Dân Việt

Điểm giống nhau giữa Điền Bá Quang, Vi Nhất Tiếu và Tạ Tốn ít người biết

Quốc Tiệp 17/06/2020 07:30 GMT+7
Điền Bá Quang, Vi Nhất Tiếu và Tạ Tốn là những nhân vật trong tiểu thuyết kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung, dù cả 3 người không phải là những nhân vật quang minh chính đại, nhưng cũng là một người khẳng khái, đường đường chính chính, tuy đã từng làm nhiều việc xấu nhưng lại biết quay đầu.

Điền Bá Quang

Trong Tiếu ngạo giang hồ, nếu nói về võ công thì Điền Bá Quang dù không phải hàng cao thủ võ lâm, nhưng cũng có thể nói là giỏi, lúc mới gặp Lệnh Hồ Xung, Điền Bá Quang vẫn còn trên cơ tay lãng tử này.

Kiếm Hiệp Kim Dung: Điểm giống nhau giữa Điền Bá Quang, Vi Nhất Tiếu và Tạ Tốn ít người biết - Ảnh 1.

Điền Bá Quang.

Sở trường của Điền Bá Quang thứ nhất là khinh công cực giỏi nên được gọi là Vạn lý Độc hành (vì ít người theo kịp), thứ hai là phép khoái đao rất lợi hại, thứ ba là một tên dâm tặc, chuyên đi hãm hiếp phụ nữ, giết người cướp của, không việc gì không làm. Vì thế nên Điền Bá Quang có ngoại hiệu khá dài là "Giang dương đại đạo hái hoa dâm tặc vạn lý độc hành khoái đao Điền Bá Quang".

Điền Bá Quang bình sinh thích nhất là chuyện luyến ái, chuyên dùng sức mạnh để cưỡng tình nên dưới con mắt hầu hết các nhân sĩ võ lâm thì Điền Bá Quang chỉ thuần túy là một tên "dâm tặc" chuyên "vùi hoa dập liễu" con gái nhà lành.

Trong một lần, khi Điền Bá Quang có ý định hãm hiếp ni cô Nghi Lâm nhưng bị Lệnh Hồ Xung xả thân cứu. Lệnh Hồ Xung võ công không bằng Điền Bá Quang, nhưng đảm lược thì hơn hẳn. Đứng đánh không lại, Lệnh Hồ Xung khích Điền Bá Quang ngồi để đánh, ai rời khỏi ghế trước sẽ thua. Điền Bá Quang chém Lệnh Hồ Xung 13 đao, máu me khắp người. Thế nhưng Lệnh Hồ Xung không phải là người rời ghế trước. Điền Bá Quang nhận bại, nhưng cũng qua đó cả hai nhận ra nhau là những người rất có hào khí.

Kiếm Hiệp Kim Dung: Điểm giống nhau giữa Điền Bá Quang, Vi Nhất Tiếu và Tạ Tốn ít người biết - Ảnh 2.

Cảnh trong phim Tiếu ngạo giang hồ.

Sau đó Điền Bá Quang bị Bất Giới hòa thượng - cha của ni cô Nghi Lâm bắt lên núi tìm Lệnh Hồ Xung mang về cho Nghi Lâm, qua đó tạo ra việc Phong Thanh Dương dạy Độc cô cửu kiếm cho Lệnh Hồ Xung, đồng thời bộc lộ là con người sống rất tín nghĩa. Điền Bá Quang rất khâm phục Lệnh Hồ Xung và sau đó tìm cách kết bạn với Lệnh Hồ Xung.

Sau này Điền Bá Quang đã từ bỏ tính xấu hoàn lương, (thực chất là bị Bất Giới ép đi tu, và một lý do nữa là y đánh cuộc với Lệnh Hồ Xung thua, bị buộc phải nhận Nghi Lâm làm sư phụ). Bất Giới đặt cho Điền Bá Quang pháp danh là Bất Khả Bất Giới, trở thành một hòa thượng theo phái Hằng Sơn.

Kể ra cái giá để hoàn lương của Điền Bá Quang là quá lớn nhưng rồi y cũng "ngộ" ra rằng cái ham muốn của con người luôn có giới hạn của nó cũng như một đời người. Sau này Điền Bá Quang đã hy sinh thân mình để cứu mạng ni cô Nghi Lâm, khép lại cuộc đời của một tên dâm tặc nhưng biết giữ chữ tín và trọng tình nghĩa.

Thanh Dực Bức Vương Vi Nhất Tiếu

Xuất hiện trong Ỷ thiên đồ long ký, Vi Nhất Tiếu ngoại hiệu là Thanh Dực Bức Vương, là người đứng thứ 4 trong Tứ đại pháp vương của Minh giáo. Ông là người vô cùng cổ quái và lập dị. Trước khi Trương Vô Kỵ lên làm giáo chủ Minh giáo thì Vi Nhất Tiếu bị tẩu hỏa nhập ma khi luyện công, do đó khi khai triển nội công đều phải hút máu người sống, nếu không thì sẽ bị lạnh cóng toàn thân và chết (nên hình ảnh của Vi Nhất Tiếu luôn gắn liền với "con dơi hút máu người"). Các nhân sĩ võ lâm chính phái từ đó coi Vi Nhất Tiếu là một tên đại ma đầu chuyên hút máu người, một kẻ tàn ác không việc gì là không dám làm.

Kiếm Hiệp Kim Dung: Điểm giống nhau giữa Điền Bá Quang, Vi Nhất Tiếu và Tạ Tốn ít người biết - Ảnh 3.

Vi Nhất Tiếu do bị tẩu hỏa nhập ma nên phải hút máu người sống.

Sau này nhờ Trương Vô Kỵ dùng Cửu Dương Thần Công chữa trị, nên Vi Nhất Tiếu không còn phải hút máu người sau khi vận nội công nữa. Từ đó Vi Nhất Tiếu đã trở thành một trợ thủ đắc lực cho Trương Vô Kỵ. Nhờ tài khinh công thuộc hàng đệ nhất thiên hạ của mình mà nhiều phen Vi Nhất Tiếu đã giải cứu nhóm người Trương Vô Kỵ khỏi những lúc nguy nan. Ngoài ra, ông còn có võ công Hàn băng miên chưởng.

Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn

Cũng xuất hiện trong Ỷ thiên đồ long ký, Tạ Tốn có ngoại hiệu là Kim Mao Sư Vương, là người đứng thứ ba trong Tứ đại pháp vương của Minh giáo. Tuy chức vụ xếp sau Tả Hữu sứ giả nhưng trong di thư của cố Giáo chủ Dương Đỉnh Thiên thì ông được đề cử chức vụ Phó giáo chủ.

Kiếm Hiệp Kim Dung: Điểm giống nhau giữa Điền Bá Quang, Vi Nhất Tiếu và Tạ Tốn ít người biết - Ảnh 4.

Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn.

Ông là đệ tử của Hỗn Nguyên Phích Lịch Thủ Thành Côn nhưng sau đó bị sư phụ hãm hại cả gia đình nên đã học lén Thất Thương Quyền của phái Không Động rồi mạo danh Thành Côn đi giết hại thật nhiều nhân vật chính yếu trong võ lâm, với hy vọng Thành Côn sẽ ra mặt để minh oan cho mình. Tuy vậy, Thành Côn không ra mặt đã đành, dần dần trong giang hồ đều biết chính Tạ Tốn chứ không phải Thành Côn đã làm những điều đó, khiến Tạ Tốn trở thành một kẻ thù của hầu hết các bang phái. Tạ Tốn càng lúc càng say máu trả thù, lún sâu vào tội lỗi.

Trong lúc Thiên Ưng giáo, tổ chức hội Dương Đao lập uy để khoe thanh đao Đồ Long họ vừa chiếm đoạt được trên Vương Bàn sơn, thì Tạ Tốn thình lình xuất hiện. Giữa đông người, ông đoạt Đồ long đao và nảy ra ý định giết chết tất cả để bịt đầu mối. Ông sử dụng tuyệt kỹ Sư Tử Hống của mình để làm điên khùng hết thảy, chỉ trừ có hai người là Ân Tố Tố và Trương Thúy Sơn, họ an toàn do đã thắng Tạ Tốn trong một cuộc tỷ thí.

Ở gần cuối truyện, Tạ Tốn được Vô Kỵ và Chu Chỉ Nhược giải thoát khi bị nhốt trong một mật thất ở chùa Thiếu Lâm. Trong đám quần hùng, ông phát hiện ra kẻ thù xưa là Thành Côn, nay đã thành hoà thượng Viên Chân. Hai người đánh nhau một trận long trời lở đất, nửa chừng Thành Côn bị Tạ Tốn đâm mù mắt, trước mặt chỉ còn con đường chết. Song giữa phút giây đó, Tạ Tốn bỗng nhớ lại những tháng ngày chìm nổi của mình, thấy việc oán thù trên đời này thật là vô nghĩa, nếu giết Thành Côn cũng chẳng đủ để xoá hết những nỗi đau kia, thế là ông tha thứ cho Thành Côn. Nghĩ lại những việc ác của mình, lòng ông tràn đầy hối hận, tự phế võ công, xuôi tay chịu để người khác trả thù để chuộc tội với thiên hạ song Độ Ách đại sư, một thiền sư đắc đạo đã cảm hóa và thu nhận ông làm đồ đệ.

Từ đó, Tạ Tốn quy y cửa Phật, chấm dứt một quãng đời đầy những cơn cuồng nộ mà không có lối thoát.

Có thể nói, Dù không phải là những nhân vật quang minh chính đại, nhưng Điền Bá Quang, Vi Nhất Tiếu và Tạ Tốn cũng là một người khẳng khái, đường đường chính chính, tuy đã từng làm nhiều việc xấu nhưng lại biết quay đầu kể ra còn tốt hơn Quân Tử Kiếm Nhạc Bất Quần hay một kẻ núp bóng phật môn như Thành Côn nhiều lần.