Khan hiếm tác phẩm hay, bổ sung đầu vào
Trước tình trạng khan hiếm tác phẩm âm nhạc và sân khấu chất lượng, ngày 10/6, UBND TP.HCM tổ chức cuộc vận động sáng tác tác phẩm âm nhạc và sân khấu đợt 2.
Vừa qua, cuộc vận động sáng tác tác phẩm âm nhạc và sân khấu được TPHCM tổ chức, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật thực hiện, nhân kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020) và chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước với chủ đề "Mãi mãi một tình yêu".
Sau hơn 5 tháng phát động, cuộc vận động đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia của đông đảo ở các lĩnh vực âm nhạc, sân khấu kịch, hát bội, cải lương của rất nhiều tác giả ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Đã có trên 100 tác phẩm tham gia cuộc vận động này.
Đáng chú ý, cuộc vận động đã thu hút sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn có quá trình đóng góp vào sự phát triển chung trên lĩnh vực nghệ thuật của thành phố thời gian qua như: Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, Trương Quang Lục, Huỳnh Ngọc Đông, Ngô Tùng Văn, Giang Hạ, Lê Vinh Phúc, Lê Văn Lộc, Chẩm Hồng Giang, Lê Phúc, Nguyễn Quang Minh, Bảo Huy, Đinh Nhật Minh… cùng các biên kịch, soạn giả: Lê Chí Trung, Lê Thu Hạnh, Đăng Minh, Vương Huyền Cơ, Trần Mỹ Dung, Trần Kim Khôi…
Bên cạnh đó, một số đơn vị nghệ thuật đã gửi tác phẩm sân khấu tham gia với mong muốn mang lại một bức tranh phong phú, đa dạng màu sắc cho cuộc vận động. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng ghi nhận những tình cảm sâu sắc của nhiều nhạc sỹ, tác giả gửi tác phẩm hưởng ứng cuộc vận động như: Nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Quang Vinh, Đức Trịnh, Võ Thiện Thanh…
Chính vì vậy, Ban tổ chức tiếp tục vận động nhạc sĩ, tác giả sân khấu tiếp tục gửi tác phẩm dự thi, gửi về Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM từ đây đến hết ngày 30/7.
Lễ công bố và trao giải Cuộc vận động sáng tác tác phẩm âm nhạc và sân khấu dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10.
Cần thiết tạo một lớp khán giả có thẩm mỹ
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh phân tích: Âm nhạc tồn tại nhiều giá trị, không chỉ giải trí mà cả nghệ thuật đỉnh cao, cho người nghe thăng hoa cảm xúc và phát triển thẩm mỹ âm nhạc. "Chúng ta mất cân đối vì mảng giải trí quá nhiều, còn giáo dục thẩm mỹ rất ít. Sau khi tìm hiểu ở con mình, tôi thấy mảng giáo dục âm nhạc ở phổ thông quá lơ là việc này. Âm nhạc có những giá trị bất biến qua thời gian và chúng ta nên tạo cho các em sức đề kháng lớn, đồng thời, Nhà nước nên hỗ trợ những người sáng tạo có động lực sáng tác", anh nhấn mạnh.
Cũng theo nhạc sĩ, "những tác phẩm ta cho là hay, là đỉnh cao mà không có khán giả thì vô nghĩa. Điều này liên quan đến mảng giáo dục và thực sự để giúp các em có một nền tảng thẩm mỹ tốt rất khó, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ngành, trong đó có đóng góp không nhỏ của các nhạc sĩ".
Còn ở lĩnh vực sân khấu, nghệ sĩ Trịnh Kim Chi băn khoăn: "Chúng tôi đi tìm những kịch bản sân khấu để dàn dựng về đề tài truyền thống, chiến tranh, cách mạng. Nhưng rất ít tác giả viết đề tài này vì họ lo ngại không biết ai sẽ thực hiện, rồi người thực hiện cũng đắn đo khi giải quyết bài toán có khán giả hay không. Bản thân sân khấu Trịnh Kim Chi muốn dựng vở truyền thống thật hoành tráng, nhưng tìm không ra tác giả viết kịch bản, đành phải chuyển thể từ phim "Rặng trâm bầu". Chúng tôi cần những tác phẩm nhẹ nhàng, nhưng thấm sâu vào lòng khán giả chứ không phải loại kịch bản hô hào, lên gân…".
Cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết, vừa rồi, anh hoàn tất tuyển tập 300 ca khúc thiếu nhi. Tuy tự thân vận động, nhưng những người sáng tác như anh vẫn cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.
"Những nhạc sĩ trẻ như tôi không cần tiền mà cần sự hỗ trợ, như hỗ trợ in ấn sách nhạc dành cho thiếu nhi. Tôi mong muốn có nhiều chương trình ca nhạc thiếu nhi như chương trình Những bông hoa nhỏ ngày xưa, tìm những bài hát phù hợp với các độ tuổi của các bé, mong có thêm nhiều bài hát về quê hương, đất nước. Nhà nước đầu tư phổ biến các bài hát đó, còn các nhạc sĩ sẽ tự thân vận động", anh đóng góp ý kiến.
Tác giả, đạo diễn Lê Nguyên Đạt cho biết, anh vui vì Nhà nước bắt đầu quan tâm trực tiếp và có sự hỗ trợ cho sáng tác âm nhạc, sân khấu. "Ngành sân khấu đang khan hiếm tác phẩm hay, không phải không có tác giả tâm huyết mà vì họ đang lo không có bà đỡ. Nhà nước có đặt hàng, nên giới thiệu tác phẩm cho các sân khấu tham gia thẩm định, họ sẽ lựa chọn. Nếu không có sự hỗ trợ tích cực để quay hình, thì chúng tôi khó hoàn thành kịch bản dự thi. Ví dụ, để quay trọn vẹn, phải tốn 600 triệu cho 1 vở, nhưng nếu đoạt giải thì cũng chỉ được 100 triệu.
Nhà nước đặt hàng kịch bản vở diễn và đặt hàng các đơn vị làm ra vở diễn, tạo ra làn sóng mạnh mẽ kích thích từ tác giả đến đạo diễn, để không chỉ xây dựng tác phẩm để dành cho năm 2020 với những ngày lễ lớn, mà có những tác phẩm dành cho thời đại mới và hành trình tiếp theo của TP.HCM với đóng góp mạnh mẽ của nghệ thuật", anh chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM, hiện nay, những tác phẩm mang tính thời sự đang khan hiếm. Điều mong mỏi của Ban tổ chức là có những tác phẩm âm nhạc và sân khấu chất lượng cao, có tư tưởng nghệ thuật và lan tỏa trong nhân dân TP và cả nước. Ngoài chất lượng của từng tác phẩm còn cần có sự hỗ trợ của Nhà nước ở các kênh truyền thông, dàn dựng, quảng bá các tác phẩm.
"Sau khi cuộc vận động sáng tác kết thúc, chúng tôi sẽ có kế hoạch quảng bá dài hơi dành cho các tác phẩm đoạt giải và những tác phẩm hưởng ứng tham gia cuộc vận động. Các tác giả lớn có thể tham gia vào hội đồng nghệ thuật và gửi tác phẩm hưởng ứng, nhưng sẽ không tham gia vào giải. Trách nhiệm của BTC là với những tác phẩm đoạt giải, sẽ lan tỏa những giá trị về nghệ thuật và tư tưởng cho những tác phẩm đó. Đây là sân chơi nghệ thuật cho các tác giả đóng góp vào lĩnh vực nghệ thuật. Chúng ta có nguồn tác phẩm, giúp các đơn vị sân khấu có điều kiện thuận lợi hơn khi đưa tác phẩm tiếp cận công chúng", bà Thúy nhấn mạnh.