Vẫn xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp nhưng giảm chỉ tiêu
Đáng chú ý, hầu hết các trường ĐH vẫn tiếp tục xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Tuy nhiên, tỷ trọng xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp giảm so với năm 2019 do lo ngại độ phân hóa của đề thi không cao.
Trường ĐH Ngoại thương tiếp tục xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia nhưng chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng chỉ tiêu, các chỉ tiêu còn lại nhà trường chia đều cho các phương thức xét tuyển khác như xét tuyển học sinh giỏi, học sinh trường THPT chuyên, học sinh có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế, học sinh được tuyển thẳng.
Một số trường ĐH tại TP.HCM như ĐH Kinh tế, ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Nông Lâm, ĐH Công nghiệp Thực phẩm… đều giảm mạnh tỷ trọng xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT xuống còn khoảng 20-40%, số chỉ tiêu còn lại nhà trường dành cho các phương thức xét tuyển khác. Lãnh đạo một số trường ĐH cho rằng, việc giảm tỷ trọng xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT chủ yếu do lo ngại mức độ phân hóa trong đề thi tốt nghiệp không cao, toàn bộ quy trình tổ chức thi, chấm thi sẽ giao cho các địa phương thực hiện, chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, rất nhiều trường ĐH lại xét tuyển bằng điểm học bạ THPT với chỉ tiêu khá cao. ThS Nguyễn Minh Trí - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ - cho biết, năm 2020 lần đầu tiên trường áp dụng phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ THPT. Theo kế hoạch, trường tuyển 8.900 chỉ tiêu, trong đó xét tuyển bằng điểm học bạ THPT với điểm trung bình 3 môn là 19,5 điểm trở lên cho tất cả các ngành đào tạo (trừ các ngành đào tạo giáo viên) với 40% chỉ tiêu.
Tương tự, trong 5 phương thức xét tuyển, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM dành 20-30% chỉ tiêu (tổng chỉ tiêu năm 2020 của trường là 5.800) xét tuyển quá trình học tập qua học bạ; 20% xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức; 20-30% xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
ĐH Tài chính Marketing TP.HCM tuyển 4.500 chỉ tiêu, trong đó phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ THPT tối đa lên đến 60% tổng chỉ tiêu cho tất cả các ngành đào tạo (điều kiện được đăng ký xét tuyển là học sinh tốt nghiệp THPT, có tổng điểm trung bình các môn học trong tổ hợp xét tuyển của 5 học kỳ THPT lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt từ 18,0 điểm trở lên).
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM tuyển 3.680 chỉ tiêu và có 4 phương thức tuyển sinh như năm 2019. Tuy nhiên, thay đổi lớn chính là cơ cấu chỉ tiêu ở các phương thức xét tuyển. Đối với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả điểm học bạ lớp 12 theo tổ hợp môn với tối đa 40% tổng chỉ tiêu (những năm trước chỉ 15-20% chỉ tiêu) với điều kiện là thí sinh phải tốt nghiệp THPT và tổng điểm trung bình cả năm của 3 môn trong tổ hợp môn xét tuyển lớp 12 đạt từ 18 điểm trở lên.
Đẩy mạnh lọc ảo
Lý giải về việc trường bổ sung phương án xét tuyển bằng học bạ THPT, ThS Nguyễn Minh Trí cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc tổ chức thi riêng rất khó để các trường có đủ nhân lực và điều kiện thực hiện. Hơn nữa, nếu trường nào cũng tổ chức thi riêng thì phiền hà cho thí sinh.
"Trường xét tuyển học bạ nhưng điều kiện đặt ra là thí sinh phải tốt nghiệp THPT và có điểm học bạ 3 môn trong tổ hợp tuyển của 3 năm lớp 10, 11 và lớp 12 phải đạt 19,5 điểm. Đây mới chỉ là điểm sàn để xét tuyển, còn điểm trúng tuyển sẽ xác định theo nguyên tắc lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu", ThS Nguyễn Minh Trí nhìn nhận.
TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết, về cơ bản quy chế tuyển sinh ĐH năm 2020 không có thay đổi nhiều so với các năm trước. Điểm khác biệt lớn nhất là việc điều chỉnh thời gian tổ chức kỳ thi và các trường chỉ được gọi thí sinh trúng tuyển khi có xác nhận kết quả tốt nghiệp THPT.
Như vậy, năm nay sẽ có 4 nhóm thí sinh gồm thí sinh không dự thi tốt nghiệp THPT, nhóm này sẽ được hiệu trưởng trường THPT cấp giấy chứng nhận; nhóm những thí sinh có đăng ký dự thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH; nhóm những thí sinh có dự thi tốt nghiệp nhưng không dùng để đăng ký xét tuyển; nhóm thí sinh tự do.
Cũng theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vẫn là cơ sơ để các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả để tuyển sinh. Tuy nhiên, các trường chỉ có thể thực hiện được với điều kiện Bộ GDĐT đưa ra cam kết hỗ trợ đăng ký xét tuyển và lọc ảo. Nếu không có 2 yếu tố này, các trường sẽ rất khó trong việc xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.