Yi Seok sinh ra và lớn lên ở kinh thành Seoul, trong khi đất nước Triều Tiên vẫn đang nằm dưới sự đô hộ của quân phiệt Nhật. Cuộc đời của ông chính vì thế cũng bắt đầu trải qua những "ba chìm bảy nổi".
Kể từ khi bị quân phiệt Nhật phế truất vào năm 1910, Hoàng gia Chosun đã bị tước mất quyền cai trị, chỉ còn là bù nhìn. Đến năm 1948, Triều Tiên bị chia cắt thành 2 miền Nam - Bắc, Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) mới ra đời của vị Tổng thống đầu tiên Syngman Rhee đã ra lệnh xóa bỏ chế độ quân chủ, tịch thu hết tài sản của Hoàng gia, chỉ cho cư ngụ trong một trong những hoàng cung ở Seoul.
Thời mạt vận của Hoàng gia càng căng sau khi tướng Chun Doo Hwan làm binh biến lên nắm quyền vào năm 1979, và đã ra lệnh tịch thu toàn bộ các hoàng cung. Không còn nơi nương tựa, các con cháu Hoàng gia Chosun bắt đầu chia đi tứ tán, có người sang Nhật Bản sinh sống, nhưng phần đông sang Mỹ. Duy chỉ có vị Hoàng tử nhỏ nhất Yi Seok không đi đâu cả, vẫn ở lại Hàn Quốc.
Yi Seok nổi tiếng là vị "Hoàng tử ca hát", vì ông có khiếu hát hay. Sau khi tốt nghiệp cử nhân tiếng Tây Ban Nha, Yi Seok bắt đầu kiếm sống bằng nghề ca hát. Ông hát nhiều bài hay, phục vụ chủ yếu cho quân đội Mỹ đóng ở Hàn Quốc sau chiến tranh. Sự nghiệp ca hát của Yi Seok lên đến đỉnh cao vào năm 1967, với bài hát nổi tiếng "Nest of Doves" (Tổ chim câu). Cho đến tận ngày nay, bài hát này vẫn được hát trong các đám cưới ở Hàn Quốc, và mỗi lúc như thế người ta lại nhớ đến ông – ca sĩ Yi Seok.
Thế rồi cuộc sống ngày càng khó khăn do thời thế thay đổi khiến Yi Seok không còn ca hát như trước được nữa, đành phải sang Mỹ vào đầu thập niên 80. Đến Los Angeles bằng hộ chiếu du lịch, Yi Seok bị xem như thành phần nhập cư lậu, phải sống vất vả trong công viên, bên vỉa hè, và trong những khu "thùng cáctông" dành cho kẻ vô gia cư.
Là một Hoàng tử thông minh nhất trong các con cháu dòng họ Yi, nhưng do chỉ được trang bị vài kỹ năng cơ bản lại khó vận dụng trong xã hội phương Tây, cho nên Yi Seok chỉ có thể lay lắt sống qua ngày bằng những nghề dành cho tầng lớp thấp hèn nhất trong xã hội Mỹ, từ chùi bồn cầu cho đến làm vệ sinh hồ bơi...
Nhờ ky cóp dành dụm sau nhiều năm lao động vất vả, Yi Seok đã kiếm được một khoản tiền 15.000 USD để "mua" tấm "thẻ xanh" (thẻ thường trú nhân) thông qua cuộc hôn nhân sắp đặt với một phụ nữ Mỹ gốc Mexico. Từ đó, cuộc đời bắt đầu mỉm cười với một con người chịu thương chịu khó như Yi Seok. Vợ chồng ông đã cùng nhau bỏ vốn mở cửa hàng bán rượu Eddy's Liquor Store. Nhờ biết tiếng Tây Ban Nha, Yi Seok dễ gần gũi và kết bạn với cộng đồng người nói tiếng Tây Ban Nha ở Los Angeles, nhờ đó làm ăn phát triển.
Năm 1989, Yi Seok bắt đầu nảy sinh ước nguyện khôi phục thanh danh Vương triều Chosun sau khi ông từ Los Angeles trở về Hàn Quốc để chịu tang bà cô ruột của ông. Chuyến trở về này đã tác động mạnh khiến cho Yi Seok ấp ủ trong lòng ý định sẽ trở về Hàn Quốc sinh sống, sau bao nhiêu năm bôn ba.
Trở về Los Angeles, công việc làm ăn bắt đầu gặp khó khăn. Yi Seok kể, cửa hàng của vợ chồng ông đã bị cướp "viếng thăm" đến 15 lần, và lần bị cướp cuối cùng đã khiến cho vợ chồng ông phá sản và chia tay nhau luôn. Yi Seok trở lại những ngày tháng sống vất vưởng, tá túc trong các nhà tắm công cộng, ở trong những khu lều dành cho người vô gia cư, và đã nhiều lần cố tìm đến cái chết nhưng không thành.
Mãi đến năm 2003, ước nguyện trở về Hàn Quốc của Yi Seok mới có "cơ hội" thành hiện thực sau khi tờ báo Weekly Chosun ở Hàn Quốc đăng bài viết nói về ông, nhan đề "Vị Hoàng tử cuối cùng Yi Seok tá túc trong các nhà tắm công cộng". Bài báo đã khiến cho Yi Seok cảm thấy bị sỉ nhục ghê gớm, cho nên ông quyết định chuyển sang ở trong... ôtô cũ. Nhưng cũng chính bài báo này đã gây chú ý cho chính quyền thành phố Chonju – lúc này đang tập trung xây dựng hình ảnh nhằm phát triển du lịch. Thế là 2 nguyện vọng gặp nhau, chính quyền thành phố Chonju đã đề nghị xây dựng và cấp riêng cho ông khu biệt điện theo đúng tiêu chuẩn Hoàng gia khi xưa, nhằm mục đích tái hiện hình ảnh Hoàng gia, đồng thời cũng thuận tiện cho mục tiêu khôi phục Vương triều của Yi Seok.
Hiệp hội Cháu nội Hoàng đế cũng nhanh chóng được thành lập để hỗ trợ thêm cho ông. Yi Seok trở về Hàn Quốc trong sự tiếp đón nồng nhiệt của chính quyền và vòng tay ấm áp của người dân Chonju – cái nôi xa xưa của Vương triều Chosun. Các khách sạn ở địa phương săn đón ông, cho ông ở miễn phí. Một nhà tạo mốt tự nguyện cắt may miễn phí cho ông, còn một nha sĩ tên Kang Kyeong Chang thì trồng cho ông 10 chiếc răng mới...
Yi Seok cho biết, nguyện vọng duy nhất của ông là muốn con cháu đời sau tiếp tục lưu truyền những câu chuyện về một trong những vương triều vĩ đại nhất trong lịch sử Triều Tiên. Tuy nhiên, nguyện vọng đó có thành hiện thực hay không còn tùy thuộc nhiều vào yếu tố "may rủi". Hiện tại, rất nhiều người dân Hàn Quốc vẫn không hề biết ai là vị Hoàng tử cuối cùng thừa kế ngai vàng Chosun, người ta thậm chí không màng đến cả sự tồn tại của ông, ngoại trừ chính quyền và một bộ phận cư dân thành phố Chonju, nơi ông sinh sống.
Yi Seok cảm thấy có cái gì đó đau nhói trong tim mỗi khi ông bắt gặp những thanh niên trẻ tuổi thời nay thản nhiên đi ngang qua mặt ông trên phố như thể họ không biết ông là ai. Ông không thể trách họ, bởi vì ông chưa hề xuất hiện trong ký ức họ. Còn trong sử sách viết về dòng họ Yi của ông cũng không thiếu những trang đen tối, đặc biệt vào thời của vị Hoàng đế cuối cùng Sunjong – em của ông nội ông.
Ngày nay, Hoàng tử Yi Seok đã có cuộc sống tốt đẹp hơn trước rất nhiều tại thành phố Chonju, quê hương của tổ tiên mình. Ông không phải lo lắng bất cứ điều gì trong cuộc sống nữa, vì tất cả đã được chính quyền Chonju chăm lo. Tuy nhiên, thỉnh thoảng Yi Seok lại thấy buồn vì vẫn còn nhiều điều ông chưa làm được để khôi phục hoàn toàn danh tiếng của Vương triều Chosun, và vẫn còn nhiều người dân Hàn Quốc chưa biết hoặc không muốn biết đến ông - vị Hoàng tử nối ngôi cuối cùng của dòng họ Yi.