Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa có báo cáo tổng hợp gửi các đại biểu Quốc hội về kết quả phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).
Do còn nhiều ý kiến khác nhau về việc cấm hay không dịch vụ kinh doanh đòi nợ, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết đã gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH về nội dung này.
Kết quả, trong 409 phiếu xin ý kiến ĐBQH, có 317 phiếu (77,51%) ủng hộ quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ; 91 phiếu (22,25%) tán thành việc không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ; 1 phiếu không chọn phương án nào. Ngoài ra, một số đại biểu cũng có ý kiến khác.
Bình luận về vấn đề này, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, việc đưa ra đề xuất cấm loại hình dịch vụ đòi nợ của các ĐBQH tại phiên họp vừa rồi là không phù hợp cả về khía cạnh pháp lý lẫn thực tiễn.
Theo vị luật sư, loại hình hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực chất là việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, dựa trên quan hệ cung cầu của xã hội. Nếu xã hội không có nhu cầu thì loại hình dịch vụ này sẽ tự biến mất chứ không cần thiết phải cấm.
Khi xã hội có nhu cầu mà không được đáp ứng sẽ dẫn đến việc hoạt động này một cách lén lút, khó quản lý và có thể gây nên nhiều hệ lụy phức tạp hơn, giống như trong vấn đề về mại dâm.
Dù pháp luật không cho phép hoạt động mại dâm nhưng do nhu cầu tất yếu của xã hội, hoạt động này vẫn diễn biến hết sức phức tạp và không thể quản lý được, đến mức đã có những ý kiến cho rằng nên hợp thức hóa hoạt động mại dâm để dễ quản lý, tăng thu ngân sách và giảm bớt hệ lụy mà vấn nạn này mang lại.
Mặt trái thì ngành nghề nào cũng có mặt trái của nó, vì vậy, đối với những nhu cầu mà xã hội cần, phải có cách thức quản lý phù hợp để nó phát triển đúng hướng.
Về khía cạnh pháp lý, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã có hành lang pháp lý để điều chỉnh, quản lý được quy định tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ và Nghị định 96/2016/NĐ-CP về điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Theo đó, tại những văn bản pháp luật này quy định rất rõ để được phép hoạt động kinh doanh, dịch vụ đòi nợ phải đảm bảo điều kiện như thế nào, chế độ báo cáo định kỳ ra sao, nhân viên làm việc cho cơ sở kinh doanh loại hình này thì phải có lý lịch như thế nào, những hoạt động nào được phép làm và không được phép.
Đồng thời, cơ sở kinh doanh hoạt động cung cấp dịch vụ đòi nợ phải xử lý nợ theo quy định của pháp luật, để xảy ra vấn nạn hoạt động đòi nợ biến tướng theo kiểu xã hội đen, đòi nợ bằng vũ lực thì phần lớn đến từ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền chưa thật sự sâu sát trong công tác quản lý hoạt động, chưa tiến hành điều tra, xác minh làm rõ, chưa xử lý nghiêm đối với những vụ việc vi phạm pháp luật để đảm bảo tính răn đe.
Thêm vào đó, mặc dù quan điểm cho rằng cấm kinh doanh hoạt động đòi nợ bởi quan hệ vay - trả nợ là quan hệ hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế và Nhà nước đã có đầy đủ hệ thống luật pháp, cơ quan bảo vệ, thi hành pháp luật như toà án, viện kiểm sát, thi hành án… để xử lý vấn đề này.
Tuy nhiên, quá trình giải quyết thu hồi công nợ bằng biện pháp khởi kiện, thi hành án này mất rất nhiều thời gian, trải qua nhiều giai đoạn, thậm chí lên đến vài năm mới có thể giải quyết mà hiệu quả thu được còn thấp.
Dựa trên số liệu năm 2018, thi hành án dân sự cả nước thu hồi được trung bình 32% giá trị tài sản có khả năng thi hành. Tức là, chỉ tính những trường hợp người nhận nợ còn tài sản, không tính người nhận nợ đã tay trắng (nếu tính cả những trường hợp này, thì chắc chắn, con số thấp hơn 32% rất nhiều).
Trong khi theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp thuê dịch vụ đòi nợ đạt hiệu quả tới 90%. Bởi thế, đa số người dân không chọn con đường giải quyết thông qua tòa án.
Ngoài ra, nếu cấm hoạt động dịch vụ đòi nợ thì những cơ sở kinh doanh loại hình này một cách hợp pháp sẽ được xử lý ra sao, công tác đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động tại những cơ sở này cũng là một vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định.
Vì vậy, thay bằng tư duy không thể quản lý thì cấm, Nhà nước nên bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, trình tự, thủ tục tiến hành bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này. Đồng thời cải thiện, nâng cao chất lượng xử lý vụ việc giải quyết tranh chấp đòi nợ tại tòa án và cơ quan thi hành án, đảm bảo quá trình này được nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Đồng quan điểm với luật sư Trần Tuấn Anh, luật sư Đặng Văn Cường cũng cho rằng, nếu cơ quan chức năng quản lý tốt về dịch vụ đòi nợ theo quy định pháp luật, kịp thời phát hiện xử lý những trường hợp đòi nợ không có đăng ký hoạt động hoặc người thực hiện hoạt động đòi nợ không đủ điều kiện tham gia dịch vụ đòi nợ theo quy định pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dịch vụ đòi nợ để xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, tài sản, danh dự nhân phẩm của người khác thì dịch vụ này sẽ hoạt động lành mạnh và phát huy hiệu quả trong xã hội.