Đề xuất nạp thẻ điện thoại phải nhập số CMND
Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông vừa đề xuất chủ thuê bao nhập kèm số chứng minh nhân dân hoặc mã số căn cước công dân hoặc hộ chiếu, ngày cấp trong một lần nạp thẻ điện thoại.
Theo Thanh tra Bộ, có nhiều nguyên nhân khiến sim rác vẫn tồn tại trên thị trường bao gồm việc lợi dụng quy định cá nhân, tổ chức có thể đăng ký sử dụng nhiều thuê bao để thực hiện các thủ tục đăng ký thông tin cho nhiều SIM rồi thực hiện việc bán SIM đã kích hoạt trước.
Theo ông Đỗ Hữu Trí - Phó Chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, quy định này nhằm cập nhật chính xác thông tin thuê bao và khách hàng chỉ cần nhập số chứng minh nhân dân một lần nạp thẻ. Sau lần đó, việc nạp thẻ sẽ diễn ra bình thường như trước.
Cụ thể, trong trường hợp các thông tin này trùng với thông tin trong cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp viễn thông sẽ cho phép nạp tiền vào tài khoản.
Còn trường hợp không trùng khớp, sẽ có thông báo bằng tin nhắn đến chủ thuê bao yêu cầu đến điểm cung cấp dịch vụ viễn thông để cập nhật lại thông tin. Việc này sau đó đã có nhiều ý kiến trái chiều, theo một số người dân
Nhiều ý kiến trái chiều
Không ít ý kiến tranh luận khác nhau liên quan đến vấn đề này.
"Cha mẹ tôi còn chưa biết nạp thẻ, mua toàn nhờ người ta nạp dùm, giờ bảo nhập cả CMND này thì ông bà phải làm sao? Thời gian trước tôi phải xin nghỉ cả ngày để về chở cha mẹ tôi đi đăng ký đầy đủ thông tin, có cả chụp ảnh tại chỗ luôn, sao giờ lại bắt phải nhập thêm?", anh Trung Đặng (28 tuổi, trú tại Hà Nội) cho biết.
Chị Hồng Mỹ (41 tuổi – Hà Nội) cho rằng, việc nhập yêu cầu CMND là không khả thi và mất thời gian.
"Chỉ cần soạn tin nhắn TTTB gửi 1414 sẽ trả về thông tin số chứng minh và ngày cấp. Theo tôi trường hợp một số chứng minh nhân dân đăng ký thêm một số điện thoại từ số thứ 2 thì gửi mã OTP vào số điện thoại đầu tiên đã đăng kí. Tránh trường hợp đại lý tự ý đăng ký", chị Mỹ cho biết.
Trong khi đó, một số người dân cho rằng đây là điều hoàn toàn phù hợp và nên làm.
Ông Minh Châu (58 tuổi – Hà Nội) nói, tình trạng kẻ xấu lợi dụng sim rác để quấy nhiễu khách hàng rất nhiều nên ngăn chặn được sim rác là rất tốt.
"Hiện nay kẻ xấu thường lợi dụng sim rác để quấy nhiễu khách hàng, nói xấu, vu khống danh dự công dân, thậm chí sử dụng sim rác để làm việc sai trái, gây khó khăn cho việc điều tra. Nên nhập mã số CMND khi nạp thẻ sim trả trước là rất tốt .
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, nhiều khách hàng sợ lộ thông tin cá nhân. Việc này, Bộ Thông tin truyền thông phải làm hết trách nhiệm tháo gỡ ngay những vướng mắc, đảm bảo quyền lợi cho cho người sử dụng!", ông Châu nói.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, đại diện một nhà mạng (đề nghị giấu tên) cho biết, sắp tới đơn vị sẽ kiến nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông về vấn này vì còn một số bất cập.
"Đơn vị sẽ kiến nghị Bộ xem xét lại việc cung cấp số CMND và ngày cấp khi nạp thẻ điện thoại, bởi sẽ gây khó khăn cho người dùng đặc biệt là những người lớn tuổi hoặc những trẻ chưa làm chứng mình nhân dân hoặc căn cước công dân.
Bên cạnh đó, việc người dân lo lắng bị đánh cắp thông tin là không có cơ sở, vì những thông tin khách hành được bảo đảm tuyệt đối và bí mật", đại diện nhà mạng nói.
Luật sư nói gì?
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Lê Cao - Văn phòng luật sư Đà Nẵng cho biết:
"Đề xuất của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông về mặt thực tiễn sẽ không có hiệu quả. Thứ nhất, người sử dụng sẽ có thể đối phó bằng việc dùng CMND giả.
Thứ hai, việc sử dụng CMND có thể sẽ là cơ hội của thị trường thông tin cá nhân gây ra rất nhiều phiền toái đối với thuê bao sử dụng. Ví dụ: việc CMND không chính chủ dẫn đến đổ lỗi cho người khác, gây ra khó khăn trong quá trình điều tra.
Thứ 3, theo Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, điều 17 nêu rõ:
1. Tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm sau đây:
a) Tiến hành thu thập thông tin cá nhân sau khi có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó;
b) Chỉ sử dụng thông tin cá nhân đã thu thập vào mục đích khác mục đích ban đầu sau khi có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân;
c) Không được cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân mà mình đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba, trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm bảo mật, lưu trữ thông tin cá nhân do mình thu thập.
3. Chủ thể thông tin cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân cung cấp thông tin cá nhân của mình mà tổ chức, cá nhân đó đã thu thập, lưu trữ."