Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Hoài Vũ, Trưởng Văn phòng Luật sư Đặng Hoài Vũ & Đồng sự, Đoàn Luật sư TP.HCM.
Thưa ông, theo quy định pháp luật những hành vi nào đối với nhà thầu bị cấm trong tham gia đấu thầu?
Theo Luật Đấu thầu 2013, các hành vi bị cấm trong đấu thầu bao gồm: Đưa, nhận, môi giới hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận; Cản trở; Không bảo đảm công bằng, minh bạch; Tiết lộ, tiếp nhận những tài liệu, thông tin liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, kết quả lựa chọn thầu, các tài liệu khác được đóng dấu mật theo quy định của pháp luật; Chuyển nhượng thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn tới tình trạng nợ đọng vốn của nhà thầu.
Như thông tin Dân Việt đã đăng, việc Công ty CP Đầu tư và xây dựng công nghiệp số 9 có dấu hiệu "phù phép" giấy tờ để trúng thầu, chủ đầu tư cũng có lỗi, vậy theo ông, trách nhiệm của chủ đầu tư trong thẩm định, lựa chọn nhà thầu ra sao?
- Cũng theo Luật đấu thầu 2013 và các văn bản hướng dẫn quy định cụ thể về trách nhiệm của chủ đầu tư (bên mời thầu) trong quá trình lựa chọn nhà thầu, trách nhiệm đánh giá và thẩm định hồ sơ dự thầu là đặc biệt quan trọng ảnh hưởng đến kết quả trúng thầu.
Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp, chủ đầu tư hoặc các đơn vị tư vấn đấu thầu được chủ đầu tư mời để thực hiện thường bỏ qua khâu thẩm định, xác minh sự "tồn tại" của các tài liệu đấu thầu (như hồ sơ năng lực, hợp đồng đã thực hiện trước đó…) mà chỉ dựa trên cơ sở các hồ sơ nhà thầu cung cấp đủ loại, đủ số lượng.
Đồng thời, dựa vào đơn giá dự thầu hay giá trị hợp đồng đã thực hiện trước đó hoặc quy mô của các đối tác để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Trong trường hợp bài báo mà Dân Việt nêu, chủ đầu tư rõ ràng đã có lỗi khi không làm đúng trách nhiệm của mình, để xảy ra việc gian lận trong quá trình đấu thầu.
Tuy nhiên, cần xem xét khách quan yếu tố lỗi là do trình độ chuyên môn nghiệp vụ kém hay do sự cẩu thả, chủ quan trong quá trình đánh giá, thẩm định hồ sơ hay thậm chí có thể là lỗi do chủ đầu tư cố ý, biết nhà thầu không đủ năng lực nhưng vẫn cố tình bỏ qua, thông đồng với nhà thầu.
Nếu có sai phạm, hình thức xử lý sẽ như thế nào thưa ông?
- Về các hình thức xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu: Trước tiên, việc gian lận trong đấu thầu sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý là kết quả thầu bị hủy.
Mặt khác, theo Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật đấu thầu, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà hiện nay có 4 hình thức xử lý vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu, bao gồm: Cảnh cáo, phạt tiền; Cấm tham gia hoạt động đấu thầu; Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu mà cấu thành tội phạm theo quy định pháp luật về hình sự; Đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu còn bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, cấm tham gia hoạt động đấu thầu
Bên cạnh đó, nếu hành vi vi phạm đấu thầu của chủ đầu tư dẫn đến thiệt hại cho các bên liên quan khác thì phải bồi thường thiệt hại theo Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Mức bồi thường được xác định theo quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại trong dân sự, trong thương mại.
Công ty CP Đầu tư và xây dựng công nghiệp số 9 có dấu hiệu "phù phép" biến không thành có, ông thấy mức độ sai phạm của họ ra sao?
- Hành vi của Công ty CP số 9 là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đấu thầu. Cụ thể ở đây là họ đã gian lận khi cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu; lập hồ sơ dự thầu không trung thực.
Bên cạnh đó, nhà thầu còn có dấu hiệu làm giả tài liệu, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Nếu cơ quan chức năng xác minh, khẳng định được điều này, nhà thầu còn có thể bị truy tố về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" theo quy định tại Điều 341 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Xin cảm ơn ông!