Từ học sinh giỏi thành học sinh yếu, bỏ nhà đi hoang vì game
Tại tọa đàm "Nghiện game online - hậu quả khôn lường" do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 16/6 tại TP.HCM, "game thủ" B.N đã kể lại câu chuyện của mình: "Em bắt đầu chơi game từ lớp 3, lúc đầu chỉ chơi 1-2 tiếng, đến lớp 8 thì được bạn rủ chơi game Liên minh. Thời điểm đó, em chơi ít nhất là 8 - 12 tiếng/ngày, thậm chí chơi xuyên đêm. Đang từ học sinh giỏi, em tụt xuống học sinh yếu, thậm chí còn ăn cắp tiền của ba mẹ để chơi game. Bị la mắng, em bỏ nhà đi, trong túi chỉ có 50 ngàn đồng".
Những ngày lang thang, B.N phải đi bưng bê, chạy bàn, giao hàng để có tiền sống qua ngày. Một tháng sau, em quay về nhà và chấp nhận đi cai game tại Trường nội trú IVS.
Ths Nguyễn Thị Huỳnh An - giảng viên Bộ môn Tâm lý học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhận định, ở Việt Nam thời gian qua xảy ra rất nhiều vụ án liên quan đến game online, rúng động nhất là trường hợp bé trai 5 tuổi bị bắt cóc, bị trói đến tử vong mới xảy ra.
"Điều này cho thấy game online ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nhiều lĩnh vực khác. Tác hại đầu tiên của game là ảnh hưởng đến kết quả học tập. Chơi game thức khuya nên không thể dậy đi học hoặc đi học trong tình trạng buồn ngủ, mệt mỏi không tiếp thu được kiến thức. Lâu dần dẫn đến chán nản, bỏ học. Tiếp đó là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người chơi game.
Khi tập trung liên tục vào game với những hình ảnh gây hưng phấn, sẽ khiến cơ thể bồn chồn mệt mỏi, mắt dần kém đi dẫn đến bệnh về mắt. Khi người chơi game nhập tâm vào thế giới ảo, bên trong game sẽ từ từ tách rời xã hội bên ngoài. Luôn cảm thấy thế giới bên ngoài chẳng có gì thú vị. Sau đó, người chơi game sẽ rơi vào cô đơn, muốn xa lánh với những người xung quanh. Dần dần sẽ dẫn đến bệnh trầm cảm, tâm thần...", ThS An chia sẻ.
"Game online" = "overnight"
TS - thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm - giảng viên Trường Đại học An ninh Nhân dân nhận định: "Tác hại của game thậm chí nguy hiểm hơn cả ma túy. Ai dùng ma túy thì ngay lập tức gây hậu quả nhưng game thì không phải, đến thời điểm xác định nghiện game gần như không còn đường lùi. Nghiện game tạo ra tư tưởng hiếu thắng, nếu thua thì tạo tư tưởng cay cú. Nếu chơi game thì những mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ tình cảm sẽ dần biến mất, quên bố mẹ, gia đình, người thân, bạn bè, điều này cực kỳ nguy hiểm".
Theo TS Lâm, game online là một "món ăn tinh thần" song nếu không kiểm soát, không làm chủ được sẽ rất nguy hiểm… Việc chơi và nghiện game quá mức sẽ dễ làm cho người chơi, đặc biệt là người trẻ mê muội, suốt ngày bị ám thị bởi những tình huống, trận chiến, vật phẩm… trong game. Điều này làm cho giới trẻ không còn thời gian để suy nghĩ, hành động những công việc tích cực khác.
Thực tế cho thấy, thuật ngữ "game online" thường song hành với thuật ngữ "overnight", bởi khi đã sa đà vào việc chơi game thì người chơi thường không có điểm dừng. Hệ quả là không chỉ hao mòn về sức khỏe, mà đầu óc sẽ bị chai cứng, đờ đẫn. Hiện nay, một xu hướng của việc nghiện game thấy rất rõ, chính là việc thay bằng con người sẽ "điều khiển" máy móc thì bây giờ chính máy móc đã "điều khiển" con người, biến người chơi game như một vật thiêu thân. Lúc này, máy móc, điện thoại đã trở thành chủ thể chủ động, còn con người lại rơi vào thế bị động. Điều này cực kỳ nguy hiểm bởi sẽ rất làm cho người chơi game rơi vào tình trạng mất kiểm soát.
"Dưới góc nhìn xã hội học, tôi cho rằng nghiện game là một hiện tượng xã hội "gần gũi" với hiện tượng tội phạm. Bởi lẽ, nếu nghiện game, sẽ có thể phát sinh vô vàn những tình huống: Không có tiền chơi game sẽ nghĩ ra cách để có tiền (như trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người); bố mẹ không cho chơi có thể dẫn đến cáu gắt, khó chịu, chửi bới, thậm chí giết cả bố mẹ; khi mua bán các vật dụng liên quan đến các trò chơi có thể dẫn đến những bất đồng, xung đột giữa các cá nhân, nhóm… dẫn đến những hậu quả khó lường", TS Lâm nhìn nhận.
Theo TS Lâm, nguyên nhân đầu tiên của tình trạng này chính từ gia đình: Con cái không ăn - cha mẹ cho chơi game để ăn; hoặc cách để bố mẹ thư thái khi ngồi uống cà phê mà không bị trẻ quấy chính là việc 'giao hẳn' điện thoại cho lũ trẻ; khi trẻ khóc, cách nhiều bố mẹ hay dùng là "hay để bố mẹ cho con chơi game nhé". Điều này dường như đã trở thành phổ biến, rất phổ biến.
Theo BS Nguyễn Văn Ca - Trưởng khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 175, các nhà sản xuất game rất biết cách để thu hút người chơi trở lại chơi game. Ngồi chơi game quá lâu, các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể xảy ra như chuyển hóa đường, mỡ dẫn đến béo phì. Cơ quan sinh dục sẽ bị giảm cung cấp máu do tư thế ngồi lâu dẫn đến vô sinh. Nghiêm trọng hơn là tác hại về tinh thần, bị giảm trí nhớ, cảm xúc bị biến đổi dẫn đến bồn chồn khó chịu, cáu kỉnh, nhân cách bị biến đổi. Game tạo cho người chơi cảm giác chiến thắng ảo, ảnh hưởng rất lớn tâm sinh lý của giới trẻ.