần chứ, sao cô Hương cố tình mặc áo coóc-xê? Như thế không đảm bảo tính chân thực lịch sử. Đấy, sinh hoạt kiểm điểm cô Hương là như thế. Chỉ một chi tiết vớ vẩn mà phá hỏng cả vở kịch. Một người con gái được mang bán gả, để thu về cả một vùng đất dài rộng cho đại quốc. Tình riêng, nghĩa chung. Gạt nước mắt chia ly, mà sao, bên vương quốc đó cũng làm hoàng hậu, mẫu nghi thiên hạ, sao phản đối được nhỉ? Không hiểu ông kịch tác gia Xuân Lư, ông đạo diễn Xuân Đàm nghĩ sao lại dựng vở khác sự thật lịch sử thế chứ. Lại còn bắt chúng tớ thiết kế sao cho mặt trăng mười sáu phải xuất hiện ngay trên sân khấu, mà là mặt trăng thật mới oái oăm chứ. Nhưng chú Dũng ơi, hôm qua cháu xem cảnh đó, sân bãi còn khán giả nào đâu, ngoài cháu? Chú mày nói gì, bãi đông nghịt người. Khán giả khóc như mưa cảm thương Hương công chúa…

Các họa sĩ đo vẽ cẩn thận, làm lại phông sân khấu nền trời xanh có các đám mây trắng, trên đó khoét một lỗ thủng vừa vặn kích thước mặt trăng. Các chú họa sĩ có nhìn thấy một mặt trăng màu đỏ, khác, ở phía Tây không? Làm gì có trăng đỏ? Họa sĩ Dũng trợn mắt ngạc nhiên. Hàm râu quai nón anh ấy nhướng lên nhướng xuống. Chỉ có mỗi một mặt trăng vàng trên sâu khấu đó thôi. À, thực ra là mặt trăng thật ngoài đời nhưng đã được Đoàn dân ca kịch Bình Trị Thiên chúng tớ đưa hẳn vào sân khấu. Sáng tạo đó nghe! Chả có gì đúng đắn và hiện thực hơn thế nữa đâu, chàng trai mơ màng.

Vậy nhưng đêm diễn tiếp tục, lúc nửa đêm về sáng công chúa đời Trần xé toang chiếc áo diêm sa lộng lẫy, "Các người không làm gì được tôi đâu", chạy vào cánh gà, Hoàng vẫn nhìn thấy công chúa mặc áo coóc-xê màu trắng ngời, lấp lánh kim tuyến bên làn da trắng. Rồi anh ngoảnh nhìn sau lưng, lại thấy mặt trăng đỏ hiển hiện phía Tây Nam. Sân bãi vắng lặng chỉ còn mình anh cùng mùi phân bò ngai ngái. Mùi cỏ bị chân người dẫm đạp. Có tiếng dế kêu ri rỉ… Sân khấu chuyển sang cảnh khác: Một chiến thuyền giữa biển. Hàng quân giáo gươm sáng chói. Cờ Đại Việt tung bay, tướng quân bước ra rút gươm chỉ về phương Nam: Này bọn giặc hèn hạ, thế trận ta đã dàn sẵn đây rồi. Sẽ chôn vùi như ở Bạch Đằng Giang!

Hương chạy vào cánh gà. Giữa đêm hè nhưng cô cảm thấy lạnh buốt, nhất là ở hai bầu ngực. Hai đầu vú đau buốt như có kim châm. Và cô cảm thấy nơi cửa mình ấm nóng. Đến ngày rồi, máu chảy!

Khi ấy, Hoàng muốn chạy lên cánh gà sân khấu để xem dì diễn viên tên Hương có làm sao không, vì anh đã thoáng nhìn thấy nét khổ đau cùng cực trên gương mặt đẹp đẽ sáng ngời của cô ấy. Và tận đáy lòng anh, chàng trai mười lăm tuổi, trong vô thức dâng lên ước muốn mơ hồ chiếm đoạt… Anh căng cứng, trí não đông sệt trong tích tắc. Nhưng may mắn làm sao, chỉ huy đêm diễn cho lệnh ngừng đêm diễn. Tướng quân thu gươm, tra vào vỏ. Mọi người lục tục thu dọn sân khấu, tẩy trang, cờ Đại Việt vẫn tung bay trên chiến thuyền và ánh trăng thật vàng ruộm của trần gian vẫn rọi vào sân khấu.

Hoàng trở về nhà ở phía Tây. Trăng đỏ. Vườn nhà xanh um tiêu chè, từng chiếc lá nhuốm màu trăng đỏ như từng lát tiết lửng lơ. Mạ chuẩn bị đi mô đó? Mạ đi biểu diễn ở địa đạo Vịnh Mốc, con ở nhà lo cho hai em nghe! Dạ, nhưng mạ đi lâu không mạ? Mạ đi hát phục vụ thương binh. Nhiều lắm con ạ, khi mô chuyển hết thương binh ra Bắc thì mạ về. Đoàn quân từ bờ bắc sông Bến Hải hành quân ngược ra, có nhiều cáng thương binh lặc lè. Chị Nồng ơi, đi thôi! Ơi ơi… Mạ đáp lời. Chờ tui với, dì Phú ơi… Này chị Nồng, chị đã thuộc lời vở "Đường biển" của Xuân Đức mới viết chưa? Đêm đi gác ầm ì sóng vỗ. Cố lọc nghe tiếng mẹ đất liền. Ui chao ui, em thấy hay hay chi lạ, chị Nồng nờ. Cái anh chàng Xuân Đức này hay thiệt, em… em… em… Dì Phú, dì yêu rồi đó, chớ chi?

* * *

Hương, gần sáng rồi em... Hãy quyết định đi em. Anh không thể đợi thêm được nữa. Đây là cơ hội cuối cùng, một tuần nữa anh phải theo Bộ tư lệnh Sư đoàn 1 hành quân qua Nam Lào. Chiến trận cận kề rồi đó. Anh phải… đi theo người ta! Cuộc hành quân Lam Sơn 7x9, em biết là gì không? Tin chiến lược đó nghe em. Quân lực Việt Nam cộng hòa sẽ tiến vào phần lãnh thổ Lào quanh khu vực đường 9, kéo dài từ biên giới tới thị trấn Sê-pôn. Đánh và rút. Không quân yểm trợ tối đa. Năm vạn rưỡi quân. Mười lăm trung đoàn bộ binh, ba thiết đoàn thiết giáp, hai mươi mốt tiểu đoàn pháo binh, cùng xe tăng, bọc thép, pháo vua chiến trường, máy bay các loại. Đó em nghe chưa. Anh tặng em những tin tuyệt mật này đó, em chuyển về Bắc mà nhận huân chương!

Nhưng Hương! Tôi nói cho cô biết, cô vĩnh viễn không thể rời khỏi căn phòng này, nếu không có sự đồng ý của tôi. Cô chỉ cần bước ra ngoài kia nửa bước, sẽ tan thây!

Anh Quân! À, tên thật của anh là Hoàng cơ mà! Tôi không ngờ anh là J8. Tên phản bội, tên chỉ điểm. Tôi còn nhớ anh đã nói với tôi bao nhiêu điều tốt đẹp, rằng Tổ quốc yêu thương, đất mẹ hiền hòa. Rồi, anh nói với tôi về nữ thần Hera. Tôi đã biết rồi, tôi được học rồi. Hera, nữ thần tàn nhẫn mười hai lần đày đọa, thử thách sự bất tử của dũng sĩ Hercules, con riêng của chồng là thần Zeus. Anh có biết thế nào là mẹ ghẻ con chồng không, hả? Anh có biết những tội ác của anh đã gây nên đối với nhân dân, với từng là đồng đội anh? Anh biết rõ bom đánh sập cửa hầm địa đạo Cửa Tùng, hàng trăm người chết ngạt. Anh đã chỉ điểm, đúng không! Sở chỉ huy Trung đoàn 270 di chuyển đến đâu, bom đánh đến đó.

Cô Hương, cô giỏi lắm. Tôi nhớ trong một chuyến cô vượt tuyến vào Nam làm địch vận thì tin báo về cô hy sinh, an táng tại mặt trận. Cả đội văn nghệ xung kích làm lễ truy điệu cô. Tôi đã đau khổ đến nhường nào cô biết không. Thực ra tôi là kẻ yếu đuối, lụy tình. Cô biết đấy, cô chết rồi, tôi còn lý tưởng gì? Ai ngờ, cô không chết, mà trở thành điệp viên! Đúng là… Tôi đã quá ngu dại. Hương! Cô đến đây để giết tôi. Nếu không giết được tôi… thì cô cũng không thể sống, đúng không? Giữa hai ta chỉ có ít nhất một người sống thôi. Tốt lắm, nhưng tôi muốn được chết vì tình yêu. Chỉ cần… Đây, súng đây! Chỉ cần cô nói một lời với tôi rằng, giả dối cũng được, rằng cô yêu tôi, cô không ghét tôi, không căm thù tôi… thì… cô có thể bắn tôi, bằng khẩu súng này… Tôi không muốn chết với danh nghĩa là một tên phản bội, ít nhất là đối với cô. Là một tên chỉ điểm! Cô tin những lời người ta nói về tôi à? Dối trá hết! Cô suy nghĩ đi, cô thông minh lắm mà, từ đầu cuộc chiến đến giờ, hay ít nhất từ khi tôi sang bên này đến giờ, có cấp chỉ huy nào Bộ tư lệnh Vĩnh Linh và trung đoàn 270 thiệt mạng không? Chính ủy Vũ Kỳ Lân vẫn khỏe chứ, trung đoàn trưởng Hoàng Đưỡm, trung đoàn phó kiêm tham mưu trưởng Phùng Bỉnh… Sao, vẫn an toàn chứ? Các kho tàng, nếu tôi không nhớ nhầm, bom pháo chỉ đánh vào kho rỗng, hoặc kho ít giá trị. Vua chiến trường chỉ bắn vào trận địa giả của các người… Cô tin vào các bản tin chiến sự mô tả thiệt hại của Bắc Việt? Ờ, nhưng dù sao cô cũng đang làm nghề phóng viên của hãng tin Mỹ, dù chỉ là vỏ bọc… Cô thực tin vào báo chí à?

Vậy còn giọng nói ai trên đài phát thanh? Hương chợt thảng thốt. Trên đài à? Lời nói trên đài đúng là tôi đó, nhưng có làm lung lạc được cô không? Hương?

Hoàng, anh là ai? Tôi à, là Hoàng. Trần Trọng Hoàng. Nhưng không. Tôi là Quân. Thiếu tá Quân lực Việt Nam cộng hòa Hoàng Quốc Quân!

Đến ngày thứ năm, mạ vẫn chưa về, trên đầu em trai út tự dưng mọc lên cái nhọt sưng tấy, khóc ngằn ngặt. Hoàng bồng em trai, dắt em gái đi tìm mạ. Đường đi dọc bờ biển, cát vàng rồi cát trắng. Những mũi biển nhô ra toàn đá đen mọc phủ rêu xanh mượt. Hoàng nhắc em gái Huyền Trân, đừng đi lên rêu, trượt ngã đó nghe… Bờ biển thanh khiết như thời tiền sử. Và sóng vỗ vào bãi cát mềm mại. Tiếng sóng lao xao, dường như từ bờ đá Bến Nghè đảo Cồn Cỏ ngoài xa, lan tới. Các chú dân quân dẫn ba anh em Hoàng chui xuống địa đạo Vịnh Mốc. Thương binh nằm la liệt, tiếng rên khắp nơi.

Ở nơi gọi là hội trường, một khoảng không gian trong địa đạo được mở rộng khẩu độ bất ngờ, Hoàng thấy mạ và hai dì Kim Phú, Thanh Du đang đứng hát. Mạ cao nên đứng giữa, được thẳng người, dì Phú một bên, dì Du một bên đều nghiêng đầu vào vai mạ do vướng vòm địa đạo. Họ hát những bài dân ca Bình Trị Thiên, dàn nhạc có cậu Trọng đàn nhị, cậu Thai đàn nguyệt và ai đó bộ gõ dân tộc.

Cậu Xuân Đức chỉ huy buổi diễn, đứng cuối hội trường, giơ tay chỉ đạo. Địa đạo bỗng rung lên bần bật. Đèn măng-sông tắt ngóm. Trong bóng tối, nghe tiếng cậu Xuân Đức vang lên rành rọt. Kính thưa các đồng chí cán bộ, thương binh, bệnh binh, chiến sỹ, dân quân Vịnh Mốc, địch đang đánh B52 trên đầu chúng ta nhưng buổi biểu diễn vẫn tiếp tục. Đội văn nghệ xung kích của trung đoàn 270 xin được tiếp tục phục vụ các đồng chí vở kịch thơ "Đường biển", nội dung ca ngợi cuộc chiến đấu anh hùng của bộ đội Cồn Cỏ giữa vòng vây của giặc Mỹ, vẫn kiên cường đánh trả và chiến thắng. Nhạc, bắt đầu!

Mạ cất lên câu hát đầu tiên:

Ngày xưa người dân miền biển

Chẳng bao giờ vượt sóng Đông ngang

Gió Đông ngang nên chàng xa thiếp

Trai gái trong làng gửi nỗi buồn vào câu hát

Lời ca nghẹn lại nửa chừng…

Và, bất ngờ, từ trên nóc vòm địa đạo, đúng chỗ các diễn viên đang biểu diễn, lòng đất đỏ trên đầu họ mở ra một khoảng trống thấu suốt lên tận mặt đất, gió lùa mát rượi, thổi khô ngay mồ hôi đầm đìa trên người mạ. Và từ từ, hẳn nhiên một mặt trăng sáng vàng rượi mười sáu dần tiến vào, lấp đầy khoảng trống ấy. Ánh sáng dần lên, chiếu rõ từng sợi tóc của mạ và dì Phú, dì Du, rất xanh. Soi rõ từng ngón tay bấm phím đàn của cậu Trọng, cậu Thai điệu nghệ. Ánh sáng cũng hắt vào gương mặt đen sạm, đăm chiêu của cậu Xuân Đức, giờ đã ngồi xuống trên nền địa đạo, sát cạnh một chú thương binh băng trắng quanh người. Cậu Xuân Đức gõ nhịp… "Đường biển", tác phẩm thi ca quan trọng của cậu cho đến lúc này, cậu đã viết nó suốt một đêm trắng sau khi từ Cồn Cỏ trở về đất liền, trong căn hầm chữ A nồng nặc mùi thuốc lá "bọ xeng". Và cậu Xuân Đức lúc đó không thể, không hề và không cần biết mình rồi sẽ trở thành nhà văn, kịch tác gia nổi tiếng, sau này.

* * *

Đêm diễn này, sân bãi Viện điều dưỡng Cửa Tùng chen kín đông đặc người. Đoàn dân ca kịch Bình Trị Thiên đã diễn ở đây bao nhiêu đêm rồi, chả ai nhớ nữa, nhưng phần cuối vở kịch chưa đến. Kịch chưa kết thúc. Vậy thì phải diễn tiếp thôi. Chỉ huy đêm diễn nói vậytừ hậu đài, với khán giả."Nửa đêm về sáng", mãi có thấy sáng đâu, nhưng giờ sẽ phải kết thúc, để đoàn còn đi biểu diễn phục vụ đồng bào Bru - Vân kiều trên Hướng Hóa, Khe Sanh. Đã sắp qua mùa hè năm 198x rồi, gần đến thu rồi, lúc đó trời sẽ lạnh và có mây. Mà lạ, sao đêm nào cũng có trăng mười sáu vậy nhỉ? Mặt trăng chẳng già đi?

Bốn mạ con Hoàng ăn cơm sớm, để ra bãi xem. Mạ và em gái Huyền Trân mười một tuổi xách theo chiếc ghế nhỏ. Hoàng đi tay không, anh nghĩ mình lớn rồi, đã là thanh niên, sẽ ngồi bệt lên cỏ.

Sân khấu bài trí đơn sơ. Một chiếc xe Jeep dừng lại bên đường, những bụi cây sim mua và đá mồ côi lúp xúp. Phông nền sân khấu vẽ cảnh núi non Trường Sơn trùng điệp, nhưng vẫn như thường lệ, khi mặt trăng lọt vào khoảng trống khoét sẵn trên tấm phông, Hoàng từ trên xe bước xuống, anh mặc quân phục sỹ quan Việt Nam cộng hòa, tiến đến bên Hương đứng ở góc phải sân khấu. Đèn hai bên cánh gà chiếu lên phông những ngôi sao li ti chuyển động. Âm nhạc điệu slow da diết. Hương, sau khi tôi bắn chỉ thiên hai phát, thì cô chạy nhé, chạy qua thung lũng kia, vượt đường 9, rồi tìm cách vào Huế. Tới đó, cô sẽ an toàn! Còn anh thì sao? Tôi à? Tôi - Hoàng Quốc Quân hay tôi - Trần Trọng Hoàng? Cả hai! Anh sẽ ra sao, mà anh, rốt cuộc, là ai vậy? Thôi, chúng ta nói chuyện nhiều rồi! Tôi là ai không quan trọng. Nhưng tôi cảnh báo cô, tuyệt đối không được trở lại bên kia vĩ tuyến 17. Không! Cô không được làm thế, vì đó là sinh mạng của cô, và cả của tôi, của nhiều người nữa. Cô nhớ chưa!

Hoàng rút súng ngắn bắn lên trời hai phát. Tiếng nổ âm u, đùng đục. Nhưng Hương vẫn không dịch chuyển. Cô ngồi xuống bên lùm sim tím… Anh là ai, anh phải nói ra thì tôi mới… Hay là anh lừa tôi, anh sẽ bắn vào… lưng tôi? Hừ! Hoàng gầm lên. Khuôn mặt anh cứng đờ như đá.

Đến đó, thì mạ đưa Hoàng bồng em trai út, đứng dậy đi về sân khấu. Lúc này, mặt trăng đỏ bắt đầu xuất hiện ở phía Tây Nam, chiếu ánh sáng đỏ nhuộm đến từng lá cỏ. Sân bãi chợt vắng tanh, chỉ còn ba anh em Hoàng trơ trọi. Hương, cô chạy đi. Ân huệ giành cho cô đó. Cô có biết rằng, tôi yêu cô đến như thế nào, không hả? Hoàng tựa lưng vào thành xe Jeep, run rẩy rút thuốc lá ra châm. Ngọn gió từ biển thổi ngay vào khoảng trống giành cho mặt trăng trên phông màn, làm tắt ngọn lửa. Vậy cô không muốn sống thật hả, được, tôi sẽ cho cô toại nguyện. Hoàng kéo khóa nòng, lên đạn. Hương đứng dậy, im ắng như thế chừng hai mươi giây. Và hệ pa-lăng thiết bị ván trượt, dưới chân Hương, theo lệnh chỉ huy đêm diễn, từ từ đưa cô rời sân khấu, vào cánh gà.

Không thấy mạ đâu, Hoàng chuyển em trai út cho em Huyền Trân giữ, anh chạy lên sân khấu, thì ra mạ đã hóa trang từ lúc nào, giống hệt diễn viên - nhân vật Hương. Mạ bước vào sân khấu khi thiếu tá Hoàng vẫn còn đứng đó, châm thuốc nhìn về thung lũng xa xôi. Mạ diễn, giọng Sài Gòn cao lảnh lót: Hoàng! Anh không biết anh là ai nhưng tôi thì biết! Anh tài giỏi lắm Hoàng, anh đã lừa được tất cả mọi người, nhưng anh không lừa được tôi đâu! Thiếu tá Hoàng sững sờ: Hương, cô chưa đi à? Cô còn muốn gì? (Nhưng, điều này không có trong kịch bản - anh nói nhỏ). Cô đi đi chứ, vào Huế, rồi vào Sài Gòn, hãy chuyển bản tin mật cho thượng cấp của cô! Không, đó là trong vở kịch "Nửa đêm về sáng", còn đây, mới là cuộc đời. Mạ chìa ra khẩu súng K54. Đó là một khẩu súng thật, không phải đạo cụ.

Nữ diễn viên Hương hãy còn nán lại bên cánh gà, Hoàng vừa từ dưới bãi lên nắm lấy tay cô: Chuyện chi rứa dì? Dì cũng không biết nữa, trong kịch bản không có cảnh này. Rồi Hoàng cảm giác năm ngón tay mình như đang nắm vào không khí… Đúng vậy, không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra thật: Nữ diễn viên - nhân vật Hương đang đứng cùng anh bất ngờ từ từ mờ dần, rồi vô hình, tan biến. Anh quay nhìn xuống sân bãi Viện điều dưỡng Cửa Tùng, cũng thế: Hình ảnh em gái Huyền Trân đang bế em trai út của Hoàng cũng mờ dần, rồi biến mất, trong không gian nhuốm màu đỏ từ mặt trăng kỳ dị chưa từng xuất hiện trên đời này. Không còn ai nữa… Và, thật đau đớn, đến lượt Hoàng, chàng trai mười lăm tuổi - chính anh - cũng đang từ từ tan biến. Anh cố cưỡng lại điều đó, muốn chạy hẳn ra giữa sân khấu ôm lấy mạ anh đang diễn với người đàn ông mặc quân phục thiếu tá Việt Nam cộng hòa. Anh gọi "Mạ ơi" nhiều lần, nhưng chả có âm thanh nào vang lên. Câm bặt…

Còn lúc đó, trên sân khấu, thiếu tá Hoàng chạy lại nắm lấy tay người đàn bà sắm vai Hương, đang diễn tiếp một cảnh ngoài kịch bản. Anh nhận ra chính là mẹ mình. Anh thốt lên: Mạ, con đây mà! Con không phải là Hoàng, cũng không là Quân, con là con của mạ. Thật mà. Mạ đừng bắn, súng thật đó mạ ơi. Đây, năm con sáu tuổi, nghịch phá quá mạ lấy roi dương đánh rất đau, sẹo còn đây này. Mạ tin chưa? Mạ tên là Lê Thị Bích Nồng, quê ở làng Cổ Trai, xã Vĩnh Giang, còn con, là… Thiếu tá Hoàng thổn thức, là con trai của mạ. Thực ra, "Nửa đêm về sáng" là kịch bản con viết, con đạo diễn, con diễn xuất, con sắm vai tất cả. Tất là là của con, từ con. Đảm nhiệm hết thảy. Và con vẫn còn… đ…a…n…g… v…i…ế…t…

Nhưng văn bản đã biến mất rồi. Tất cả nhân vật, cốt truyện, cảnh huống... đã biến mất! Toàn bộ hiện thực đã sụp đổ. Còn lại, mạ thấy đó, chỉ huy đêm diễn, ông ta đã làm gì, đang làm gì? Ông ta ở đâu, sao mạ con ta không nhìn thấy? Chắc chắn ông ta phải ở đâu đó chứ. Ông ta sẽ xoay xở ra sao với "Nửa đêm về sáng" dở dang này?

Thiếu tá Hoàng không diễn nữa, anh đứng quay lưng về bãi trống, nơi đó từng tồn tại rất đông người xem. Anh ôm lấy mạ, bất chấp quy tắc sân khấu diễn viên không được đứng khuất lấp nhau.

7/1/2020

Truyện dự thi: Sân khấu lúc nửa đêm - Ảnh 3.