Trong nhiều người em trong họ, ông Thưởng là người được ông ngoại tôi quý mến hơn cả. Ông trẻ Thưởng cũng là một thợ cả có tay nghề cao và rất có uy tín. Nhiều công trình, ông trẻ và ông ngoại tôi cùng làm. Sở dĩ hai ông tôi thân thiết như vậy là vì ông ngoại tôi và ông trẻ Thưởng rất hợp tính nhau. Hai ông có cùng triết lý về cuộc sống, triết lý làm người. Nhiều người vẫn nói vui là hai ông có cùng một "triết lý thợ mộc"!
Một lần phụ bà ngoại tôi gói bánh chưng, tôi cắt cuống lá và đầu lá quá tay. Thấy thế, ông ngoại tôi liền bảo: Cháu phải ngắm cho thật kỹ rồi mới cắt chứ! Đừng bao giờ vội vàng cháu ạ. Cháu nên nhớ làm việc gì liên quan đến chuyện phải cắt, gọt thì bao giờ cũng phải thực hiện: "3 đo 1 cắt" nhé.
Thấy tôi chưa hiểu, ông giải thích tiếp: Cái nghề mộc của ông buộc phải thực hiện nghiêm một nguyên tắc là "3 đo 1 cắt". Nguyên tắc này không dạy người làm nghề mộc một cách cứng nhắc là phải đo 3 lần rồi mới cưa, cắt, đục đẽo. Mà ý muốn dạy người ta phải đo đạc thật cẩn thận và chính xác rồi mới đặt cưa để cắt hoặc để đục đẽo.
Tại sao lại phải làm như thế? Bởi vì, nếu người thợ vội vội vàng vàng đo đạc không cẩn thận, chính xác rồi cưa cả một cái xà gồ, không may bị hụt thì tiền đâu mà đền người ta? "3 đo 1 cắt" áp dụng cho tất cả các công việc của người làm mộc. Cưa cắt xà ngang, dui mè, cột cái, cột phụ… đều phải chính xác tuyệt đối. Nguyên tắc của người thợ mộc không chỉ tốt cho nghề mộc đâu cháu ạ. Nó đúng với tất cả mọi công việc trong cuộc sống của chúng ta hàng ngày. Vậy cháu phải nhớ kỹ điều này để áp dụng trong cuộc sống nhé! Ông tôi nhấn mạnh…
Một lần bà ngoại tôi xào món sườn lợn. Ngồi ăn, tôi vô tình gẩy miếng sườn bên trên để gắp miếng sườn có nhiều nạc ở bên dưới. Quan sát hành động của tôi, ông ngoại nhẹ nhàng bảo: Cháu ạ. Trước khi gắp thức ăn, mình hãy quan sát thật kỹ. Muốn gắp miếng gì thì đưa đũa chính xác để gắp miếng đó. Tối kỵ dùng đũa gẩy gẩy loạn xạ để chọn miếng vừa ý mình. Làm thế vừa mất vệ sinh, vừa không đẹp chút nào.
Ông vẫn thường dạy người học việc của ông như vậy. Làm thợ, đến bữa, gia chủ thường bày ra đĩa thịt hay đĩa cá cho mình ăn. Nếu người ăn mà cứ gẩy chọn như thế thì rất mất vệ sinh. Nếu đám thợ ăn không hết, gia chủ người ta lại trút vào niêu thịt, niêu cá để bữa sau lại múc ra cho ta ăn chứ ai ăn? Ăn uống cho phải phép là thế, cháu ạ.
Một lần, bà tôi bảo, ông ngoại cả đời làm thợ, được "cơm bưng, nước rót" nhưng ông không bao giờ lạm dụng điều đó. Mỗi bữa chưa bao giờ ông uống hết một chén rượu đầy. Ông thường dùng khoảng nửa chén rượu là cùng. Ông cũng đặt ra nguyên tắc cho những người thợ của ông: Không ai được uống quá một chén rượu. Không được uống cho "thích mồm". Uống say, buổi trưa ngủ quá giấc hoặc sinh ra mệt mỏi, ảnh hưởng đến công việc buổi chiều. Làm mộc công nhật mà như thế gia chủ người ta xót ruột lắm. Mình không được để gia chủ than phiền về chất lượng công việc của mình…
Có lẽ không chỉ vì tay nghề của ông tôi cao mà với triết lý sống tử tế ấy của ông, nhiều gia đình trong vùng đều thích mời ông và ông trẻ tôi làm các công trình cho họ.
Một lần ông trẻ Thưởng thông báo với ông ngoại tôi:
- Anh trưởng còn nhớ nhà ông Lan ở trên Nguộn không?
Ông tôi gật đầu.
- Tôi quên sao được. Nhà ấy tôi và chú cùng làm mộc cho họ. Nhà làm toàn gỗ mít, độc đáo lắm! Tôi nhớ ngôi nhà ấy có đổ trần hiên.
- Đúng rồi! Em vừa gặp ông Lan đi chợ, em có hỏi thăm. Ông ấy cứ xuýt xoa: Ai đến chơi cũng khen nếp mộc của tôi nhà tuyệt vời! Trạm trổ, mộng mỵ đẹp và chắc chắn lắm. Nhưng ông ấy than phiền về cái trần hiên bị ngấm nước. Sửa mãi mà không hết thấm.
Ông tôi ngẫm nghĩ rồi hỏi lại ông trẻ tôi.
- Trần hiên bị ngấm nước à? Tôi nhớ cánh thợ ngõa ngày ấy là cái tay Hùng ở thôn Thượng.
- Anh nhớ không sai. Em nghĩ lão Hùng chơi xỏ gia chủ đấy anh ạ. Em nhớ một bữa, gia chủ không đủ rượu cho cánh thợ ngõa nên tay Hùng có vẻ không hài lòng. Vì thế em nghĩ lão Hùng đã dở trò. Em còn lạ gì cái trò "phản chủ" của cánh thợ ngõa. Nếu không vừa lòng điều gì thì đám thợ ngõa khi đổ bê tông chỉ để một hai sợi dây buộc bao xi măng lên mái rồi cho đổ bê tông lên. Một thời gian sau, sợ dây buộc ấy mủn ra, thế là nước cứ theo sợi dây ấy mà thấm xuống dưới. Có giời tìm ra nguyên nhân.
- Các ngón nghề của thợ ngõa tôi biết cả, chú ạ. Cánh thợ mộc mình mà có mâu thuẫn với thợ ngõa thì cũng dễ rơi vào cái bẫy của họ lắm. Chắc chú biết?
- Vâng em biết chứ. Họ sẵn sàng dở quẻ để chơi xỏ thợ mộc mình trong xây cất, làm khó trong lắp dựng...
- Sao lại có những người làm việc thất đức như thế chú nhỉ?
- Vâng. Làm nghề mà thất đức thì làm sao tồn tại được anh nhỉ?
- Tồn tại thì vẫn tồn tại, nhưng uy tín thì không có. Nghề mộc của chúng ta cũng thiếu gì ngón nghề. Nhiều người phật lòng với gia chủ, họ sẵn sàng "chơi khăm" lại. Mộc mẹo họ cho lỏng lẻo ra một chút, các kích cỡ hụt đi tí chút chẳng hạn. Ngôi nhà khi gặp gió bão sẽ rung lắc vì mộng mẹo không chặt, rất không an toàn… Tôi và chú thì không thể làm ăn thất đức như họ được.
- Em nhớ chứ ạ.
Nghe hai ông trao đổi với nhau, tôi mới vỡ ra nhiều điều. Ở đời sao lắm chuyện người ta đối xử với nhau "kỳ bí" như thế kia chứ! Tôi càng thầm thán phục cái triết lý sống của ông ngoại tôi và ông trẻ.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!