Dân Việt

200.000 khẩu AK47 Mỹ chuyển cho Iraq đã biến đi đâu?

Tiểu Bảo (Theo Guardian, ANTG) 14/06/2020 20:30 GMT+7
Theo báo cáo điều tra của Tổ chức Amnesty International (AI), Lầu Năm Góc đã bí mật chuyển hơn 200.000 khẩu súng tiểu liên Kalashnikov (AK47) cùng với hàng triệu viên đạn sang Iraq trong 2 năm 2004-2005.

Số vũ khí này Lầu Năm Góc thu mua (với giá rẻ bèo) từ dân chúng và các phần tử vũ trang ở Bosnia, và dự định chuyển đến Iraq để phục vụ trang bị cho quân đội Iraq mới do Mỹ huấn luyện. Điều đáng nói là, không hề có dấu hiệu nào cho thấy số vũ khí nói trên đã được giao tận nơi chúng phải đến. Qua xác minh tại Iraq, AI phát hiện không hề có chứng từ nào lưu lại việc giao nhận số vũ khí xuất xứ từ Bosnia kể trên. Các quan chức liên quân ở Baghdad cũng cho biết họ không hề nhận hoặc nghe nói đến vũ khí nào mua từ Bosnia chuyển đến trong 2 năm qua.

200.000 khẩu AK47 Mỹ chuyển cho Iraq đã biến đi đâu? - Ảnh 1.

AK-47.

Một quan chức NATO từng công tác tại vùng Balkan cho báo chí biết, vụ vận chuyển vũ khí lớn nhất từ sau Thế chiến II này nằm ngoài tầm kiểm soát của NATO, do vậy tổ chức này không thể nào theo dõi chúng trên đường vận chuyển. Từ đó, nhiều khả năng số vũ khí này có thể bị "bốc hơi" dọc đường mà không ai hay biết.

Nguyên do có lẽ nằm ở khâu tổ chức thu mua và vận chuyển. Việc này thay vì được tiến hành công khai bằng các phương tiện và nhân sự của mình hoặc thông qua các công ty chính thống, thì Lầu Năm Góc lại tiến hành trong vòng bí mật và thuê một mạng lưới phức tạp gồm các công ty môi giới và vận chuyển vũ khí tư nhân của Mỹ, Anh, Thụy Sĩ, Moldova thực hiện; các công ty này nhiều lúc hoạt động bất hợp pháp, không theo quy định nào của chính quyền sở tại hay luật pháp quốc tế kiểm soát việc mua bán vũ khí. Toàn bộ chương trình do Đại sứ quán và Văn phòng tùy viên quân sự ở Sarajevo, Bosnia tổ chức điều phối. Đại sứ quán Mỹ tại Bosnia đã giao khoán cho 2 công ty dịch vụ an ninh mà họ tin tưởng là Taos và CACI. Sau đó Taos và CACI giao lại cho các nhà thầu nhỏ hơn thực hiện công việc.

CACI là công ty dịch vụ an ninh tư nhân từng dính líu trong vụ tai tiếng tra tấn tù nhân Iraq ở nhà tù Abu Ghraib. Và trong số các nhà thầu con thì có Công ty Aerocom của Moldova, từng bị chính Mỹ và Liên Hiệp Quốc (LHQ) liệt vào danh sách đen những công ty buôn lậu vũ khí quốc tế cần điều tra, theo dõi. Năm 2003, Aerocom bị LHQ điều tra vì liên quan trong các vụ mua bán "đổi súng lấy kim cương" ở Liberia và Sierra Leone. Trong khoảng thời gian từ tháng 7/2004 đến cuối năm 2005, Aerocom đã thực hiện 4 chuyến bay vận chuyển tổng cộng 99 tấn vũ khí từ Căn cứ Eagle ra khỏi Bosnia dự định đến Iraq. Aerocom hiện đã giải thể do bị chính quyền Moldova tước giấy phép kinh doanh, thế nhưng tài sản và công việc làm ăn của công ty này lại được chuyển giao cho một công ty Moldova khác là Jet Line International. Ngoài Aerocom ra, một số công ty khác cũng từng dính líu trong các phi vụ chuyển lậu vũ khí từ Serbia và Bosnia sang Liberia và Iraq thời Tổng thống Saddam Hussein cách nay 4 năm.

Cơ quan điều hành quốc tế tại Bosnia từng nhiều lần yêu cầu chấm dứt tình trạng xuất khẩu vũ khí tại đây, nhưng dưới sức ép của chính quyền Mỹ, yêu cầu này cũng đã nhiều lần không được thực hiện nhằm tạo điều kiện cho việc vận chuyển vũ khí sang Iraq. Chính quyền Anh cũng đã tài trợ cho một chương trình tiêu hủy 250.000 vũ khí hạng nhẹ thu gom sau chiến tranh Bosnia, nhưng chương trình này hiện đang đi vào ngõ cụt và sắp phá sản. Adrian Wilkinson, một cựu quan chức giải trừ vũ khí của LHQ tại Bosnia cho biết, người dân và cả các phần tử vũ trang Bosnia đang ngưng hợp tác với Cơ quan giải trừ vũ khí LHQ do họ trông chờ vào việc có thể kiếm được tiền từ số vũ khí đang có trong tay qua việc bán chúng cho các thương lái thu mua theo hợp đồng với Lầu Năm Góc.

Không chỉ làm hỏng chương trình giải trừ vũ khí tại Bosnia, việc làm của Lầu Năm Góc còn làm hỏng cả những nỗ lực chung của quốc tế trong việc chống buôn lậu vũ khí toàn cầu. Điều này khiến cho các quan chức châu Âu và các tổ chức phi chính phủ (NGO) phụ trách giám sát việc thu hồi và tiêu hủy vũ khí tại Bosnia sau chiến tranh hết sức giận dữ, nhưng họ dường như chẳng làm được gì ngoại trừ mỗi việc kêu ca với báo chí