Lưu Bị là một vị tướng có tài cầm quân, ứng phó linh hoạt, nhất là khả năng nhìn thấu nội tâm, thu phục nhân tài và khiến họ một lòng trung thành với mình.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, tuy thuộc dòng dõi Hán Thất nhưng Lưu Bị xuất thân nghèo hèn. Ông khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, cùng 2 huynh đệ Quan Vũ và Trương Phi lang bạt khắp nơi, nay đây mai đó. Chỉ đến khi "Tam cố thảo lư" mời được Ngọa Long Gia Cát Lượng xuất sơn phò tá, Lưu Bị mới vươn mình trở thành một thế lực hùng mạnh, rồi xưng đế lập nước Thục vào năm Công Nguyên 221.
Sau khi Lưu Bị mất, Gia Cát Lượng tiếp tục tận tâm giúp đỡ hậu chủ Lưu Thiện, nhưng vì quá lao lực mà bệnh mất tại Ngũ Trượng Nguyên, để lại sự nghiệp phục Hán còn dang dở cho Khương Duy, người kế thừa được chọn.
Khương Duy là một trong những danh tướng kiệt xuất hiếm hoi của nhà Thục Hán thời hậu Gia Cát Lượng. "Khương Bá Ước là người trung thành, cần cù, suy nghĩ chín chắn. Người này đích thực là nhân vật xuất chúng về quân sự. Cái quý nhất là trong lòng cậu ấy vẫn còn nhà Hán", Gia Cát Lượng nhận xét về Khương Duy.
Nếu Gia Cát Lượng từng 6 lần phạt Bắc và được gọi là "Lục xuất Kỳ Sơn", thì suốt sự nghiệp của Khương Duy cũng 9 lần phát động cuộc chiến đánh Ngụy và được gọi là "Cửu phạt Trung Nguyên". Tuy kết quả của chiến dịch đều không mang lại kết quả như ý, nhưng chứng kiến rất nhiều trận đánh huy hoàng của Khương Duy. Trận chiến Thao Tây quân Thục lấy ít thắng nhiều là một trong số đó.
Trước trận Thao Tây, nhà Ngụy phát sinh một vài biến cố. Đầu năm Công Nguyên 255, Tư Mã Sư, người nắm đại quyền thực tế khi đó lâm bệnh qua đời. Em trai ông là Tư Mã Chiếu kế quyền. Cũng trong năm đó, một danh tướng nhà Ngụy khác là Quách Hoài, người thường xuyên đối đầu với Khương Duy cũng chết vì bệnh nặng. Nhận thấy chính cục nhà Ngụy bất ổn, Khương Duy đã phát động trận chiến Thao Tây.
Lần phạt Bắc này Khương Duy lại có 2 điều kiện thuận lợi. Thứ nhất là ông đã hoàn toàn nắm quyền chỉ huy quân sự nhà Thục, có thể đích thân dẫn mấy vạn binh mã tiến công đánh Ngụy. Thứ 2 là Tư Mã Siêu mới lên nắm quyền, cần thời gian để ổn định cục diện.
Theo Tam Quốc Chí, trong lần xuất quân này, Khương Duy dẫn theo Đốc xa kỵ tướng quân Hạ Hầu Bá, Chinh Tây đại tướng quân Trương Dực cùng hàng vạn đại quân. Mặc dù trong sử sách không ghi cụ thế số lượng nhân mã mà Khương Duy điều động, nhưng quân lực nhà Thục khi không dưới 40.000 người.
Khương Duy chia quân làm 3 hướng, tấn công vào Kỳ Sơn, Thạch Doanh và Kim Thành. Đại tướng trấn giữ hai địa phận Ung-Lương khi đó là Trần Thái quyết tâm cố thủ và điều binh ra ải Trần Thương. Ngay khi thấy Trần Thái dẫn binh tử thủ Trần Thương, Khương Duy đã đổi hướng, thống lĩnh đại quân đánh qua Địch Đạo hướng thẳng vào nhà Ngụy. Trái ngược với quyết tâm tử thủ của Trần Thái, Thứ sử Ung Châu Vương Kinh lại tập hợp hơn 50.000 binh mã đối đầu trực diện với Khương Duy, hai bên quyết chiến tại Thao Tây.
Mặc dù Vương Kinh là một danh tiếng nhà Ngụy, nhưng Khương Duy thân làm Thống Soái, lại được đích thân Gia Cát Lượng truyền thụ binh pháp, nên bản lĩnh vẫn cao hơn một bậc. Khương Duy dùng mẹo dụ Vương Kinh đuổi theo đến gần sông Thao Thuỷ rồi quay binh đánh ngược trở lại. Quân Ngụy tháo chạy, Khương Duy thừa thắng truy sát, quân Vương Kinh chỉ còn lại hơn 1 vạn người.
Trên đà thắng lợi, Khương Duy tiến đến đồ thành Địch Đạo. Tuy nhiên, Trần Thái cùng thứ sử Duyện Châu là Đặng Ngải đến giải vây. Khương Duy nhận thấy thế địch tăng cường, nếu mạo hiểm tấn công có thể nhận về tổn thất lớn, thêm việc quân lương không đủ cho 1 thế trận giằng co, nên Khương Duy lựa chọn lui quân trên thế thắng.
Mặc dù chiến dịch phạt Bắc lần đó không thành nhưng đã chứng kiến một trong những chiến thắng huy hoàng nhất của Khương Duy trong sự nghiệp đánh Ngụy.