Nhà khoa học luôn khai phá những lĩnh vực mới
Giáo sư Ngô Đức Thịnh học chuyên ngành Dân tộc học, khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1963 – 1967). Sau một thời gian trải qua công tác thực tiễn ở Ban miền Tây, Viện Dân tộc học, ông được chọn đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô (1975 – 1980). Nhờ được đào tạo cơ bản, được trang bị kiến thức khoa học đa ngành nên ông đi sâu tiếp cận với nhiều lĩnh vực của dân tộc học.
Ở nước ta vào những năm đó ít người nghiên cứu lĩnh vực văn hóa vật chất. Ngoài Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Khắc Tụng nghiên cứu về nhà cửa, chưa ai trở thành chuyên gia về văn hóa vật chất. Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh đã đi đầu trong nghiên cứu về trang phục, ẩm thực và đặc biệt là nông cụ. Khác với các tác giả vào thời điểm đó, trước khi nghiên cứu một vấn đề nào đó của văn hóa vật chất, ông đều bắt đầu đi từ lý thuyết.
Từ lý thuyết, ông soi rọi vào thực tiễn, phát hiện ra những vấn đề mới. Ông nghiên cứu về loại hình học và một số nguyên tắc chung phân loại loại hình các hiện tượng văn hóa (1982). Từ lý thuyết loại hình học, ông đi sâu nghiên cứu về các loại hình cày ở Việt Nam và Đông Nam Á, các loại hình thuyền bè truyền thống ở Việt Nam, các sắc thái địa phương trong kiến trúc dân gian, tạo hình và trang trí dân gian trên trang phục truyền thống…
Như tìm được chìa khóa mở vào cánh cửa thực tiễn, ông tập trung vào ba vấn đề cơ bản của văn hóa vật chất. Đó là nông cụ, trang phục và ẩm thực. Năm 1994, ông xuất bản công trình "Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam". Năm 1996, ông công bố một chuyên luận về nông cụ - "Tìm hiểu nông cụ Việt Nam: Lịch sử và loại hình". Năm 2010, ông xuất bản công trình "Khám phá ẩm thực truyền thống Việt Nam".
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, Nhân học sinh thái là một ngành còn rất mới mẻ ở Việt Nam, Ngô Đức Thịnh là một trong số ít tác giả đi tiên phong về lĩnh vực này. Năm 1980, ông đã công bố bài báo quốc tế về "Các vùng cảnh quan tộc người ở nước Lào", tiếp theo là "Sinh thái tộc người các dân tộc ở Lào" (1980).
Ông cùng với nhà dân tộc học Cầm Trọng công bố công trình "Hệ sinh thái với kinh tế và xã hội dân tộc Thái" (1982), "Nghiên cứu kinh tế xã hội miền núi phía Bắc từ góc độ vùng cảnh quan tộc người" (1985). Năm 2010, khi vấn đề nghiên cứu về môi trường ở Việt Nam được đẩy mạnh, ông trao đổi với đồng nghiệp: Nước mình đa dạng văn hóa, đa dạng hệ sinh thái, cần phải nghĩ đi sâu nghiên cứu, nhưng rất tiếc mình đã già rồi, mong lớp trẻ có người kế tiếp chuyên sâu.
Trong lĩnh vực lễ hội, tôn giáo tín ngưỡng, ông cũng là một trong những người nghiên cứu chuyên sâu. Sau này, ông công bố nhiều công trình về tín ngưỡng thờ Mẫu, ông trở thành chuyên gia về Đạo Mẫu, nhưng thực ra trước khi nghiên cứu tín ngưỡng thờ Mẫu, ông đã đi sâu nghiên cứu tín ngưỡng của các dân tộc Việt Nam.
Ông không chỉ nghiên cứu mà còn biên soạn một giáo trình giảng dạy cho các lớp cao học và nghiên cứu sinh về tôn giáo, tín ngưỡng. Từ tôn giáo tín ngưỡng, ông dành hơn 30 năm nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu. Tuy trước ông đã có một vài người nghiên cứu về lĩnh vực này nhưng chỉ có ông với hành trang lý thuyết dày dặn đã gặt hái được nhiều thành công và trở thành một chuyên gia nổi tiếng. Ông là tác giả và chủ biên gần một chục đầu sách nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu. Ông cũng là người chủ trì và có nhiều đóng góp trong nghiên cứu luật tục các dân tộc thiểu số và sử thi ở Tây Nguyên.
Nhà quản lý năng động
Giáo sư Ngô Đức Thịnh làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian (sau này là Viện Nghiên cứu Văn hóa) trong 10 năm (1994 – 2004). Năm 2008, trước khi nghỉ hưu, ông thành lập và làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam. Ông trở thành nhà quản lý giỏi trong lĩnh vực khoa học.
Trong bể khoa học về văn hóa bao la, ông có tầm nhìn xa trông rộng, luôn lựa chọn những vấn đề mới trong văn hóa để tổ chức lực lượng nghiên cứu. Đó là các vấn đề về vai trò của luật tục các dân tộc thiểu số với quản lý xã hội, sử thi Tây Nguyên, tín ngưỡng các dân tộc, lễ hội, tín ngưỡng thờ Mẫu…
Không chỉ đề xuất định hướng nghiên cứu, ông còn cùng với tập thể Viện xây dựng thành các đề tài, các dự án nghiên cứu có quy mô lớn. Nhằm tạo cơ sở vật chất cho ý tưởng khoa học trở thành hiện thực, ông rất năng động xây dựng đề án tranh thủ các nguồn vốn của các quỹ phi chính phủ quốc tế, ngân sách nhà nước.
Đến ngày nay, rất nhiều cán bộ trong Viện Nghiên cứu Văn hóa cũng khẳng định thời kỳ ông làm Viện trưởng, Viện tranh thủ được nhiều tổ chức phi chính phủ tài trợ nhất. Dự án "Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên" là một thành công trong công tác quản lý của ông. Dự án có số kinh phí khoảng 20 tỷ - số tiền "khủng" nhất của thời kỳ đó.
Nhưng điều nổi bật của dự án là đa huy động được đội ngũ cán bộ đông đảo, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các viện nghiên cứu với các Sở Văn hóa – Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) các tỉnh và đông đảo các nghệ nhân người dân tộc thiểu số. Dự án còn được tiếp tục sau khi ông nghỉ quản lý, xuất bản thành các công trình sử thi giá trị.
Là người đứng đầu của một viện nghiên cứu chuyên ngành, ông nhận thức rõ cần phải đổi tên Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian trở thành Viện Nghiên cứu Văn hóa, vì "cái áo khoác" của Viện quá chật so với chức năng nhiệm vụ mới. Ở Việt Nam, nhiều nhà khoa học quan niệm máy móc văn hóa dân gian đồng nghĩa với văn hóa cổ truyền, cuộc sống đương đại không tồn tại văn hóa dân gian. Trong một số bài báo khoa học của mình, Giáo sư Ngô Đức Thịnh đã phản bác quan điểm đó, đồng thời ông đã chủ động đề xuất đổi tên Viện trở thành Viện Nghiên cứu Văn hóa (năm 2004).
Ngay những năm đầu trở thành Viện trưởng, ông nhận thấy vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu văn hóa là một nhu cầu cấp thiết, năm 1995 ông đã thành lập cơ sở đào tạo thạc sĩ và sau này là cả tiến sĩ chuyên ngành văn hóa dân gian. Ông luôn tin tưởng vào khả năng của lớp trẻ. Ông từng tâm sự với Phó Giáo sư Vương Xuân Tình: "Trong cơ chế này, khó đào tạo người kế nhiệm mình, nhưng vẫn có thể đào tạo đội ngũ khoa học kế cận mình".
Ông nhận thấy đội ngũ nghiên cứu khoa học chuyên ngành văn hóa cũng như khoa học nói chung ở Việt Nam vẫn còn một khoảng cách rất xa với các nước trong khu vực và thế giới. Vì vậy, ông khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho lớp trẻ được du học ở các nước tiên tiến. Đến nay, họ đã trở thành lực lượng nòng cốt, thổi luồng sinh khí mới với phương pháp mới trong nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam.
Khi thực hiện Dự án "Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên", ông còn xây dựng đề án đào tạo đội ngũ thạc sĩ con em đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Sau khóa học, hơn 20 em đã trưởng thành, nhiều người tiếp tục học lên chương trình tiến sĩ, một số người trở thành cán bộ lãnh đạo các ngành, các địa phương và đại biểu quốc hội.
Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh đã về với thế giới người hiền – thế giới của Thánh và Mẫu, nhưng sự năng động, sáng tạo của người quản lý và các công trình khoa học đồ sộ của nhà khoa học luôn tự đổi mới mình vẫn sống mãi trong đội ngũ nghiên cứu khoa học Việt Nam hiện nay.