Thiết kế
Theo thiết kế, tàu tên lửa cao tốc của Đài Loan Tuo River có chiều dài 60,4m; rộng 11m và được vận hành bởi kíp thủy thủ 41 người, có thể đạt vận tốc chạy khá nhanh trên biển, tới 38 hải lý/giờ (70km/giờ) và tầm hoạt động 2.000 hải lý.
Tou River thường được so sánh với tàu tên lửa Type 022 của Trung Quốc, do có nhiều điểm tương đồng trong thiết kế. Khi được hỏi về vấn đề này, Đô đốc hải quân Đài Loan Chen Yung-kang khẳng định, Tou River vượt trội hơn Type 022 của Trung Quốc rất nhiều.
Cựu bộ trưởng quốc phòng Đài Loan từng ca ngợi Tuo River là con tàu “nhanh nhất và hỏa lực mạnh nhất châu Á”. Tuo River cũng đồng thời là nguyên mẫu cho 11 chiếc tàu khác được đóng cho Hải quân Đài Loan.
Vũ khí
Theo các nhà phát triển, phiên bản tàu chiến ven bờ này của Đài Loan được trang bị vũ khí mạnh với 16 tên lửa chống hạm. Dựa theo mô hình trưng bày tại triển lãm, con tàu có thể cùng lúc mang theo 2 loại tên lửa là Hsiung Feng II và Hsiung Feng III.
Tên lửa HF-II có tầm bắn tối đa 130km với tốc độ lên đến Mach 2, trong khi đó tên lửa HF-III có tầm bắn tối đa 160km với tốc độ cận âm. Ngoài ra tàu còn được trang bị 1 pháo cỡ nòng 76mm, 4 súng máy 12,7mm và hệ thống phòng thủ tầm cực gần (CIWS) Phalanx 20mm. Tàu có sàn đáp cho 1 trực thăng cỡ trung (khoảng 10 tấn) có thể cất/hạ cánh (không có nhà chứa trực thăng).
Tuo River cũng được ứng dụng công nghệ thiết kế tàng hình, kết hợp với tốc độ di chuyển cực nhanh của nó sẽ tăng cường đáng kể khả năng tiếp cận lại gần các mục tiêu tiềm năng. Con tàu 2 thân hiện đại sử dụng công nghệ tàng hình để giảm độ phản xạ sóng radar, khiến nó trở nên khó phát hiện hơn.
Theo ông Aleksey A Maslov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học hữu nghị nhân dân của Nga, tàu Tuo River không được phát triển với mục đích đánh chìm các tàu sân bay của Trung Quốc. Thay vào đó, nó có khả năng phá vỡ hệ thống radar và thông tin liên lạc của tàu sân bay. Điều này cản trở việc khởi động máy bay chiến đấu và trực thăng trên tàu.