Dân Việt

ĐBQH: Để thùng rác như hiện tại liên quan đến... lợi ích nhóm

Thành An 11/06/2020 14:36 GMT+7
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh nhấn mạnh: Người ta nói cứ để thùng rác như hiện tại nó liên quan đến lợi ích nhóm trong vấn đề xử lý rác thải… Chúng ta phải thể chế hóa việc phân loại rác thải từ nguồn, quy định cụ thể hóa trong luật để không còn câu nói về lợi ích nhóm trong việc xử lý rác thải để lấy tiền...

Sáng 11/6, góp ý vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho rằng: Nội dung thảo luận lần này đi rất sâu vào môi trường nhưng đây là lần đầu tiên nêu ra vấn đề bảo vệ môi trường nước.

"Tôi thấy nêu được trách nhiệm của Bộ TNMT và trách nhiệm của UBND các tỉnh đối với vấn đề bảo vệ tài nguyên nước. Nhưng đối với vấn đề bảo vệ môi trường nước trên địa bàn Hà Nội, tôi đề nghị phải có sự phối hợp thống nhất đồng bộ để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường nước sông trên địa bàn TP.Hà Nội, không thể để cho một mình TP.Hà Nội được" – bà Khánh nói.

ĐBQH: "Để thùng rác như hiện tại liên quan đến... lợi ích nhóm - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh phát biểu tại thảo luận tổ sáng 11/6.

Nữ đại biểu đoàn Hà Nội nêu thực trạng, hiện nay nguồn nước rất thiếu, khu vực đầu nguồn thì bị Trung Quốc chặn và các công trình xả thải ra môi trường rất nhiều… "Nên một mình Hà Nội không thể làm được. Cho nên cần có sự chỉ đạo từ Trung ương. Tôi đề nghị cần thêm có quy định như thế để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường nước" – bà Khánh đề nghị.

Dẫn vụ việc ô nhiễm sông Đà xảy ra năm 2019 suýt nữa gây nên những hậu quả nguy hiểm cho hàng triệu người dân Hà Nội, bà Khánh đề nghị phải có thêm quy định về an ninh nguồn nước.

"Sau khi sự cố xảy ra từ Trung ương đến địa phương mới giật mình về vấn đề an ninh nguồn nước. Ở đây còn liên quan đến vấn đề chúng ta phải khắc phục tình trạng, nếu Trung Quốc và các nước ở phía đầu nguồn sông Mê Kông tiếp tục ngăn chặn nguồn nước như thế thì chúng ta phải bảo vệ nguồn nước nội địa như thế nào, nên vấn đề an ninh nguồn nước phải chặt chẽ" – bà Khánh nêu.

Liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường không khí, bà Khánh bày tỏ tán thành với nhiều ý kiến trước đó. Song nữ đại biểu đoàn Hà Nội nhận định "từ Điều 12 – Điều 14 quy định rất chung chung, không rõ trách nhiệm cụ thể".

Theo bà Khánh, thời gian vừa qua Hà Nội đã trải qua những cảnh báo liên quan đến vấn đề ô nhiễm không khí. Đặc biệt, chưa bao giờ người dân Hà Nội lại trải qua những cảnh báo ô nhiễm không khí đề nghị người dân ở nhà, đóng cửa sổ, không ra ngoài trời, rồi ô nhiễm không khí nhất thế giới.

"Rõ ràng ở đây chúng ta thấy rất nguy hiểm. 5 phút không thở được là chúng ta về "thế giới bên kia". Như vậy có thể thấy ô nhiễm không khí tác động ngay vào sự sống, cho nên chúng ta cần phải bảo vệ môi trường không khí tốt hơn. Vì vậy tôi đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm về bảo vệ không khí, cụ thể là trách nhiệm Bộ TNMT. Nơi nào để xảy ra ô nhiễm thì Bộ TNMT phải xử lý dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, không để xử lý xảy ra sai phạm lại không biết kêu ai" – bà Khánh nhấn mạnh.

ĐBQH: "Để thùng rác như hiện tại liên quan đến... lợi ích nhóm - Ảnh 2.

Thời gian qua, ô nhiễm không khí của Hà Nội rất báo động.

Về vấn đề bảo vệ môi trường đất, đề cập đến Điều 19 trong dự thảo, bà Khánh cho rằng mới chỉ nói về trách nhiệm của Bộ TNMT và UBND các tỉnh là khá đầy đủ mà phải bổ sung thêm trách nhiệm của các đơn bị khác như: Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT.

Bởi vì môi trường đất tác động bởi hóa chất sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Bộ Xây dựng xây dựng những công trình xây dựng…. "Tôi đề nghị phải bổ sung thêm trách nhiệm của các đơn vị này, nhưng cuối cùng trách nhiệm vẫn thuộc về Bộ TNMT" – bà Khánh nói

Đặc biệt, bà Khánh cho rằng, về nội dung vấn đề cảnh quan thiên nhiên về đa dạng sinh dự thảo luật cũng nói chung chung. "Ví dụ cảnh quan về Mã Pí Lèng xây dựng như thế, song bây giờ phạt cho để tồn tại như vậy là không có trách nhiệm của việc bảo vệ cảnh quan… cho nên tôi thấy Luật bảo vệ môi trường vẫn còn chung chung".

Đáng chú ý, nhắc đến vấn đề bảo vệ môi trường nơi công cộng và ở hộ gia đình, đại biểu đoàn Hà Nội nhìn nhận: "Tôi theo dõi luật bảo vệ môi trường từ năm 2005 cho đến bây giờ, lúc nào cũng nhắc đến việc phân loại từ nguồn, nhưng cuối cùng chả ai thực hiện. Theo tôi phải quy định nó sâu sát hơn. Ví dụ như Điều 61, phải phân loại rác, đưa vào từng thùng một".

Bà Khánh cho biết, khi bà đến nhiều quốc gia khác thấy họ lúc nào cũng có 3 thùng rác lớn để riêng và nêu rõ cái nào chứa rác thải hữu cơ, cái nào chứa rác thải vô cơ, nguy hại… Còn ở Việt Nam thì cứ nói mãi, cứ thu gom chung.

"Tôi đề nghị phải phân loại rác thải từ nguồn, quy định rõ từ Trung ương đến địa phương. Tôi thấy các nước không để một thùng rác như mình tồn tại thế này.

Người ta nói cứ để  thùng rác như hiện tại nó liên quan đến lợi ích nhóm trong vấn đề xử lý rác thải, cho nên họ không muốn phân loại rác thải từ nguồn. Chúng ta phải thể chế hóa việc phân loại rác thải từ nguồn, quy định cụ thể hóa trong luật để không còn câu nói về lợi ích nhóm trong việc xử lý rác thải để lấy tiền của nhà nước. Cần xã hội hóa để các tổ chức cá nhân tham gia vào quy trình thu gom xử lý rác thải" – bà Khánh nhấn mạnh.