Ông ra đi ở tuổi 96 (1924-2020). Ông là một nhà tình báo tài năng, trước khi đi nhận nhiệm vụ từng được Bác Hồ căn dặn chu đáo. Ông luôn biết chọn đúng người để giao việc khó. Ông đã chọn lựa và đào tạo ra một lớp cán bộ tình báo nước nhà rất đặc biệt và từng được nhiều người ví là "bậc thày của những bậc thầy trong ngành tình báo Việt Nam", điều khiến cả thế giới phải nể phục chúng ta. Trong cuộc đời tìm đường đến với cách mạng, ông quả là một con người có nhân cách mẫu mực, khiêm nhường, luôn chịu đựng hy sinh về mình. Ông luôn một lòng, một dạ trung thành với sự nghiệp cách mạng vẻ vang - thứ mà ông chấp nhận để dấn thân trọn đời.
Tài năng của "ông trùm" tình báo Mười Hương không phải bỗng dưng mà có. Tất cả đều do tích luỹ từ cuộc đời hoạt động cách mạng của ông mới có thể có được chứ ông không hề được đào tào qua trường lớp nào hết.
Ông Mười Hương có may mắn được làm việc tại Văn phòng Tổng bí thư Trường Chinh giai đoạn tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Chính vì thế nên được ông Trường Chinh đặc biệt tin tưởng và trọng dụng. Ngoài việc được gần gụi với Tổng bí thư Trường Chinh, ông cũng có dịp được gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với các ông Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng...
Tóm lại, đó là những con người một lòng một dạ chiến đấu vì lý tưởng cộng sản cao cả, vô cùng trân quý đã trở thành những bộ sách quý dạy ông trở thành một cán bộ cộng sản mẫu mực.
Khi Tổng bí thư Trường Chinh nhận được đề nghị từ xứ uỷ Nam Kỳ mà cụ thể là từ các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ muốn tăng cường cán bộ có kinh nghiệm hoạt động an ninh, tình báo trong lòng địch và trong nội thành mà cụ thể là muốn xin đích danh ông Mười Hương, Tổng bí thư Trường Chinh đã chỉ thị cho ông Mười Hương về gặp ông gấp (do đang được phân công xuống địa phương nắm tình hình).
Khi trao đổi, Tổng bí thư Trường Chinh cũng rất biết, đó là việc cực kỳ khó khăn, phức tạp. Ông không ép buộc ông Mười Hương phải nhận mà nói rằng, nếu thấy không thể kham nổi thì cứ báo cáo nguyện vọng, không sao hết, Trung ương không ép...
Với tư cách của người cán bộ cách mạng, ông Mười Hương đã đón nhận thử thách khắc nghiệt này. Không những vậy, ông còn hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ vì hiểu rõ tổ chức đã tin tưởng ở mình nên mới tính đến.
Tổng bí thư Trường Chinh báo cáo việc này với Bác Hồ, Bác nói: Nếu miền Nam xin chú Hương vào hoạt động thì ủng hộ. Do trong ấy còn đang xây dựng tổ chức cho nên không phong sớm chức tước gì cả. Tuỳ tuỳ hình trong đó bố trí nhiệm vụ.
Trước khi lên đường, Bác Hồ mời ông Mười Hương lên gặp. Bác nói: Công việc của chú thì các đồng chí Trung ương đã giao và dặn kỹ rồi. Xem chú nếu nhận được thì nhận và đừng để phụ lòng Trung ương. Bác có nghe ý kiến của chú Bùi Lâm (một lãnh đạo có uy tín thời kỳ đó về công tác quốc tế do đi nhiều và có thực tiễn, lại nắm sâu về nội bộ địch-NV), chú Lâm là người đi nhiều biết rộng, có kinh nghiệm quốc tế. Bác cũng nhắc lại ý kiến của Bác đã nói với Trung ương việc của chú đi vào Nam mà không phong chức tước gì cả, tuỳ trong ấy phân công, việc gì tuy nhỏ mà có lợi cho cách mạng nhớ làm cho tốt. Phải chú ý đến vấn đề đoàn kết Trung -Nam- Bắc, không được coi thường việc chia 3 miền gần một trăm năm của thực dân Pháp" (Trích từ cuốn "Trần Quốc Hương-Nhân cách và kỳ tích", trang 315, tác giả Trần Giang, NXB Văn hoá Thông tin, xb năm 2002. Đây là cuốn sách dày 496 trang. Nó đã được ông Mười Hương xem lại trước khi đồng ý cho in sách và tác giả bài viết này có trích dẫn một số tư liệu cũng từ đây là chính).
Bác Hồ còn nhắc ông Mười Hương lúc Người đứng lên chia tay: "Khổng Tử có 72 người học trò giỏi, trong đó Nhan Hồi là học trò yêu đã nói: "Ngô nhất nhật, tam tỉnh ngô thân" ý là mỗi ngày phải để 3 lần tự sửa mình, tu thân. Chủ nghĩa Mác -Lê Nin lấy tự phê bình và phê bình làm quy luật phát triển. Hàng ngày, chú phải cố dành ra thời giờ để kiểm điểm công việc đã làm xem việc gì làm tốt, thành công, việc gì làm chưa tốt, có khuyết điểm để rút kinh nghiệm, sửa chữa, đừng để phụ lòng Trung ương. Nhớ nhé, đi sao về vậy!"( trang 316, sách đã dẫn).
Tiếp đó ,theo lời dặn của Tổng bí thư Trường Chinh, ông Mười Hương sang gặp tiếp phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người được Trung ương phân công phụ trách công tác an ninh, tình báo chiến lược của Đảng và Chính phủ lúc đó. Biết các lãnh đạo cao nhất đều đã nhắc cho nên ông Đồng chỉ nhắc thêm rằng, việc ông "đi miền Nam sẽ là 6 tháng với mục đích xây dựng bộ máy an ninh tình báo, nhất là tổ chức bảo vệ an ninh cho các cấp uỷ rồi sẽ rút ra Bắc" (sđd, trang 317).
Vậy là ông đã lên đường vào Nam trên cùng chuyến bay với ông Lê Đức Thọ, hạ cánh xuống sân bay Sóc Trăng vào cuối năm 1954 khi Hiệp định Giơ ne nơ đã ký kết và các bên đang thi hành lệnh ngừng bắn.
Nào ngờ đâu, ông đã nhận nhiệm vụ từ chuyến vô Nam đó lại lâu đến tận ngày giải phóng như vậy.
Ông Mười Hương luôn tự răn mình theo lời Bác dặn nhưng vận dụng vào công tác hoạt động tình báo của mình phải thường xuyên cảnh giác để vượt qua 3 chữ T. Đó là Tình, Tiền (dễ bị cám dỗ, mua chuộc) và Tù (nếu bị thì dù tra tấn đến đâu cũng quyết không đầu hàng).
Riêng cái chữ T thứ 3 là tù tội thì ông Mười Hương đã được nếm trải một lần ở nhà giam Hoả Lò ( Hà Nội). Bởi vậy nên ông đủ tự tin sẽ không kẻ thù nào làm ông gục ngã.
Tại các lớp đào tạo cán bộ tình báo ở miền Nam, ông luôn nhắc nhở đồng chí mình rằng, "người làm công tác an ninh tình báo trái tim phải nóng, song cái đầu phải lạnh và bàn tay phải sạch, như thế thì làm gì cũng dễ... trăm trận trăm thắng" (sđd, trang 320).
Những năm gây dựng lực lượng tình báo ở Sài Gòn, ông Mười Hương có quyền tự hào khi được mọi người chúng ta hôm nay xem ông như một bậc thầy của các bậc thầy tình báo chiến lược từng làm rạng danh ngành tình báo cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống đế quốc và trở thành các Anh hùng Lực lượng vũ trang như đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND), Cụm trường tình báo chiến lược Tư Cang (lưới A 63), như thiếu tướng AHLLVTND Vũ Ngọc Nhạ, cựu Cố vấn Tổng thống Việt Nam Cộng hoà, như AHLLVTND Lê Hữu Thuý, cựu chủ bút báo Sinh lực, cựu Tham chính Văn phòng Bộ Chiêu hồi, người từng đóng nhiều vai trò như một chuyên gia trong mối quan hệ với các đảng phái chính trị, giáo phái khác nhau, khi thì nhằm "đoàn kết" hoặc ngược lại, "gây chia rẽ" chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm khi cách mạng cần và cũng là đồng chí trong Cụm tình báo chiến lược A22 với Vũ Ngọc Nhạ, như cố đại tá AHLLVTND Phạm Ngọc Thảo, vị đại tá của cả hai chế độ, (người trá hàng Ngô Đình Diệm theo yêu cầu đặc biệt của cách mạng vì biết Diệm là người dân tộc chủ nghĩa, theo Mỹ nhưng có chính kiến riêng, không phục Mỹ và chống cộng khét tiếng. Thế nhưng lại thích dùng người đã từng theo cộng sản), như thiếu tướng AHLLVTND Đặng Trần Đức (tức Ba Quốc), cựu Trợ lý Cục trưởng Tình báo quốc nội thuộc Phủ Đặc uỷ Trung ương, người có công đặc biệt lớn khi phát hiện ra tập tài liệu tuyệt mật có dòng chữ "Stay behind in North Vietnam" – tạm dịch là: "Các mạng lưới gián điệp được cài cắm lại ở miền Bắc Việt Nam". Ông Ba Quốc đã chép tay trong nhiều ngày để có được toàn bộ danh sách của 35 mạng lưới gián điệp của Việt Nam Cộng hoà được cài cắm lại ở miền Bắc để chống phá cách mạng nước ta...
Và đặc biệt, chuyện mà đã quá nhiều người trong nước cũng như trên thế giới từng biết đến. Đó là thiếu tướng AHLLVTND Phạm Xuân Ẩn, cựu phóng viên tạp chí Time, một nhân vật tình báo huyền thoại mà cả phía bên kia chiến tuyến họ cũng đầy kính trọng ông. Ông có công lớn vào thời điểm quan trọng của sự nghiệp Thống nhất đất nước, đó là chuyển ra cho Hà Nội những bài viết đánh giá, phân tích việc liệu Mỹ có quay trở lại miền Nam một lần nữa nếu chúng ta Tổng tiến công, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam? Việc nhận định chính xác thời cuộc này đã giúp Trung ương chủ động lực lượng trong chiến đấu và giành thắng lợi tuyệt đối, tránh nội chiến để việc đổ xương máu của cả quân đội lẫn nhân dân khi không cần thiết...
Năm 1954, Xứ uỷ và Ban Địch tình phân công ông Mười Hương vào nội thành Sài Gòn -Chợ Lớn nắm tình hình. Một trong những đầu mối tình báo mà ông tiếp nhận có ông Phạm Xuân Ẩn.
Ông nghe ông Ẩn báo cáo mọi việc. Nhiều đêm ông còn ngủ lại cùng gia đình ông Ẩn để tìm hiểu kỹ hơn. Mẹ ông Ẩn rất thương ông Mười Hương và thường hỏi thăm, coi ông như người con lớn trong nhà, kiểu như "Anh Hai mày đâu?".
Ông Mười Hương thấy Phạm Xuân Ẩn( tức Hai Trung) là người thông minh, sắc sảo, tâm huyết, có lý tưởng rõ ràng, lại giỏi cả tiếng Anh và Pháp nên ông nhận ra công việc Hai Trung đang nhận chưa phát huy hết thế mạnh ở một con người Hai Trung- Phạm Xuân Ẩn đang sẵn có.
Ông Mười Hương cũng được ông Ẩn báo cáo: Trùm tình báo Mỹ ở Việt Nam là Ed. Lansdale tỏ ý sẵn sàng muốn bảo trợ cho Ẩn sang Mỹ học trường hạ sỹ quan tình báo tâm lý chiến, thực chất là đào tạo người cho C.I.A.
Ông Mười Hương khuyên Ẩn nên từ chối mà hãy chuyển sang học nghề làm báo để có cơ hội giao dịch tiếp xúc với nhiều giới, nhiều tầng lớp xã hội, không chỉ bó hẹp trong giới quân sự, nhờ đó thu thập được nhanh, nhạy, nhiều tin tức hơn. Thu nhận càng nhiều tin chính xác, quan trọng thì càng phục vụ cách mạng có hiệu quả mà lại không tốn nhiều tiền (Sđd trang 384-385).
Ông Mười Hương khuyến khích Phạm Xuân Ẩn đi vào nghề báo cũng là do ông nghĩ đến Bác Hồ thời trẻ khi tìm đường cứu nước cũng từng làm báo. Cũng nhờ vậy, tầm nhìn và kiến thức của Bác thật vô cùng phong phú.
Việc ông Ẩn sang Mỹ học ngành báo chí cũng chính là như thế. Qua đó, chúng ta càng thấy rằng, việc chọn đúng người, đào tạo đúng sở trường của "ông Trùm" tình báo Mười Hương đã góp phần quan trọng để làm nên một nhà tình báo huyền thoại như ông Phạm Xuân Ẩn mà chúng ta từng biết.
Tiếc là sau khi ông Ẩn sang Mỹ mới học được 1 năm thì năm 1958, ông Mười Hương bị bắt. Ông Ẩn rất lo cho tổ chức. Ông e rằng sẽ bị vỡ lở thì mình cũng bị lộ. Tuy nhiên, sau khi học xong, ông vẫn quyết định trở về nước và phải nhiều tháng sau, ông Ẩn mới chắp mối được với tổ chức để chờ được mạng lưới A18-H63 giao nhiệm vụ hoạt động... ( Sđd trang 386).
Ông Mười Hương nhận xét về tài năng và công trạng nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn thật đúng cho đến tận sau này. Song, rõ ràng cũng từ ông Mười Hương, do có tầm nhìn sắc sảo, thấy được tài năng và thế mạnh của Phạm Xuân Ẩn, thấy được sự trung thành tuyệt đối của Phạm Xuân Ẩn đối với Đất Mẹ Việt Nam thân yêu... rồi từ đó mà mạnh dạn sử dụng ông Ẩn, một tài năng lớn cho đất nước trên lĩnh vực tình báo.
Người có tài hơn người là biết nhìn ra ai là người giỏi, thậm chí có thể hơn cả mình ở một lĩnh vực nào đó. Từ đó có thể trọng dụng người tài trong công việc được phân công. Ông Mười Hương và tướng Phạm Xuân Ẩn có lẽ cũng là như thế!
Như phần đầu tôi có đề cập. Cái may mắn với ông Mười Hương có giai đoạn đầu của con đường mà ông đến với cách mạng, ông luôn gặp và phục vụ những nhà lãnh đạo cách mạng có uy tín cao của Đảng như Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng... Vì lẽ đó, ông có điều kiện để học hỏi, trau dồi nhân cách, đạo đức tốt đẹp của người làm cách mạng.
Thời gian ông Mười Hương bị đồng chí mình phản bội và bị bắt, ông bị đưa ra Huế để Ngô Đình Cẩn, kẻ khét tiếng gian hùng, thâm độc khai thác. Cẩn luôn tìm cách vận động ông Mười Hương quay sang Chính quyền của Ngô Đình Diệm. Chúng chủ trương thuyết phục người giỏi về với Quốc gia nên trong suốt 6 năm giam cầm, chúng chỉ tra tấn ông đúng có 3 lần còn luôn luôn đường mật với ông. Chúng quá biết, đòn roi kiểu gì với Mười Hương cũng chỉ đem lại thất bại. Cẩn nói: Phải kiên trì thuyết phục để làm sao chuyển được tư tưởng chứ khai hay không không thành vấn đề vì đã mất thời gian tính rồi. (sđd trang 409 ).
Ngô Đình Cẩn đối xử cao tay cũng là có ý muốn giữ con bài để khi cần sẽ trao đổi tù nhân của 2 chính quyền thì hy vọng sẽ "có giá" hơn.
Trong cuốn sách của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải "Trần Quốc Hương, người chỉ huy tình báo" ( NXB Văn hoá Văn Nghệ TP.Hồ Chí Minh, tái bản năm 2020) có đoạn hồi tưởng của ông Mười Hương: Khi còn ở ngoài hoạt động, tôi luôn nghĩ: Hoạt động mà bị bắt thường phải nghĩ tới hai trường hợp: nó không biết gì về mình, có thể nghĩ ra cách cung khai một bản cung giả nhưng phải hợp lý.
Khi nó đã biết về mình rồi, chỉ còn cách đấu tranh trực diện. Vì vậy, việc quan trọng bây giờ của tôi: Phải tìm hiểu cho ra vì sao mình bị bắt, từ đó mới có thể hiểu là kẻ địch đã biết gì về mình hay chưa.
Bọn chúng để yên cho tôi ba ngày, không hỏi han, không đánh đập. Tôi chưa hiểu nó định làm gì. Lúc ấy đầu óc tôi khá căng thẳng. Tôi nằm một lúc rồi ngồi dậy thiền. Tôi học thiền từ lâu rồi, theo cuốn sách về khí công mà đồng chí Lý Ban (sau này là thứ trưởng Ngoại thương) cho tôi.
Suốt sáu năm tù tôi đều tập, nó làm cho tôi bình tĩnh lại và giữ được sức khỏe. Bọn gác theo dõi cả đêm. Tôi tập đến lúc mệt mới thôi...
Cái khí chất bản lĩnh và sự thông minh ở ông Mười Hương chính là lúc ông bị chúng dụ dỗ, lôi kéo mình đi theo Ngô Đình Diệm, ông đã "quật" khéo bọn chúng khi chúng ca ngợi "chính nghĩa Quốc gia" hết lời, ông Mười Hương "độp" luôn: Thế ông Diệm không phải là tay sai của Mỹ à? Mỹ hành động như thế thì có gọi là can thiệp và xâm lược Việt Nam không? khiến từ một kẻ chủ động trở thành bị động, lúng túng với ông vì nói kiểu gì cũng không thể thuyết phục nổi ông (Theo cuốn"Trần Quốc Hương, Nhân cách và Kỳ tích" như đã dẫn).
Ông Mười Hương nói vậy là bởi từ năm 1942 ông cũng đã từng bị Pháp bắt giam tại nhà tù Hoả lò nhiều tháng trời nên có kinh nghiệm nhất định từ chính bản thân ông.
Nhân cách của nhà cách mạng lão thành Mười Hương là cả một quá trình rèn luyện không ngừng nghỉ suốt cuộc đời mà ông dấn thân đầy hy sinh, gian khổ.
6 năm bị địch giam cầm cũng là 6 năm ông phải đấu trí với kẻ địch một cách kiên cường, bất khuất, không để cho 3 chữ T mà ông từng nêu ngày nào phải cảnh giác với nó và ông đã chiến thắng. Thế nhưng cũng vì chuyện từng bị địch bắt giam cho nên ông cũng bị tổ chức xem xét khi dùng ông do có đơn thư gửi Trung ương bày tỏ, đánh dấu hỏi.
Là con người bản lĩnh và kiên cường, ông bình tĩnh để vượt qua những sóng gió mà không chỉ mình ông vướng vào. Nó cũng như nhiều cựu tù của chúng ta từng bị địch bắt giam rồi bị ảnh hưởng đến khả năng thăng tiến của chính mình rất nhiều mà ta thấy.
Từng được tín nhiệm trúng vào BCH Trung ương khoá 4 (1976) cũng như trước khi được bố trí công tác tại Bộ Công an, theo quy định của Đảng, từ trong Nam ra Bác, ông cũng phải làm bản tự kiểm điểm trong thời gian bị cầm tù. Kết quả cũng rất tốt khi kết luận: "Qua tất cả các nguồn tài liệu đều chứng minh suốt thời gian bị địch bắt, bị tù, đồng chí Mười Hương đã giữ được khí tiết, không khai báo, không chuyển hướng, là người tích cực đấu tranh chống lại chính sách của địch được anh em cùng tù tín nhiệm và kẻ địch phải kính nể. Khi ra tù thái độ tự báo trước Đảng nghiêm túc, trung thực" (Trần Quốc Hương, Nhân cách và Kỳ tích, trang 465).
Thế nhưng, vào năm 1980, đã có một số lá đơn tố giác ông chuyện trong tù, trong công việc tại thành phố tại TP.Hồ Chí Minh.
Ông Mười Hương nghiêm chỉnh để tổ chức kiểm tra Đảng xác mình với thái độ bình tĩnh vì cho rằng, đó là chuyện bình thường, không có ngoại lệ. Ông không một lời phàn nàn, oán trách ai. Bằng nhân cách trung thực, ông được đoàn kiểm tra đánh giá cao trong việc hợp tác để tìm ra sự thật của vấn đề.
Những tưởng đá kết thúc. Hoá ra những lá đơn khác về chuyện trong tù và quá trình công tác sau này lại khiến ông tiếp tục bị đeo bám.
Ông trình bày nghiêm túc trước những lãnh đạo Đảng có trách nhiệm rồi đề nghị sớm kết luận cho xong. Nếu không thì ông tự xin ra khỏi Đảng những sẽ vẫn là người cộng sản, phấn đấu cho lý tưởng cộng sản, phục vụ cho lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc nhưng không ở tổ chức.
Thấy nói vậy, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đức Tâm, Bí thư Thường trực Trung ương Đảng Võ Chí Công đều khuyên ông bình tĩnh để Trung ương xem xét, kết luận.
Là người trung thực và khái tính, không cậy thế thân quen gần gụi với người này người khác trong Bộ Chính trị để nhờ tác động thêm cho nhanh. Như việc tôi vừa nêu, ông Trường Chinh biết chuyện nên có mời đến nhà dùng cơm để hỏi và ướm ông Mười: Chú có cần tôi nói thêm với anh Ba (tức ông Lê Duẩn, Tổng bí thư Đảng) chuyện này không?
Thế nhưng ông Mười Hương cũng gạt đi, cám ơn và nói: Thôi cứ để tổ chức họ làm (sách đã dẫn, trang 470-471).
Với mình thì như vậy nhưng với đồng chí nào bị oan, ông luôn tiếp cận tìm hiểu và có chính kiến rõ ràng.
Trường hợp ông Nguyễn Hữu Đang, nguyên thứ trưởng bộ Tuyên truyền thời kỳ nước nhà giành độc lập năm 1945, nguyên Trưởng ban Tổ chức Lễ Quốc khánh, ra mắt Chính phủ Cách mạng lâm thời cũng cảm động.
Thế nhưng sau ngày hoà bình, năm 1956, ông Hữu Đang bị đi cải tạo 14 năm trong vụ Nhân văn giai phẩm. Dù thời gian đó ông Mười Hương đang trong chiến trường, không biết sâu, thế nhưng ông vẫn không ngại, đem sinh mệnh chính trị của mình ra bày tỏ quan điểm cá nhân. Ông không tin rằng ông Đang có thể là người chống lại cách mạng dù có thể có những bài viết chưa vững vàng về lập trường tư tưởng.
Ông đã tìm gặp ông Nguyễn Hữu Đang để nghe thêm và trở về trình bày với Ban Tổ chức Trung ương. Ông làm việc này là bởi ông biết quá rõ về ông Nguyễn Hữu Đang từ thời trai trẻ đến với Cách mạng.
Thế rồi, ông Nguyễn Hữu Đang được tha, được cấp nhà và truy lĩnh lương hưu.
Ông Mười Hương kể rằng khi biết tin ông Hữu Đang được tha thì tìm đến thăm. Ông Đang vẫn "mày tao" như xưa với ông Mười Hương và rằng: "Chắc mày còn nhớ, hồi trước tao ở Hà Nội rất khổ. Bây giờ có nhà ở, có cả công trình vệ sinh riêng trong nhà. Trước kia nghèo lắm, khó lắm mới đãi được bạn. Bây giờ tao đãi thoải mái, năm mười đứa cũng được. Mặc cũng vậy, lúc trước kiếm đâu ra áo len, nay tao có hai ba cá áo, muốn cho ai cũng được. Còn đi lại, tao đã có xe đạp để đi. Mà muốn có xe may để đi, xin bạn cũng có người cho. Đất nước nay đã hoàn toàn giải phóng, thống nhất, không còn bị lệ thuộc, khổ sở như xưa. Cuộc đời thế là hạnh phúc lắm rồi. Tao mãn nguyện lắm rồi!"( sđd, trang 472).
Ông Nguyễn Hữu Đang mất năm 2007, ông Mười Hương đến viếng trong đoàn Hội Văn hoá cứu quốc cũ.
Tình đồng chí, tình bạn ở ông Mười Hương là như vậy!
Chuyện tương tự như tướng tình báo an ninh Nguyễn Tài, AHLLVT ND, nguyên thứ trưởng Bộ Công an bị địch bắt trong chiến tranh và bị tổ chức đánh dấu hỏi khiến ông Công Tài day dứt khôn nguôi vì oan khuất thấu trời xanh.
Song, với tổ chức Đảng và đặc biệt trong lực lực an ninh, nó luôn đặt làm trọng. Sự việc khiến ông mệt mỏi vì những tưởng đã khép lại nhưng lại chưa xong. Biết chuyện, ông Mười Hương xin gặp TBT Nguyễn Văn Linh trực tiếp đề nghị TBT quan tâm, xử lý rốt ráo để minh oan cho một con người kiên trung với Đảng đến độ kính nể, không một đòn thù nào làm ông gục ngã. Vậy mà cũng mất 9 năm, sự việc mới ngã ngũ và khép lại. Năm 2002, tướng Nguyễn Tài được tuyên dương AHLLVTND (sđd ,các trang từ 473-476).
Thế nhưng, với cá nhân mình thì ngược lại. Ngay đến chức vị cao ông cũng coi tựa lông hồng. Được biết, có thời điểm Đại hội toàn quốc cận kề, ông Mười Hương cũng tự xin rút khỏi danh sách mà BCH Trung ương đề cử ông tham gia vào Bộ Chính trị trong khi nhiều người có uy tín giới thiệu ông, khuyên ông không rút. Điều đó đã khiến rất nhiều người nể trọng ông hơn sau này.
Cuộc đời của nhà lão thành Cách mạng Trần Quốc Hương thật là một tấm gương sáng. Ông là một con người tài năng và đức độ, sắc sảo và kiên cường. Ông sẵn sàng hy sinh tất thảy vì đất nước, không mưu cầu cho cá nhân và hết lòng vì tình đồng chí, đồng đội.