Như đã thông tin, tối 5/6, lãnh đạo TAND cấp cao tại TP.HCM ký quyết định kháng nghị vụ án tai nạn giao thông xảy ra tại Bình Phước.
Theo đó, kháng nghị cho rằng bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Phước và bản án sơ thẩm của TAND TP.Đồng Xoài chưa làm rõ nhiều vấn đề như: Lời khai của Lâm Tươi, chưa giám định tốc độ xe của Lâm Tươi.
Từ đó, TAND cấp cao tại TP.HCM kháng nghị theo hướng hủy cả hai bản án để điều tra, xét xử lại.
Sau quyết định này của TAND cấp cao tại TP.HCM, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, vậy diễn biến tiếp theo của vụ việc sẽ diễn ra thế nào?
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt được áp dụng khi bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Thủ tục này là hình thức đảm bảo pháp chế XHCN trong tố tụng dân sự.
Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bao gồm: Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Theo vị luật sư, sau khi có quyết định kháng nghị, một Hội đồng xét xử giám đốc thẩm sẽ được thành lập để xem xét các nội dung kháng nghị. Sau khi xem xét sẽ có môt số trường hợp xảy ra, cụ thể:
Trong trường hợp, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm nhận thấy kháng nghị là có căn cứ, sẽ ban hành bản án giám đốc thẩm theo hướng chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM, hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã xét xử đối với vụ án này, giao hồ sơ lại cho toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại từ đầu.
Còn trong trường hợp sau khi nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án được chuyển lên, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm nhận thấy kháng nghị là không có căn cứ pháp luật, việc xét xử vụ án ở hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã đúng, không có việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, không có việc sai phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, dẫn đến xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án, ảnh hưởng đến bản chất vụ án thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm sẽ ban hành bản án theo hướng bác nội dung kháng nghị, giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên đối với vụ án này.
Còn theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), sau khi mở phiên tòa, Hội đồng giám đốc thẩm sẽ ra quyết định giám đốc thẩm nêu rõ nhận định của Hội đồng giám đốc thẩm, trong đó phải phân tích những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng nghị và Quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm.
Hội đồng giám đốc thẩm phải xem xét toàn bộ vụ án mà không chỉ hạn chế trong nội dung của kháng nghị. Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm là có thể không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án; sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.
Nếu Hội đồng giám đốc thẩm quyết định hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định, hồ sơ vụ án phải được chuyển cho Viện kiểm sát cùng cấp để điều tra lại theo thủ tục chung.
Quay lại vụ việc trên, quyết định kháng nghị giám đốc thẩm nêu rõ: Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng khoảng 14h ngày 15/1/2017, sau khi đã uống rượu, ông Lương Hữu Phước điều khiển xe mô tô chở ông Trần Hữu Quý lưu thông trên đường Nguyễn Huệ theo hướng từ ngã tư Sóc Miên đi trạm điện 110kV.
Khi đang lưu thông trên đường, ông Phước không tuân thủ quy tắc giao thông, chuyển hướng xe không quan sát, không nhường đường cho xe đi ngược chiều, vi phạm khoản 2 Điều 15 Luật giao thông đường bộ, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông với xe mô tô do ông Lâm Tươi điều khiển.
Tòa án cấp sơ thẩm cũng nhận định tương tự, xác định việc tai nạn xảy ra là do ông Lương Hữu Phước điều khiển chuyển hướng xe môtô không nhường đường với xe đi ngược chiều gây ra vụ tai nạn giao thông.
Trong khi đó, tại bản án hình sự phúc thẩm số 66 ngày 9/10/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã đặt ra rất nhiều nội dung cần điều tra lại để làm rõ nhưng cơ quan điều tra đã không làm rõ và kết luận những vấn đề được nêu trong bản án trên.
Như vậy, nhận định của Tòa án cấp phúc thẩm và Tòa án cấp sơ thẩm sau khi vụ án được điều tra lại vẫn chưa xem xét đầy đủ đến tất cả các nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn làm người bị hại Trần Hữu Quý tử vong.
Ông Lương Hữu Phước là bị cáo trong vụ án nêu trên. Bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 3 năm tù giam, ông Phước đã kháng cáo kêu oan. Trong phiên tòa phúc thẩm sáng 29/5, TAND tỉnh Bình Phước tuyên y án sơ thẩm.
Kết thúc phiên xử, ông Phước về nhà. Tuy nhiên, chiều cùng ngày, người đàn ông này đi lên lầu 2 trụ sở TAND tỉnh Bình Phước, tay cầm chai thuốc trừ sâu. Một lúc sau, những người ở tòa án nghe tiếng động lớn chạy ra thì thấy ông Phước nằm bất động ở dưới sân. Ông Phước được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng tử vong sau đó.