Người dân địa phương cho rằng, nguyên nhân của tình trạng sạt lở chủ yếu xuất phát từ việc khai thác cát trên sông. Tháng 5/2020, 11 hộ dân ở Đức Linh gửi đơn tập thể kêu cứu và tố cáo các tàu hút cát làm bờ sông sạt lở.
Men theo ven sông La Ngà, PV Dân Việt còn phát hiện nhiều cây cao su hơn 10 năm tuổi đang cho thu hoạch mủ đã ngã xuống trôi dọc theo dòng sông. Hàng loạt cây cao su khác cũng trơ gốc, lòi rễ và có thể ngã ào xuống sông bất cứ lúc nào.
Cạnh đó, có một số doanh nghiệp đang khai thác cát trên sông. Nơi đang khai thác cát, tình trạng sạt lở được xác định là rất nghiêm trọng.
Ông Trần Ngọc Triết – Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Đức Linh cho biết, đơn vị đã phối hợp với UBND thị trấn Võ Xu kiểm tra.
Đoàn đã bấm tọa độ thì xác định tất cả các điểm sạt lở theo hình ảnh phản ánh đều thuộc xã Gia An (Tánh Linh). Các điểm sạt lở nghiêm trọng nằm trong đoạn sông được cấp phép cho doanh nghiệp tư nhân Tạ Văn Cầu thuộc xã Gia An khai thác cát.
"Hiện chúng tôi đã liên hệ Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Tánh Linh kiểm tra hoạt động khai thác cát của ông Tạ Văn Cầu, vì các điểm sạt lở gần bãi tập kết cát là rất nghiêm trọng" - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Đức Linh cho biết thêm.
Sông La Ngà dài hơn 272 km bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng). Đến Bình Thuận, sông chảy qua 3 huyện: Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Đức Linh với hơn 140 km, sau đó qua Đồng Nai đổ vào hồ Trị An.