Chiều 15/6, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội. ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đã có phát biểu rất đáng chú ý.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nói: Khi ý Đảng hợp với lòng dân thì dù có hy sinh xương máu, tài sản như là thời kháng chiến hay việc giảm thu nhập, mất việc làm, nghỉ học, đảo lộn cuộc sống bình thường của từng gia đình như trong công cuộc chống Covid-19 vừa qua thì nhân dân hưởng ứng, ủng hộ, không có một thế lực thù địch nào có thể phá hoại.
Do đó, khi người dân phản ứng với chủ trương, chính sách, hành động của chính quyền thì cán bộ công chức trước hết phải tự vấn, tự kiểm, vì sao lòng dân không ủng hộ mình và đừng có vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó. Bởi làm như vậy, chính là làm cho Đảng xa dân, đẩy dân về với thế lực thù địch. Cách làm đó trái với di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tôn chỉ, mục đích của Đảng.
Tất nhiên, chúng ta hãy làm cho ra, cho đúng về thế lực thù địch để còn chống, còn nghiêm trị nhưng không mượn "bóng ma" của chúng để công kích, quy chụp những người góp ý, phê bình dù đó là người dân thường, doanh nghiệp, trí thức, đại biểu dân bầu.
Tôi dám khẳng định không ít trường hợp, ví dụ như trong Hội trường Diên Hồng này, nếu có thế lực thù địch thì chỉ ngự trị trong suy nghĩ của những người quy chụp và không ở đâu cả.
Trong điều kiện dịch bệnh hoành hành toàn thế giới, không chừa quốc gia, tầng lớp xã hội, tôn giáo... chúng ta vượt lên, tiếp tục vững vàng đi tới. Tôi muốn nhấn mạnh vai trò của Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, ĐBQH luôn quan tâm theo dõi, sát cánh, ủng hộ các chủ trương đúng đắn của hành pháp, tư pháp.
Chống dịch thành công là công lao của Đảng, Nhà nước, toàn quân, toàn dân, đáng tự hào, tuy nhiên rút ra những bài học đúng, xác định bước đi, nội dung công việc sắp tới một cách khoa học, chính xác là điều phải làm hiện nay.
Mở cửa lại để khôi phục kinh tế là công việc hệ trọng, đòi hỏi bước đi, phương pháp khoa học, sâu sát, cụ thể. Tôi có đọc bài báo của ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân và hoàn toàn đồng ý với cách tiếp cận của ông.
Chúng ta phải nắm chắc và phân tích tình hình dịch bệnh, xác định chủ trương định hướng cho từng quốc gia, từng thị trường, từng lĩnh vực, tập đoàn kinh tế để có đối sách, quyết sách kịp thời. Thế giới đã và đang chuyển sang giai đoạn bình thường mới, không thể và không còn như trước. Nếu làm đúng thì ta sẽ khai thác hiệu quả cơ hội, nâng cao vị thế, tạo tiền đề vững chắc cho hội nhập bền vững trong kỷ nguyên mới của loài người - kỷ nguyên hậu Covid-19 đang diễn ra.