Cáu gắt, đòi tự tử để được dùng điện thoại
Đang học lớp 8 nhưng C.D đã nhiều ngày liền không thể đến trường vì đêm nào cũng cầm điện thoại lướt mạng, chơi trò chơi đến tận 3h sáng. Bị cha mẹ la mắng tịch thu điện thoại thì C.D chống đối bằng cách nhịn ăn, bỏ học và đỉnh điểm là lấy dao lam cắt cổ tay "muốn chết đi vì không được dùng điện thoại".
Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cũng đã tiếp nhận không ít ca có những biểu hiện tâm thần liên quan đến trò chơi điện tử. Mới đây nhất là một bé trai 12 tuổi thường xuyên dùng tiếng lóng, chửi thề cả với người lớn. Em luôn trong trạng thái kích động, sẵn sàng đánh nhau với bạn dù không có nguyên nhân. Tìm hiểu ra mới biết em đang bị cuốn theo một game online mà trong game đó, các thành viên thường xuyên chửi bới, lăng mạ nhau.
Một trường hợp khác, đang là học sinh cấp 2 chuyển tiếp lên cấp 3, bắt đầu chơi game online từ hè năm lớp 8. Ban đầu, em chơi có chừng mực nhưng càng về sau chơi không kiểm soát và lấy trộm tiền để nâng cấp trò chơi trong game. Mỗi lần nhân vật trong game gặp chuyện gì không vừa ý hoặc thua cuộc là em thường cau có, bực bội, thậm chí nổi cơn tam bành đập điện thoại, phá đồ đạc.
Dễ bị bệnh tâm thần vì nghiện game
ThS tâm lý lâm sàng Hoàng Dương (Bệnh viện Nhi đồng 1) phân tích, hiện nay, các game có xu hướng bạo lực, hành động thiết kế ngày càng hấp dẫn tạo cảm giác như đời thực. Khi được đắm chìm sảng khoái trong những nhân vật và lặp lại liên tục các hành động trong game, có cơ hội được thể hiện bản thân, vô tình từ từ các em sẽ hình thành kiểu hành vi bắt chước như trong game. Ra đời, các em cũng thích vận dụng những hành vi này thì lại không phù hợp, dễ dẫn đến mâu thuẫn với thành viên trong gia đình, bạn bè, thầy cô...
"Biểu hiện của trẻ nghiện game là chơi trò chơi điện tử nhiều giờ, không những ban ngày mà thậm chí thâu đêm suốt sáng. Trẻ rất khó để dứt ra được trò chơi, kể cả có sự can thiệp của cha mẹ, thậm chí cha mẹ có la mắng đi chăng nữa. Thứ ba là trẻ có biểu hiện, hành vi ứng xử khác thường trong phạm vi gia đình, chẳng hạn như dùng ngôn ngữ khó hiểu, khó kiểm soát cảm xúc, dễ nóng giận, bực bội, mệt mỏi... Do chơi game mất nhiều thời gian nên trẻ cũng bỏ bê việc ăn uống, ngủ nghỉ làm ảnh hưởng đến thể chất" - ThS Hoàng Dương nêu.
Một hệ lụy nguy hiểm của việc chơi game nhiều là các em có thể bị lệ thuộc vào các chất kích thích như chơi quá mệt, các em sẽ tìm uống cà phê, hút thuốc lá và thậm chí là các chất ma túy để đủ sức "cày" game.
Theo BS Nguyễn Minh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, ranh giới giữa việc chơi game và nghiện game hết sức mong manh. Bản thân trò chơi game online là giải trí nhưng lại mang tính kích thích rất mạnh vì có thi đấu, cạnh tranh, có thưởng.
Nguy hiểm của game online ở chỗ nó cứ cuốn người chơi càng ngày càng sâu thêm. Bệnh nhân nào cũng vậy, mới đầu chỉ xác định là chơi giải trí, chơi ít nhưng khi đã chơi thì không thể dừng lại được.
Trò chơi này đặc biệt nguy hiểm với những người thiếu bản lĩnh, nghị lực kém và nhân cách chưa định hình, đặc biệt là lứa tuổi học sinh. Trẻ con về mặt tâm lý chưa hoàn thiện, nhận thức chưa đầy đủ vì thế rất dễ nhiễm bệnh này. Bệnh nghiện game sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ, làm cho sức khỏe giảm sút, thậm chí trầm cảm, loạn thần...
Theo BS Tuấn, khi chơi game đến mức độ thành nghiện, trở thành bệnh lý thì sự khuyên nhủ của người thân là vô giá trị. Chữa trị bệnh nghiện game online rất kỳ công, đòi hỏi nhiều thời gian và sự hợp tác đồng thuận từ gia đình, người thân.
Nguyên nhân của bệnh nghiện game online phần lớn là do tập nhiễm. Thời gian tập nhiễm càng lâu, việc chữa trị càng khó. Nếu từ bé, trẻ nhìn thấy bố hay mẹ tham gia các trò chơi trúng thưởng, sẽ tác động vào ý nghĩ của trẻ rằng, vui chơi có thưởng là một sở thích, một việc làm tốt. Khi đã nhiễm phải ý nghĩ này, nếu lớn lên các em lại nghiện game online, nghiện các trò chơi thắng thua thì việc chữa trị vô cùng khó.