Liên quan đến thông tin bé trai 19 tháng tuổi bị bỏ quên trên xe ô tô, ngày 9/6, trao đổi với báo Đất Việt, đại diện Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc (tỉnh Vĩnh Phúc) xác nhận và cho biết, cháu bé đã được chuyển lên khoa Nhi của bệnh viện.
"Hiện sức khỏe cháu bé đã tiến triển tốt, ăn được ít và vận động cơ vẫn còn yếu, tuy nhiên, may mắn là não không bị ảnh hưởng.
Việc cháu bị bỏ quên trong ôtô, thời tiết lại nắng nóng gay gắt như vậy, cứu sống được là rất may mắn. Nếu chậm trễ hơn, có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng của cháu", đại diện Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc cho biết.
Trước đó, theo thông tin gia đình cung cấp, khoảng 12h trưa ngày 8/6, khi bé trai đang chơi trên ôtô thì bố mẹ khóa sập cửa lại (bằng khóa điều khiển) để quên con xe và đi làm việc khác.
Lúc đó, ôtô không nổ máy, để dưới ánh nắng ngoài trời khoảng hơn 40 độ C. Sau khoảng hơn 2 tiếng, gia đình không thấy cháu đâu mới đi tìm thì tá hỏa phát hiện cháu đang nằm vật trong ôtô, bị hôn mê, đi vệ sinh không tự chủ, sốt cao. Gia đình đã lập tức đưa cháu đến Trung tâm y tế huyện cấp cứu.
Tại đây, các bác sĩ đánh giá tình trạng cháu nguy hiểm, sốt trên 41 độ, co giật… nên đã chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc điều trị.
Theo thông tin trên báo chí, bác sĩ Nguyễn Văn Huy, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc cho biết: "Chúng tôi tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng sốt cao liên tục, lơ mơ mặc dù ở tuyến dưới đã dùng hạ sốt, truyền dịch. Bệnh nhi tiếp tục được truyền dịch, hạ sốt…".
Bác sĩ Huy cảnh báo đối với xe ôtô dù loại nào và có khởi động hay không khởi động thì khi không có người lớn ở cùng, tuyệt đối không để trẻ ở trong xe một mình.
Đặc biệt, trong môi trường nắng nóng như những ngày gần đây, cần hạn chế cho trẻ chơi ngoài trời, đi lại ngoài nắng nóng vì rất dễ bị say nắng, say nóng (sốc nhiệt).
Khi gặp trường hợp trẻ bị lơ mơ, hôn mê do ở trong xe ôtô lâu, cần đưa trẻ ngay ra nơi mát, thoáng gió. Sau đó, nếu uống được thì cho trẻ uống nước điện giải, cần hạ thân nhiệt bằng cách chườm mát bằng khăn ướt, nới rộng quần áo để thoáng khí. Nếu ở nhà có thuốc hạ sốt (paracetamol) thì cho trẻ uống để hạ sốt trước mắt.
"Trường hợp trẻ không uống được có thể đặt hậu môn cho trẻ. Liều lượng thuốc tùy thuộc cân nặng, theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Điều quan trọng là phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời" - bác sĩ Huy khuyến cáo.