Công an huyện Đăk Mil đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, một ngày sau khi xe tải tông chết 5 người.
"Cơ quan điều tra đang giám định các phương tiện. Trong quá trình điều tra nguyên nhân, nếu thấy có dấu hiệu phạm tội sẽ khởi tố bị can", thượng tá Đinh Văn Hiếu, Phó công an huyện Đăk Mil thông tin.
Trước đó, khoảng 6h45 ngày 13/6 tại chợ 312 (xã Đắk R’la, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) đã xảy ra một vụ tai nạn liên hoàn khiến 5 người chết, nhiều người bị thương.
Vào thời điểm trên, một xe tải lưu thông trên đường Hồ Chí Minh, khi chạy qua xã Đắk R’la, huyện Đắk Mil đã xảy ra tai nạn liên hoàn với một ô tô và một xe cày khác.
Vụ va chạm liên hoàn khiến 2 xe ô tô lao vào nhà dân ven đường, đúng thời điểm này nhiều người dân đang tập trung đi chợ nên xe ô tô đã tông nhiều xe máy khiến 3 người tử vong tại chỗ, nhiều người nhập viện cấp cứu.
5 người bị thương được đưa đến điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên và Bệnh viện đa khoa H.Đắk Mil. Tuy nhiên, sau đó, 2 nạn nhân không qua khỏi.
Trao với phóng viên Dân Việt, luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan điều tra cần xác định rõ nguyên nhân vụ tai nạn, từ đó xác định hành vi vị phạm pháp luật, căn cứ theo tính chất mức độ xử lý đúng người đúng tội.
"Điều 260 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định rõ về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Với việc tham gia giao thông làm chết người có thể bị phạt tù với nhiều mức khác nhau từ cải tạo không giữ hoặc phạt tù từ 1 đến 15 năm tù.
Trong trường hợp này, nếu người gây tại nạn do không tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn giao thông nên đã gây ra hậu quả làm chết nhiều người, trong trường hợp người đó đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì người đó đủ điều kiện cấu thành tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ", luật sư Tuấn cho biết.
Theo vị luật sư, điều 260 Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định rõ: Một là, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Cụ thể: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Hai là, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
Không có giấy phép lái xe theo quy định; Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; Làm chết 2 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Ba là, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên
Bên cạnh đó, người gây tai nạn trên phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy đinh tại mục 2 phần II Nghị quyết số 03/2006/NQ- HĐTPTANDTC quy định chi tiết một số quy đinh của Bộ luật dân sự năm 2005 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Đồng thời, ngoài tiền chi phí thuốc thang và chi phí mai táng, phía bên kia tức là người gây tai nạn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho những người mà người thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết và khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần.
"Nếu người vi phạm có bồi thường thiệt hại thì có thể coi đó là một tình tiết giảm nhẹ tội. Điều này được quy định tại Điều 591 Bộ Luật Dân sự năm 2015", vị luật sư cho biết.
"Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định."