Dân Việt

An toàn thực phẩm cần giải pháp quản lý mang tính răn đe, quyết liệt hơn

Quỳnh Anh 12/06/2020 17:15 GMT+7
Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại cuộc họp về an toàn thực phẩm của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm ngày 12/6.

Ban Chỉ đạo đã xem xét các mặt công tác từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nhưng hoạt động quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn được triển khai tích cực. Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục có những chuyển biến căn bản, ý thức chấp hành pháp luật của cả người sản xuất, người kinh doanh, cán bộ quản lý, người tiêu dùng được nâng cao, hình thành nếp sống văn hóa trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn.

So với cùng kỳ năm 2019, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi với 1.612 chuỗi (tăng 367 chuỗi), 2.346 sản phẩm (tăng 1.092 sản phẩm) và 2.989 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi (giảm 183 địa điểm). Trong số các chuỗi nêu trên có sự tham gia của khoảng 100 hợp tác xã, 250 công ty, trong đó có một số tập đoàn lớn (Dabaco, Ba Huân, Saigon Coop, San Hà ....).

An toàn thực phẩm cần giải pháp quản lý mang tính răn đe, quyết liệt hơn  - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc kiến nghị có những giải pháp xử lý, răn đe quyết liệt hơn nữa đối với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Ảnh: VGP

Các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung đánh giá hiệu quả hoạt động của lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại phường/xã sau 1 năm tiếp tục thực hiện thí điểm theo Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Qua đánh giá sơ bộ, Ban Chỉ đạo thống nhất cho rằng hoạt động của lực lượng này rất cần thiết đối với công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho tiếp tục triển khai.

Mặc dù nhận thức về an toàn thực phẩm của người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh có chuyển biến tích cực song một số thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng vẫn cần những giải pháp quản lý mang tính răn đe, quyết liệt hơn nữa.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đề nghị cần cập nhật thường xuyên danh mục chất phụ gia sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm; sửa đổi, bổ sung các quy định xử lý hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.

“Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an đã xử lý hơn 2.000 vụ việc về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng chỉ khởi tố được 3 vụ vì các quy định hiện nay rất vướng”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu thực tế.

Cùng chung quan điểm, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, đại biểu Quốc hội cho rằng quản lý an toàn thực phẩm phải “vừa xây, vừa chống” nhưng trong điều kiện hiện nay chúng ta cần phải tăng cường "chống bẩn" khi mà việc "xây sạch" chưa thể phát huy hiệu quả ngay lập tức.

Thực tiễn từ các địa phương cũng cho thấy nếu chỉ tiến hành thanh tra theo kế hoạch, 1 lần/năm thì không phù hợp với lĩnh vực quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, quan trọng nhất là phải tăng cường thanh tra đột xuất theo báo cáo, thông tin từ người dân, các nguồn tin khác nhau. Ngoài việc thanh tra, xử lý ngay các cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức… vi phạm về an toàn thực phẩm, chúng ta phải có thêm những chế tài mạnh hơn, đặc biệt thực hiện các biện pháp bổ sung như buộc đóng cửa, dừng kinh doanh… nếu phát hiện trường hợp tái phạm.

Ban Chỉ đạo đã thảo luận kỹ và cho rằng thời gian tới cần tập trung thanh tra, kiểm tra các mặt hàng thực phẩm đóng gói ở trong nước và nhập khẩu, bởi theo ý kiến của các chuyên gia, nhiều sản phẩm thực phẩm đóng gói có thể chứa các chất phụ gia hoặc quy trình sản xuất, chế biến không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ ngành tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin, báo cáo, xây dựng cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm, dần từng bước hoàn thiện quy trình quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm theo rủi ro như mô hình tiên tiến trên thế giới và quy định của Luật An toàn thực phẩm.

Bên cạnh vai trò của các cơ quan, chúng ta cần tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân tự giác trong sản xuất, đặc biệt là tiêu dùng các sản phẩm bảo đảm sức khoẻ; tham gia đấu tranh với những hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.